Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 22/06/2015 09:44
Các loại ruộng đất thuộc sở hữu của nhà nước thời Lý

Hệ thống sản xuất nông nghiệp thời Lý một mặt là kết quả của bức tranh sở hữu ruộng đất song đồng thời nó cũng phản ánh những đặc trưng căn bản trong thiết chế xã hội, đời sống tư tưởng của Đại Việt. Hệ thống sản xuất nông nghiệp của nhà nước chủ yếu dựa trên các loại ruộng đất đặt trực tiếp dưới sự quản lý của nhà nước (ruộng quốc khố, đồn điền, tịch điền và ruộng sơn lăng) và loại ruộng đất mà nhà nước chỉ gián tiếp quản lý (ruộng công làng xã, ruộng thác đao, thực ấp). Cùng tìm hiểu một số loại ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước dưới thời Lý để phần nào hiểu hơn về tình hình sản xuất nông nghiệp thời Lý cũng như những nét căn bản trong thiết chế xã hội thời Lý.

 
Ruộng quốc khố, hay quan điền  là một trong hai loại ruộng công (ruộng thuộc sở hữu của Nhà nước, đã khai khẩn hoặc còn bỏ hoang) trực tiếp do nhà nước quản lý, canh tác bằng trâu cày, nông cụ của nhà nước, với các lực lượng sản xuất nô tì, tội nhân của triều đình được gọi là cảo điền nhi hay cảo điền hoành. Hoa lợi thu được dự trữ trong kho của triều đình để dùng cho việc trong cung và triều đình. Vì vậy, tô thuế ruộng quốc khố thường vào loại cao nhất. Ở đây, tô và thuế nhập làm một. Điều đó cho thấy tính chất sở hữu của nhà nước và quan hệ bóc lột trong loại ruộng này. Loại ruộng này chủ yếu ở vùng Cảo Xã (nay là làng Nhật Tảo, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhà Lý còn điều động các cảo nhi, cảo hoành đến vùng ven biển khai thác ruộng đất. Chính những người này lập ra các làng Cảo ven sông Luộc nay là các xã của Thái Bình hiện nay.
 
Trong khi đó, hệ thống đồn điền là loại ruộng đất có được từ việc tổ chức khai hoang và sản xuất nông nghiệp ở các vùng ven sông, ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Lam. Dưới thời vua Lý Thái Tông thì tình hình khai hoang được đẩy mạnh, trong đó tù binh là lực lượng chủ yếu. Năm 1044, sau khi đánh thắng Chămpa và bắt được 5000 tù binh, vua Lý Thái Tông đã “xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang (thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An ngày nay) đến Đăng Châu (nay là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái), đặt hương ấp phỏng theo tên gọi cũ của Chiêm Thành. Diện tích các đồn điền không ngừng tăng lên từ nửa sau thế kỷ XI, Lý Nhật Quang, con vua Lý Thái Tông được giao trấn giữ vùng này đã đẩy mạnh khai hoang, lập nên nhiều đồn điền, trại sách. Do đó dọc vùng sông Lam hiện nay có đến 30 làng thờ ông làm thành hoàng làng.
 
Loại ruộng đất thứ ba là ruộng tịch điền. Tịch điền  là loại ruộng nghi lễ mà hoa lợi chủ yếu dùng vào việc cúng tế lớn của nhà nước trung ương. Loại ruộng đất này không phải đến nhà Lý mới có, nó đã có từ thời Tiền Lê. Các vị vua nhà Lý đều rất quan tâm đến loại ruộng đất này, hàng năm các vua đều tham dự lễ cày ruộng tịch điền và trực tiếp cày ruộng tịch điền để khuyến khích lao động nông nghiệp trong buổi đầu xây dựng chế độ phong kiến dân tộc. Diện tích ruộng tịch điền thời Lý nói chung không rộng, chủ yếu tập trung ở vùng xung quanh kinh thành Thăng Long, khu vực đông dân và khu vực có nghề nông phát triển, trong đó có nhiều khu vực khá nổi tiếng như Bố Hải Khẩu, Lỵ Nhân. Cũng có ý kiến cho rằng: do cày tịch điền dưới thời Lý là một nghi lễ tượng trưng và nghi lễ đó có thể tổ chức trên bất kì loại ruộng đất nào của nhà nước, nên tịch điền không phải là loại ruộng hiện thực hoặc nếu có thì diện tích cũng quá nhỏ.
 
