Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 26/06/2015 02:46
Chính sách công - thương nghiệp trong phát triển kinh tế của các triều đại phong kiến Đại Việt Lý - Trần – Lê sơ

Thăng Long trở thành Kinh đô của đất nước từ đầu thế kỷ XI, Thăng Long với những cơ sở ban đầu của một thành thị là nơi tập trung các thương gia, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và cả những người nông dân từ các vùng khác đến. Lực lượng lao động thủ công nghiệp bao gồm những dân cư tại các làng nghề có sẵn ở Kinh đô Thăng Long như các làng dệt: làng lĩnh Trích Sài và làng Tần (Tiên Thượng), làng giấy Nghè (Trung Nha), Yên Thái… Ngoài ra còn rất nhiều những người thợ thủ công tài khéo ở tứ xứ như dân Phất Lộc (Thái Bình), dân Nhược Công (Thanh Trì), dân Đông Các, Ngũ Xã… đến Thăng Long hành nghề theo sự điều động của triều đình rồi ở lại lập nghiệp vào thời Lý - Trần. Chính sách công – thương nghiệp của nhà nước phong kiến Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI có những chuyển biến khác nhau giữa các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những nét cơ bản trong chính sách thủ công nghiệp, thương nghiệp trong hơn sáu thế kỷ từ triều Lý đến thời Lê sơ trên đất Thăng Long.

 
Đối với thủ công nghiệp:Thời Lý - Trần - Lê sơ, thủ công nghiệp ở Thăng Long gồm có hai bộ phận là thủ công nghiệp quan doanh và thủ công nghiệp dân gian.
 
Thời Lý - Trần, triều đình đã trưng tập các thợ khéo về làm trong các quan xưởng, gọi là thợ bách tác, sản xuất phục vụ riêng nhu cầu Nhà nước như đúc tiền, chế tạo vũ khí, làm các sản phẩm phục vụ triều nghi, họ không được tự tiện bán hàng hoá trong dân gian. Triều đình còn đứng ra phát tiền nguyên vật liệu, thuê thợ trong các việc tô tượng, đúc chuông, xây dựng nhiều chùa chiền. Thợ làm việc trong các quan xưởng đều có thân phận thấp kém, được gọi chung là quan nô. Thợ thủ công dân gian sản xuất và buôn bán trong các phường phố ở kinh thành và các làng xã ven đô, họ thường là những người nông dân kiêm thợ thủ công, thợ thủ công kiêm thương nhân. Thời Lê sơ, chính sách nhất quán của nhà nước là tăng cường vai trò và chức năng kinh tế của nhà nước, điều này cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực thủ công nghiệp.
 
Nhà nước phong kiến tổ chức các cục bách công hay còn gọi là cục bách tác, chuyên sản xuất những sản phẩm cung cấp cho nhu cầu của Nhà nước như tiền, vũ khí, các đồ nghi trượng, những đồ dùng của vua quan như áo, mũ, đồ trang sức. Những người thợ thủ công sản xuất trong các xưởng Nhà nước ấy gọi là công tượng. Đó là những thợ giỏi trong nhân dân bị nhà nước trưng tập, bắt về Kinh đô sung vào các cục sản xuất của Nhà nước làm việc theo chế độ lao dịch cưỡng bức. Hàng năm triều đình thường phái người về các nơi hay giao cho quan phủ, huyện các địa phương chọn những người thợ lành nghề đem nộp. Chế độ công tượng là một chế độ lao dịch cưỡng bức. Công tượng cũng tổ chức thành đội ngũ như quân lính. Trong thời gian phục dịch, thợ thủ công phải sản xuất dưới sự đốc suất của những người giám đương và chủ ty.
 
Có thể thấy, các xưởng thủ công của Nhà nước với chế độ công tượng ấy không có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Các cục bách công chỉ sản xuất những vật phẩm cung cấp riêng cho nhu cầu của Nhà nước và vua quan. Những sản phẩm thủ công ấy không có tác dụng mở rộng sự lưu chuyển hàng hoá trên thị trường. Hơn nữa, chế độ công tượng với tính chất lao dịch cưỡng bách đã hạn chế sự phát huy tài năng của người thợ.
 
Đối với thương nghiệp: Thời Lý – Trần, Nhà nước chưa có chính sách “ức thương”, “bế quan toả cảng” ngặt nghèo. Ở giai đoạn này mạng lưới chợ có ở cả làng xã và phố phường. Ở kinh thành Thăng Long, có các chợ nổi tiếng như chợ Hoàng Hoa (phố Ngọc Hà ngày nay), chợ Bạch Mã (chỗ phố Hàng Buồm) bên bờ sông Tô Lịch. Nhà Trần đã kiến tạo một hệ thống giao thông thuỷ bộ trong nước. Hệ thống giao thông sông, biển và trên bộ có tác dụng cho phát triển công thương nghiệp. Sông ngòi vốn là mạch máu giao thông quan trọng.
 
