Sự phát triển của các phương tiện giao thông đường bộ nội đô Hà Nội những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Những phương tiện giao thông này ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác thuộc địa cũng như phục vụ tốt đời sống đông đảo người Pháp ở Hà Nội thời bấy giờ. Mười năm sau Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, năm 1883, chiếc xe tay kéo đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, do một người Pháp mang từ Nhật về. Chiếc xe tay kéo này đã đánh dấu chuyển biến mạnh mẽ về phương tiện giao thông ở Hà Nội kể từ khi Pháp đặt chân xâm chiếm Hà Nội. Ngay sau khi xuất hiện, chiếc xe tay kéo đã phát triển mạnh mẽ trên các đường phố của Hà Nội, ở thời điểm đó là phương tiện di chuyển chủ yếu của giới thượng lưu. Xe tay kéo thủa đầu có hai bánh bằng gỗ, thùng ngồi, người phu xe cầm hai càng vừa đi vừa chạy sau được cải tiến như bánh xe được bọc vỏ cao su, đặt lò xo giữa bánh xe và ghế ngồi, dáng dấp được trang trí cho thêm phần sang trọng.
Một phương tiện khác cũng dùng sức người nhưng thay việc phải kéo xe bằng tay thì phương tiện này người điều khiển ngồi để đạp, đó là chiếc xích lô. Năm 1938, những chiếc xích lô đầu tiên đã xuất hiện ở Hà Nội, nó phát triển nhanh chóng thay thế các phương tiện giao thông cổ điển như kiệu, võng, xe kéo. So với chiếc xe tay kéo thì xích lô tính năng hơn hẳn, người sử dụng đỡ tốn sức hơn và nó không chