“Mưu sinh” - Gợi nỗi nhớ về nước Nga
Bằng ngòi bút chân thật, với những trải nghiệm đi dọc năm tháng, một nước Nga của những năm chín mươi không còn long lanh trong tâm tưởng của những người từng sống và yêu, từng đến và đi với một nước Nga của những năm tháng Xô viết được hiện lên rõ nét dưới ngòi bút của tác giả. Không còn cái cảm giác thanh bình, nên thơ của Liên Xô một thời mà thay vào đó là sự khó khăn, bất an mà những người lao động Việt ở nước Nga luôn nơm nớp mang theo trong hành trang suốt những năm chín mươi.
Một chút tò mò về tác giả, về những truyện ngắn - ký của Anh, tôi tìm đọc “Mưu sinh” những mong nhìn thấy bức tranh dù chỉ là góc cạnh, phản ánh cuộc sống muôn màu của cộng đồng người Việt tại Nga những năm cuối thế kỷ XX. Và tôi đã tìm lại được: Mùa đông nước Nga với bão tuyết, cái lạnh cóng tưởng như cái chân cái tay không phải của mình, giữa ngập tràn trong tuyết trắng phủ dày đến hàng chục centimet, những thần hình nhỏ nhoi của người Việt mình len lỏi khắp các bến tàu, bến xe từ tờ mờ sáng để bắt đầu một ngày mới như bao ngày với hy vọng cho một tương lai tươi sáng; Mùa thu nước Nga đặc trưng với những thảm lá đẹp mê hồn, những cánh rừng nhuộm sắc thu giữa trời xanh ngắt và đẹp dịu dàng như tâm hồn những người dân Nga đôn hậu đã bất hủ đi vào thơ ca; Tôi tìm thấy những người bạn Việt của tôi đã từng sống, học tập và làm việc tại Nga trong những năm tháng đó… rất chân thật - gần gũi, rất gian truân với muôn vàn rủi ro. Để rồi mỗi khi nhắc tới họ lại nghẹn ngào nước mắt, một thời … đã qua, để rồi không thể quên được sự đùm bọc và tấm lòng của tình đoàn kết, sẻ chia luôn là truyền thống của người Việt mình trước khó khăn, hoạn nạn.
Tôi thích phần truyện ngắn của tác giả hơn phần ký. Bởi phần ký đôi khi tác giả ôm quá nhiều dữ liệu nên mất sự đắt giá chắt lọc, khiến người đọc đã biết về một nước Nga nhiều khi lại đọc lướt qua, còn những ai chưa hiểu về nước Nga khó có ngay được sự đồng cảm. Ở phần này là những cảm nhận của tác giả không chỉ dưới góc độ của một người Việt sống lâu năm, hiểu về nền văn hóa Nga mà tác giả còn đưa cảm nhận của chính mình về những vùng đất châu Âu nơi tác giả đã đi qua. Và cái nhìn về những vùng đất đó cũng chỉ là cảm nhận của chính tác giả.
“Mưu sinh” hấp dẫn tôi ngay từ tựa đề của cuốn sách, hấp dẫn bởi những số phận cá nhân điển hình mà đại diện cho cả một cộng đồng người Việt ở Nga, hấp dẫn cả khi gấp sách lại tôi vẫn bồi hồi một tình yêu hướng về nước Nga…
Trần Duy
Nhà xuất bản Hà Nội