Thời Lê sơ, đây là triều đại có tư tưởng “trọng nông, ức thương” đầu tiên vào loại sâu sắc nhất. Lê Thánh Tông được coi như là một trong những vị vua “ức thương” nhất của Việt Nam. Ông đã khuyên răn dân chúng, phân biệt rõ nghề gốc - nghề ngọn, không được “bỏ gốc theo ngọn”, “làm trò du thực”.
 
Thực tế là chính sách “ức thương” chủ yếu nhằm vào ngoại thương, còn đối với nội thương thì triều đình phong kiến Lê sơ cũng có những động thái tích cực. Trong giai đoạn đầu, triều Lê sơ không ngăn cấm nghề buôn và các hoạt động buôn bán trong nước và pháp luật cũng có những điều khoản quy định cụ thể xung quanh việc tổ chức chợ. Vai trò của chính quyền Lê sơ đối với nội thương còn thể hiện ở những chính sách quy định về giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm và lưu thông tiền tệ. Một số hàng hoá và đơn vị đo lường cũng được quy định thống nhất. Nhà nước cũng có những điều khoản quy định chống hàng giả, hàng không đúng tiêu chuẩn.
 
Về mặt ngoại thương, nhà nước phong kiến Lê sơ hạn chế và kiểm soát rất khắt khe, đặc biệt dưới triều Lê Thánh Tông. Trên các cửa ải ở miền biên giới và các cửa biển dọc theo miền duyên hải, nhà nước Lê sơ lập các cơ quan kiểm soát ngoại thương. Những người buôn bán ngoại quốc đến buôn bán phải ở các nơi quy định như Vân Đồn, Vạn Ninh, Càn Hải (Cửa Cờn, Nghệ An), Hội Thống (Của Hội, Nghệ An), Hội Triều (Cửa Triều, Thanh Hoá), Thông Lãnh (Lạng Sơn), Phú Lương, Tam Kỳ (Tuyên Quang), Trúc Hoa (Sơn Tây), không được tự ý vào nội trấn (Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1976), trong Nguyễn Trãi Toàn tập, Hà Nội, tr.244).
 
Về tiền tệ, với việc thống nhất đơn vị đo lường toàn quốc, sự phát triển của kinh tế thương phẩm tất yếu đòi hỏi sự thống nhất tiền tệ và những biện pháp đảm bảo sự lưu thông tiền tệ trong cả nước. Thời kỳ này đã có những tư tưởng rất tiến bộ trên phương diện kinh tế hàng hoá: “Tiền là mạch máu của sinh dân, không thể không có”.
 
Các triều đại Lý, Trần đều thực hiện việc đúc tiền. Đồng tiền lúc này đã thể hiện rõ vai trò là vật ngang giá trong hoạt động thương nghiệp. Việc nhà nước thời Lý có nhiều khoản thuế thu bằng tiền cũng chứng tỏ trình độ phát triển của xã hội. Người nông dân đã biết bán những sản phẩm nông nghiệp của mình để nộp thuế cho Nhà nước. Nhà nước đã thuê thợ và trả công bằng tiền. Thời Trần nhà nước còn cho phép một số thành phần trong xã hội được phép chuộc tội bằng tiền. Đến thời Hồ đã ban hành tiền giấy. Tiền giấy ra đời là một tiến bộ của lịch sử nhưng tiền giấy ra đời và chỉ được chấp nhận trong điều kiện kinh tế hàng hoá đã phát triển ở mức độ cao. Hồ Quý Ly vào cuối thời Trần ban hành tiền giấy nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của triều đình và có nhu cầu muốn thu thập đồng để chế tạo vũ khí chuẩn bị cho công cuộc chống xâm lược… mà không tính đến trình độ phát triển kinh tế hàng hoá của xã hội đương thời nên đã bị thất bại.
 
Thời Lê sơ, nhà nước tiến hành đúc tiền vào các năm 1427, 1428 và 1454. Đồng thời với việc đúc tiền, bắt đầu từ năm 1434, nhà nước Lê sơ liên tiếp có ban hành những quy định cấm đúc trộm tiền đồng, cấm dùng tiền giả, cấm kén chọn tiền, bảo vệ chất lượng đồng tiền, đảm bảo sự lưu thông của tiền trong nhân dân…
 
Với những chính sách công - thương nghiệp ở mỗi triều đại có sự chuyển biến vừa tích cực vừa hạn chế nhưng từ thế kỷ XI – XV sự phát triển của nền sản xuất phường hội thủ công ở kinh thành đã thúc đẩy những hoạt động trao đổi hàng hoá giữa Thăng Long và thị trường cả nước. Những hoạt động này chủ yếu được thực hiện qua các hệ thống chợ của kinh thành và các vùng nông thôn. Các phố phường, chợ búa, bến sông ở nội đô và những thôn phường chuyên nghiệp phụ cận là những nơi tập trung của các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế.
 
 
Xuân Khánh

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)