Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 30/06/2015 09:20
Điểm một số hoạt động đối ngoại của Hà Nội thời kỳ bị Pháp tạm chiếm (1947 - 1954)

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, Thăng Long – Hà Nội với vị thế của một Kinh đô, Thủ đô là nơi tập trung các cơ quan đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trị, văn hóa lớn của đất nước trong đó có hoạt động đối ngoại. Trong những năm Hà Nội bị thực dân Pháp tạm chiếm, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, Hà Nội đã thể hiện vị thế tỏa sáng của mình với những chính sách đối ngoại hết sức mềm mỏng và linh hoạt góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc.

 
Ở vào mỗi thời điểm lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô có sự vận dụng các chính sách đối nội và đối ngoại một cách tối ưu nhất. Để ứng phó với việc Bộ chỉ huy Pháp tung tin Trung đoàn Thủ Đô đã kiệt quệ, sắp chết đói... nhằm giảm uy thế và gây tinh thần hoang mang quân ta, Trung đoàn Thủ Đô đã chủ động tổ chức bữa tiệc chiêu đãi long trọng với khách mời là lãnh sự các nước Anh, Mỹ, Trung Hoa và các đại biểu ngoại kiều. Trước sự chuẩn bị chu đáo của ta trong bữa tiệc, cùng với việc để báo chí đưa tin về sự hài lòng, thán phục của các lãnh sự phát biểu trong bữa tiệc đã khiến cho âm mưu phá hoại của Pháp hoàn toàn bị thất bại, Bộ chỉ huy Pháp bị giáng trả một đòn đau. Đây có thể được xem là hoạt động đối ngoại mở màn cho những thành công trong các đối sách ngoại giao của quân, dân và chính quyền Thủ đô trong những năm tháng bị Pháp chiếm đóng. Sau khi hoàn thành xứ mệnh giam chân địch trong thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho trung ương chuyển sang chiến đấu lâu dài, Trung đoàn Thủ Đô tính đến việc phải lui đoàn quân ra khỏi vùng tạm chiếm. Tận dụng cơ hội lãnh sự Trung Hoa đề nghị bai bên Việt - Pháp ngừng bắn cho ngoại kiều tản cư ra khỏi vùng chiến sự, Trung đoàn Thủ Đô đã thực hiện cuộc lui quân thần kỳ vào đúng đêm 17/2/1947. Trung đoàn với hàng nghìn quân đã rút lui trước họng súng của thực dân Pháp một cách an toàn ra vùng tự do để tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài.
 
Sau những thắng lợi lớn của quân và dân ta trong các chiến dịch Thu đông, biên giới năm 1950... nắm bắt được tâm lý đội ngũ lính Âu - Phi tinh thần phản chiến đòi hòa bình, đòi hồi hương ngày một phát triển mạnh, Thành ủy Hà Nội đã chủ trương tuyên truyền khuyến khích lính Âu - Phi theo ta hoặc đảo ngũ, đòi hồi hương. Đồng thời đoàn kết tất cả những cá nhân, tổ chức yêu hòa bình, dân chủ trong hàng ngũ quân Pháp muốn chạy sang ta chiến đấu chống thực dân phản động Pháp, đưa ra chính sách khoan hồng đối với ngụy binh.
 
Với chính sách khôn khéo này, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã làm giảm tinh thần chiến đấu của lính Âu - Phi. Một chính sách đối ngoại khác được chính quyền thành phố Hà Nội áp dụng đó là cung cấp tài liệu cho Đảng Cộng sản Pháp, vận động nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam, việc làm này góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến tại Pháp phát triển một cách mạnh mẽ. Cùng với đó hoạt động tuyền truyền ngoại kiều, nhất là Hoa kiều cũng được chính quyền thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhằm giúp họ thoát ly khỏi ảnh hưởng chính trị của Mỹ, Trung Hoa Quốc dân đảng, Pháp, ủng hộ chính trị Trung Quốc mới và kháng chiến của Việt Nam, đoàn kết đấu tranh chống can thiệp Mỹ, xâm lược Pháp, phản động Quốc dân đảng và bù nhìn Việt gian.
 
