Phật giáo Thăng Long – Hà Nội: Giai đoạn cực thịnh thời Lý - Trần
* Thời Lý (1010-1225)
Trong hơn 200 năm thời Lý (1010-1225), Thăng Long được biết đến không chỉ là thủ đô của nước Đại Việt mà còn là thủ đô của Phật giáo Việt Nam. Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn cho xây dựng nhiều chùa, phát hàng ngàn lạng vàng thuê thợ đúc chuông đặt trong các chùa. Dưới thời Lý, ở Thăng Long không chỉ xuất hiện những ngôi chùa cổ nhất, tiêu biểu nhất như chùa Khai Quốc (chùa Trấn Quốc hiện nay) của Sơn môn Kiến Sơ mà còn là nơi ghi công Hoằng pháp của nhiều thiền sư nổi tiếng như Ma Ha, Sùng Phạm, Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Huệ Sinh, Thiền Nham, Minh Không, Khánh Hỷ, Giới Không… Bản thân tượng Phật Pháp Vân cũng được rước về Thăng Long đặt trong chùa Báo Thiên cầu mưa thuận gió hoà.
Các vua nhà Lý không những tôn sùng Phật giáo mà con tu Phật, khiến tầng lớp quý tộc trong triều đều mộ Phật. Trên văn bia chùa Linh Xứng dựng năm 1126 có đoạn: Thái uý (Lý Thường Kiệt) tuy thân vướng việc đời mà lòng vẫn hướng về đạo Phật. Có lẽ vì nhà vua và mẫu hậu tôn sùng giáo lý nhà Phật chăng? Cho nên Thái uý vâng theo ý chỉ của đức vua và mẫu hậu nâng đỡ Phật pháp vậy (theo Thơ văn Lý - Trần”, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.362). Hàng loạt các chùa nổi tiếng khác cũng được dựng lên cùng với việc hiện diện của các dòng Thiền, nhất là Thảo Đường. Vua Lý Thánh Tông (1023-1072) có thể coi như người khai mở và vun đắp cho dòng Thiền này ở Thăng Long.
Chùa Một Cột là một chứng tích lịch sử khác của Phật giáo thời Lý, nơi đây tôn thờ Quán Thế Âm Bồ tát được xây dựng năm 1049. Năm 1069 ngôi chùa này cũng gắn liền với sự kiện Nguyên phi Ỷ Lan được tôn xưng là Quan Âm nữ. Kinh thành Thăng Long thời Lý cũng là nơi bắt đầu việc in ấn và phổ biến kinh điển Phật giáo. Nhiều thiền sư chuyên kinh nổi tiếng cũng xuất hiện ở thời Lý như Bảo Tính (khoảng 1034) Ngộ Ấn (1020-1088). Riêng thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có sắc thái nghiêng về Mật giáo, tạo nên những huyền thoại ly kỳ của Thăng Long…
Ở Thăng Long thời Lý, Phật giáo không chỉ có vị trí chính trị - xã hội to lớn mà còn là một thế lực kinh tế mạnh mẽ, đây là một đặc điểm Phật giáo thời Lý bởi ruộng của nhà chùa rất nhiều và nhiều tấm bia ở các chùa lớn đã ghi rõ. Như bia chùa Báo Ân ở Mê Linh, Hà Nội dựng năm 1209 chép: một người họ Nguyễn đã cúng cho chùa nhiều thửa ruộng, “cộng các xứ tới 126 mẫu”, phát tâm “bố thí cô hồn” (theo “Thơ văn Lý - Trần”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.545). Có thể thấy thực tế do nhiều người xuất gia làm sư, số chùa chiền lại rất lớn, nên việc nuôi sống các tăng đồ như thế cũng đòi hỏi nhà Lý tăng số ruộng chùa bằng cách cắt ruộng công ban cho.
Bên cạnh đó, một đặc điểm khác của Phật giáo thời Lý là sinh hoạt Phật giáo trước nhất là các lễ hội Phật giáo đã trở thành gương mặt của văn hoá nhà Lý. Ta thấy không chỉ qua kiến trúc chùa chiền cung điện mà cả sách vở, nghệ thuật diễn xướng… đều đậm chất Thiền Tông.
* Thời Trần (1226-1400)
Thời Trần (1226-1400), trung tâm của Phật giáo nước ta lại là vùng núi Yên Tử, nơi sẽ xuất hiện dòng Thiền nổi tiếng bậc nhất gọi là Trúc Lâm Yên Tử, nhưng ở Thăng Long, Phật giáo cũng vẫn có được những bước phát triển mới. Như sự kiện lớn nhất phải kể đến là vua Trần Nhân Tông sau khi đã thụ giáo Tuệ Trung Thượng sĩ (một trong ba vị Tam tổ hành trạng) lại nhường ngôi, trở thành Phật Hoàng Trần Nhân Tông năm 1229 ở Yên Tử và cũng trở thành vị vua sáng lập Tông phái Trúc Lâm. Do sự thịnh hành của Phật giáo, các thiền sư được sự tôn trọng của xã hội, không tham gia chính trị. Các chùa thường có ruộng công do làng xã cấp, ngoài ra còn có đất do những người mộ đạo cúng tiến. Do có hoa lợi từ ruộng đất, đời sống nhà chùa được đảm bảo. Tuy nhiên, các nhà tu hành vẫn sống khổ hạnh, nhiều người vẫn tham gia lao động sản xuất, theo thuyết hữu tác hữu thực (có làm có ăn) trong khi vẫn cúng lễ, giảng kinh.
Ở thời Trần, Phật giáo vẫn đóng vai trò ảnh hưởng lớn hơn cả. Nhiều chùa được xây cất. Các vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông đi tu; vua Trần Anh Tông sai sứ sang Trung Quốc thu thập bộ kinh Đại Tạng về lưu hành trong dân gian. Có thể thấy các gương mặt nổi tiếng của dòng Phật giáo bác học đang hình thành gắn liền với công trạng của vị Phật Hoàng, đào tạo những đồ đệ nổi danh như thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang, những người sẽ được tôn vinh đầu bảng trong hệ Trúc Lâm Tam Tổ.
Nhưng đến khoảng giữa thế kỷ XIV, khi tầng lớp quý tộc nhà Trần vốn hết lòng ủng hộ Phật giáo đã mất dần uy lực chính trị và kinh tế thì bắt đầu dẫn đến sự suy thoái của Phật giáo thời Trần. Lúc này, chế độ sở hữu ruộng đất lớn kiểu điền trang thái ấp đã bắt đầu tan rã. Nho học với chế độ khoa cử bắt đầu thắng thế, có thể thấy nhiều nhà Nho tên tuổi như Trương Hán Siêu, Lê Khoát bắt đầu lớn tiếng công kích Phật giáo. Tuy Phật giáo thịnh hành và được các vua quan tin theo nhưng vì công cuộc xây dựng nhà nước theo mô hình Hán Đường của Trung Quốc, việc tiếp xúc thường xuyên với văn minh Trung Hoa và việc chống ngoại xâm đã không cho phép Phật giáo phát triển thành quốc giáo. Các vua quan sau thời Trần Nhân Tông đã xa rời dần Phật giáo. Cho đến cuối thế kỷ XIV, năm 1396 Hồ Quý Ly đã ra lệnh sa thải tăng đồ, bắt những người dưới 40 tuổi phải hoàn tục… Phật giáo thời Trần đã phải nhận đòn quyết định, kết thúc thời kỳ hoàng kim của nó.
Đỗ Hưng
Nhà xuất bản Hà Nội