Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 06/07/2015 09:36
Hà Nội - Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan

Hà Nội với bề dày lịch sử có nhiều đặc trưng kiến trúc khác nhau, trong công tác quản lý việc gìn giữ bảo tồn các giá trị truyền thống lịch sử và các yêu cầu phát triển luôn tạo ra các xung đột buộc các nhà quản lý đô thị phải rất năng động, tìm ra các giải pháp hợp lý, thích hợp nhằm giải quyết các mâu thuẫn để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm với ý nghĩa của mình.

 
Văn hiến anh hùng, muôn trượng vươn cao trời Đại Việt
Hòa bình hữu nghị, ngàn thu rực sáng đất Thăng Long
 
Từ trước đến nay cũng đã có nhiều sách viết về Đất và Người Hà Nội - về mảnh đất ngàn năm văn hiến. Song, thực tế cho thấy, trong khi số lượng các công trình viết về nền văn hiến, về con người Hà Nội, về văn hóa - lịch sử Hà Nội rất nhiều, thì số các công trình viết về thiên nhiên Hà Nội, về đất Hà Nội, về sự biến đổi trải qua thăng trầm như thế nào của vùng đất này lại rất khiêm tốn, hoặc giả đến các tài liệu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội chủ yếu mới đề cập đến các nguồn lực nhân văn, chưa quan tâm đúng mức về các nguồn lực tự nhiên. Việc tìm hiểu các điều kiện địa chất và địa mạo của Hà Nội là một trong những vấn đề quan trọng phục vụ cho việc định hướng quy hoạch phát triển bền vững lãnh thổ của Thủ đô Hà Nội trong tương lai, công việc này trước đây không được coi trọng và thường bị bỏ qua trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô. Vì vậy cuốn “Hà Nội- Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan” của nhóm biên soạn do PGS.TS Vũ Văn Phái chủ trì gồm 280 trang là một trong số ít các công trình nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên, về đất ở Hà Nội.
 
Như đã biết Hà Nội là Thủ đô ngàn năm tuổi của đất nước, có vị thế “Rồng cuộn, hổ ngồi”, nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, các mạch núi Tây Bắc và Đông Bắc đã hội tụ về đây (Hoàng Liên Sơn, Con Voi, Tam Đảo, các cánh cung Đông Bắc), và do đó các dòng sông cũng tụ Thủy về Hà Nội để rồi phân tỏa về phía Biển Đông (sông Đà, Thao, Lô, Chảy, Cầu). Và từ ngày 01/8/2008, Hà Nội đã được mở rộng gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích tự nhiên là 3.344,47 km2 và dân số khoảng 6.233.000 người và sẽ còn gia tăng trong những năm tiếp theo. Với diện tích tự nhiên và dân số nêu trên cho thấy, các nguồn tự nhiên và nguồn lực nhân văn của Hà Nội rất đa dạng và phong phú.
 
Theo quy hoạch phát triển, Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển trở Thành trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Với định hướng đó, bộ mặt đô thị của Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Sự thay đổi đáng kể nhất phải kể đến hệ thống các khu đô thị đều được xây dựng theo hướng hiện đại và có xu hướng dịch chuyển dần ra khu vực ngoại Thành, tập trung trên địa bàn các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì nhằm giảm mật độ cho khu vực trung tâm Thành phố đang dần trở nên chật hẹp.
 
Ở phía Đông của thành phố (huyện Gia Lâm) cũng có một số khu đô thị đang được xây dựng, chủ yếu được kết hợp với các khu công nghiệp tập trung. Đây cũng là xu hướng phát triển trong những năm tới, mở rộng Thành phố về phía hữu ngạn sông Hồng. Riêng khu phía Bắc sông Hồng được dự kiến xây dựng thành khu Hà Nội mới với diện tích đất cho xây dựng đô thị năm 2020 tăng gấp 4 lần năm 2005, với mục tiêu nhằm phát triển Hà Nội thành Thành phố hai bên bờ sông, đưa sông Hồng vào giữa Thành phố.
 