Loại ruộng thứ tư thuộc sự quản lý trực tiếp của nhà nước là ruộng sơn lăng. Đây là loại ruộng dùng vào việc thờ phụng tổ tiên dòng họ nhà vua.So với ruộng tịch điền thì diện tích ruộng sơn lăng còn nhỏ hơn, vì đây chỉ là ruộng đất lăng tẩm của các vua, chuyên lấy hoa lợi vào việc bảo vệ và sửa chữa các lăng. Thời Lý, nhà nước có một ít ruộng sơn lăng ở Đình Bảng (Hà Bắc), thời Trần có ở Thái Đường (Thái Bình)... Khác với tịch điền, ruộng sơn lăng không mất đi mà được bảo lưu dưới hình thức ruộng tế hay ruộng công, do làng xã quản lý. Ruộng sơn lăng thường được chọn đặt ở quê hương nhà vua.
 
Ngoài các loại ruộng trên do nhà nước trực tiếp quản lý thì còn có những loại ruộng công mà nhà nước chỉ quản lý gián tiếp đó là ruộng công làng xã, ruộng thác đao và ấp thang mộc. Ruộng công làng xã là ruộng giao cho các làng xã quản lý, do những người lính nhàn thời bình về cày cấy (theo chính sách "ngụ binh ư nông"). Hoa lợi thu được từ ruộng này để nuôi quân. Có thể nói ở đây làng xã vẫn còn giữ được một loại ruộng, gọi là công bản, là ruộng sở hữu hoàn toàn của mình. Ngoài đó ra là bộ phận ruộng khẩu phần thuộc sở hữu tối cao của nhà nước và phải nộp tô thuế hàng năm. Ruộng thác đao và ấp thang mộc là ruộng ban thưởng cho quan lại, công thần. Xuất phát của tên gọi ruộng thác đao từ chuyện tướng Lê Phụng Hiểu. Sau khi Phụng Hiểu giúp Lý Thái Tông dẹp loạn tam vương, vua Lý muốn thưởng chức cho ông nhưng Phụng Hiểu xin đề đạt nguyện vọng được lên núi Băng Sơn ném đao lửa đi xa, đao rơi xuống chỗ nào trong đất công thì xin được lấy đất ấy làm sản nghiệp. Lý Thái Tông ưng thuận. Lê Phụng Hiểu lên núi ném đao rơi xuống hương Đa Mi. Vua ban cho Phụng Hiểu đất đó, vì vậy người Ái châu gọi đó là "ruộng ném đao". Thực chất, ruộng thác đao chỉ dành cho một đời công thần, không truyền được cho con cháu và công thần cũng chỉ được hưởng phần thuế thu từ ruộng đó. Ấp thang mộc hay thực ấp là vùng đất được ban cho quan lại gồm một số lượng hộ dân cùng ruộng đất chịu sự quản lý của họ, được nhà Lý áp dụng khá rộng rãi. Thông thường, thực ấp với số hộ dân thuộc quyền các quan lại nhỏ hơn trên danh nghĩa, như Lý Thường Kiệt được ban thực ấp 1 vạn hộ nhưng thực tế chỉ có 4.000 hộ hoặc Lý Bất Nhiễm được phong thực ấp 7.500 hộ nhưng thực tế chỉ có 1.500 hộ. Sở dĩ như vậy vì thực tế nhà Lý không đủ số hộ và ruộng đất để phong mà việc phong trên danh nghĩa nhằm biểu dương công trạng của người đó. Khi người được phong qua đời thì đương nhiên dòng họ đó hết quyền lợi và số hộ trở về với triều đình. Chế độ này không tạo điều kiện cho sự củng cố sở hữu ruộng đất phong kiến tư nhân.
 
Có thể nói, trong buổi đầu dựng nước, nhà Lý đã từng bước xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên một cơ cấu đất đai tương đối cụ thể và rõ ràng. Sự phân định rõ ràng về chế độ quản lý, sở hữu các loại đất đai là cơ sở để nhà nước quản lý được tài sản của mình đồng thời phản ánh thiết chế, trật tự xã hội nhà Lý đương thời. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần xây dựng vương triều Lý ổn định, thịnh trị và lâu dài.
 
 
Anh Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)