Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 30/06/2015 04:27
Thiên Chúa giáo và hành trình bén rễ trong đời sống tâm linh Thăng Long - Hà Nội

Thiên Chúa giáo đặt chân đến Việt Nam khi mà Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo đã cắm rễ sâu bền vào mọi cơ tầng xã hội từ chính trị đến lối sống, văn chương, luật lệ của xứ sở này. Lịch sử Giáo phận Hà Nội là cả một câu chuyện dài đã đi qua biết bao nhiêu thăng trầm, biến thiên dâu bể.

 
Thăng Long - Kẻ Chợ là một trong những địa bàn được truyền giáo sớm và đạt kết quả đáng kể nhất ở Đàng Ngoài khoảng đầu thế kỷ XVII. Mở đầu cho công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên vào Hà Nội là chuyến đi Thăng Long của giáo sĩ Maldinoti vào đầu năm 1626. Nhưng có thể nói việc truyền giáo ở Hà Nội thực sự gắn với tên tuổi một linh mục nổi tiếng của Dòng Tên, một trong những người sáng lập chữ quốc ngữ đó là Alexandre de Rhodes năm 1627. Chúa Trịnh Tráng cho dựng một căn nhà gỗ rộng để A. de Rhodes vừa ở vừa sửa sang thành nhà thờ. Các buổi giảng của giáo sĩ này rất hấp dẫn, một số nhà sư, thầy pháp cũng xin theo đạo và chỉ đến cuối năm 1627 A. de Rhodes đã rửa tội cho 1.200 người tân tòng ở Thăng Long. Không chỉ truyền giáo, ông còn tạo cơ sở vững chắc trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ, biên soạn sách giáo lý và đào tạo đội ngũ thầy giảng…
 
Sau khi trung tâm truyền giáo của Bồ Đào Nha ở Macao trở nên sa sút, A. de Rhodes về Tòa thánh La Mã xin giúp đỡ. Được Chính phủ và giáo hội nước Pháp ủng hộ, công cuộc truyền giáo ở Viễn Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đã có một bước chuyển quan trọng. Các giáo sĩ Hội Thừa sai Pháp đến nước ta ngày một đông đảo và một trong những Thừa sai đến truyền giáo ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Hà Nội trong khoảng thời gian từ 1666 đến 1692 là Lm F. Deydier. Ông này đã chọn 3 người ưu tú trong hàng trăm tín đồ tích cực do cho A. de Rhodes đào tạo để làm người trụ cột phụ giúp.
 
Việc thành lập Hội Thừa sai Paris có ý nghĩa quyết định đến việc định hình và phát triển của Địa phận Tây Đàng Ngoài - Hà Nội. Lịch sử truyền giáo giai đoạn các giáo sĩ Thừa sai ở Hà Nội gắn với tên tuổi những nhân vật như Deydier, giám mục Bourges… Trong đó, giám mục Puginier là người đụng đến hầu hết các sự kiện lớn trong giáo phận cũng như ở Hà Nội. Hàng loạt bài viết của ông ngoài những giá trị về học thuật còn góp phần không nhỏ trong việc định hình chính sách, sách lược đánh chiếm Hà Nội và Bắc Kỳ trong những năm 1872 đến 1883 của thực dân Pháp.
 
Từ năm 1924, Giáo phận Hà Nội chính thức ra đời và bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ cùng với việc chế độ thuộc địa đã và đang củng cố vững chắc. Thành phố Hà Nội có 3 giáo xứ, 16.201 giáo dân, gồm có các dòng tu: Hội Xuân Bích, Dòng Chúa Cứu Thế, Sư huynh La Salle, Nữ tu Saint Paul de Chartres, Dòng Đức Bà, Dòng Kín Thánh Tâm. Trong đó các dòng tu ảnh hưởng sâu rộng đến việc đào tạo linh mục, đội ngũ trí thức của Công giáo, phát triển các loại hình “văn hóa Công giáo” ở Hà Nội như báo chí, văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật… Năm 1924 Trung Hòa nhật báo ra đời, năm 1927 Trường Thử nằm trong khu Nhà Chung được xây xong với 120 học sinh vào trình độ tiểu học, năm 1934 cho 6 chủng đinh đi du học Pháp, năm 1935 khai mạc Công đồng Bắc Đông Dương tại Hà Nội…
 
Nói về Công giáo Hà Nội không thể không nhắc đến một số cơ sở tôn giáo đặc biệt mà trang sử của nó không những gắn bó với cộng đồng giáo dân mà với cả lịch sử thành phố như Nhà thờ Hàm Long, Nhà thờ Cửa Bắc và đặc biệt phải kể đến Nhà thờ Lớn. Nhà thờ Lớn được xây dựng gắn liền với hoạt động của giám mục Puginier. Đây là một trong những công trình đồ sộ đầu tiên mọc lên ở thành phố Hà Nội, báo hiệu và mở đầu cho những công trình kiến trúc quan trọng khác của thành phố này. Với kích thước bề thế, dài 35m, rộng 33m, cao 17m cùng nhiều hạng mục kỹ thuật tiên tiến lúc đó nên việc xây cất Nhà thờ Lớn kéo dài 4 năm, từ 1882 đến 1886). Cũng năm 1886, Nhà thờ nhận được một đồng hồ lớn, một lô 4 quả chuông nhỏ và 1 chuông lớn. Lễ làm phép chuông rất trọng thể và từ đó tiếng chuông Nhà thờ Lớn đã đi vào lịch sử, vào nhịp sinh hoạt tâm tình của người dân Hà thành, đi vào thơ văn của biết bao văn sĩ, thi sĩ.
 
Do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, trên thực tế từ sau 1954 Hà Nội đã mất vị trí trung tâm của Công giáo Việt Nam. Nhiều dòng tu, nhiều trí thức Công giáo nổi tiếng của giáo phận Hà Nội cùng các giáo phận khác ở phía Bắc cũng đã di cư vào Nam. Bộ phận còn lại tiếp tục tồn tại và phát triển trong môi trường miền Bắc xã hội chủ nghĩa, về mặt chính trị xã hội, Công giáo Hà Nội ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Công giáo Hà Nội mang một số đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất giáo phận Hà Nội là một trong những giáo phận lâu đời nhất của Giáo hội Việt Nam với lịch sử truyền giáo gần 400 năm; thứ hai, về không gian tôn giáo và xã hội, giáo phận Hà Nội rất lớn, bao chứa 134 giáo xứ và hàng trăm nhà thờ lớn nhỏ với ngót 60 linh mục, 400 tu sĩ, 2000 giáo lý viên với tổng số trên 30000 giáo dân; thứ ba, đi qua những biến động của lịch sử, Tổng Giáo phận Hà Nội bao giờ cũng đóng vai trò như đầu não của Giáo hội Công giáo cả nước; thứ tư, Hà Nội cũng là nơi mà Giáo hội Công giáo Việt Nam có những diễn biến động thái trái chiều phản ánh các xu thế vận động của đạo Thiên Chúa ở nước ta.
 
So với Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo thì Thiên Chúa giáo là tôn giáo đến muộn, tuy nhiên trải qua thời gian, tôn giáo này đã tạo được chỗ đứng nhất định trong văn hoá Việt Nam, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tâm linh của những người dân nơi đây.
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)