Hà Nội có tổng diện tích đất tự nhiên 92.097 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 47,4%, diện tích đất lâm nghiệp chiếm 8,6%, đất ở chiếm 19,26%. Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi dần sang đất xây dựng. Diện tích đất nông nghiệp tập trung nhiều nhất ở huyện Sóc Sơn, tiếp theo là huyện Đông Anh, Gia Lâm. Xét về mặt địa chất, địa mạo, khu vực Sóc Sơn, Đông Anh hoàn toàn không thuận lợi cho nông nghiệp. Hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp ở Sóc Sơn chiếm tới 99% tổng diện tích đất lâm nghiệp của Thành phố. Lớp phủ thổ nhưỡng chủ yếu là đất feralit hình thành trên đá cát bột kết cùng với lượng mưa lớn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp với mục tiêu chủ yếu là bảo vệ môi trường. Thay vào đó diện tích đất phù sa dọc theo các sông lớn chảy qua Thành phố sẽ là những khu vực phù hợp cho phát triển công nghiệp.
 
Mặt khác hệ thống sông, hồ Hà Nội thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, phân bố không đều giữa các vùng, có mật độ thay đổi trong phạm vi khá lớn 0,1 - 1,5 km/km2 và 0,67 - 1,6 km/km2. Vì vậy đây là một trong những nét đặc trưng của địa hình Hà Nội rất thuận lợi cho việc phát triển ngành thủy sản và du lịch. Có thể nói, hiếm có một thành phố nào trên thế giới lại có nhiều hồ, đầm như ở Hà Nội. Hồ, đầm của Hà Nội đã tạo nên nhiều cảnh quan sinh thái đẹp cho thành phố, điều hòa tiểu khí hậu khu vực, rất có giá trị đối với du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng.
 
Hà Nội hiện có 48 công viên, vườn hoa, vườn dạo ở các quận nội Thành với tổng diện tích là 138ha và 377ha thảm cỏ và còn có hàng vạn cây bóng mát thuộc 67 loại thực vật trồng trên các đường phố, trong đó có 25 loài được trồng tương đối phổ biến như bằng lăng, sữa, phượng vĩ, săng đào, lim xẹt, xà cừ…..
 
Các làng hoa và cây cảnh ở Hà Nội như Nghi Tàm, Ngọc Hà, Quảng Bá, Láng, Nhật Tân,... đã có truyền thống từ lâu đời và khá nổi tiếng, nhiều làng hoa và cây cảnh được hình thành thêm ở các vùng ven đô như Vĩnh Tuy, Tây Tựu, Gia Lâm, Đông Anh….cùng với các loài được chuyển từ các tỉnh phía Nam hoặc hội nhập từ nước ngoài làm cho tài nguyên sinh vật của Hà Nội ngày càng đa dạng và phong phú.
 
Mới chỉ vậy thôi ta đã thấy được sự đa dạng và phong phú của nền địa chất, địa mạo và tài nguyên thiên nhiên của Hà Nội. Qua những thông tin khoa học mà cuốn sách mang lại sẽ góp phần làm rõ hơn về các nguồn lực tự nhiên, phục vụ cho đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về mảnh đất  văn hiến ngàn năm, đồng thời góp phần cung cấp tài liệu để các nhà quy hoạch, hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia, các kiến trúc sư tham khảo cho việc định hình quy hoạch để xây dựng một Thủ đô - Hà Nội đến năm 2030 xứng đáng là: Đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại; một mô hình đô thị đa cực, kết nối bằng hệ thống giao thông vành đai với hướng tâm, các không gian xanh, vành đai xanh, nêm xanh; một trung tâm chính trị hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; một đầu tàu kinh tế, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế và một đô thị đáng sống trong khu vực. Vẫn còn đó vô số điều thú vị đang chờ đón bạn khám phá, mỗi trang sách là một cánh cửa đưa bạn đến bờ bên kia của tri thức. Cuốn sách “Hà Nội - Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan” của nhóm biên soạn do PGS.TS Vũ Văn Pháisẽ giúp độc giả tìm hiểu về một vùng đất đang từng ngày, từng giờ khoác trên mình bộ áo mới.
 
 
Đặng Tình

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)