Cùng với các hoạt động đối ngoại ngay trên đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội cũng hết sức chú trọng đến vấn đề tuyên truyền quốc tế và đấu tranh cho hòa bình thế giới. Nhằm nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của quốc tế cho cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước chính nghĩa của ta, Ban Tuyên truyền của Hà Nội đã giới thiệu về lịch sử, văn hóa... của thủ đô Hà Nội, về đất nước, con người Việt Nam thông qua sách báo, tranh ảnh, phim... hoặc cử các phái đoàn tuyên truyền ra nước ngoài. Đồng thời với các hình thức hoạt động đối ngoại, Ban Tư tưởng cũng mời các phái đoàn ngoại quốc đến thăm Hà Nội nhằm giúp họ hiểu rõ hơn cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta. Thông qua những hoạt động đối ngoại thăm hỏi, Ban Thường vụ Đảng bộ Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức Đảng Cộng sản như Pháp, Liên Xô, Trung Quốc... để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, củng cố chính quyền ngày một vững mạnh. Cùng với đó ta cũng đề cao vai trò của Liên Xô, Trung Quốc và mối quan hệ Việt - Trung, Việt - Xô.
 
Với những chính sách hoạt động đối ngoại linh hoạt và phù hợp đã góp phần đáng kể trong những chiến thắng trên mặt chiến trường. Trong chiến cuộc Đông xuân 1953 - 1954, chiến thắng của quân ta trên chiến trận buộc quân đội viễn chinh Pháp phải co cụm, ngụy quyền, ngụy quân hoang mang tê liệt. Phát huy thắng lợi đó, Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo nhân dân mở rộng phong trào đấu tranh, kêu gọi binh lính Pháp và ngụy quân theo cách mạng bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Ngay trong tiến trình đến với Hội nghị Giơnevơ, Thành ủy Hà Nội đã phát động phong trào đấu tranh đòi hòa bình, đòi chính phủ Pháp phải thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh, ủng hộ việc họp Hội nghị Giơnevơ. Hay như trước hành động phá hoại của Mỹ và Pháp với chiêu trò không chịu trao trả hết tù chính trị, di chuyển một số máy móc dụng cụ trong các cơ sở kinh tế hay như dụ dỗ, cưỡng bức đồng bào di cư vào Nam... Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo giới công nhân cùng đồng bào Thủ đô đấu tranh chống phá hoại, di cư vào Nam. Phong trào đấu tranh bảo vệ máy móc của công nhân Thủ đô diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt, đây cũng được xem là hoạt động đối ngoại ngay trên đất Hà Nội.
Thủ đô sau giải phóng, chấm dứt thời kỳ bị Pháp tạm chiếm, hoạt động của các lãnh sự ngoại quốc ở Hà Nội diễn ra liên tục. Mỹ thiết lập lãnh sự quán, Ủy ban viện trợ, Phòng Thông tin; Lãnh sự Anh cũng thiết lập Phòng Thông tin... Ngoài ra còn lãnh sự của Trung Hoa dân quốc, Ấn Độ, các cơ quan báo chí cùng các phóng viên nước ngoài tại Hà Nội. Trước tình thế mới đầy phức tạp, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã có những biện pháp tích cực nhằm trấn áp các hoạt động quấy rối và cố gắng cải thiện quan hệ hữu nghị bang giao.
 
Trong suốt thời gian Hà Nội bị thực dân Pháp tạm chiếm (1947 - 1954), hoạt động đối ngoại của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội tuy có nhiều khó khăn, nhưng đã góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Trong rừng cờ hoa của ngày về tiếp quản Thủ đô của đoàn quân chiến thắng ngoài những đóng góp về con người, vật lực tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn quân, dân, chính quyền thành phố Hà Nội thì những hoạt động đối ngoại mềm mỏng, linh hoạt cũng là nhân tố có tính quyết định làm nên chiến thắng chung của toàn dân tộc.
 
 
Khánh Ngọc
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)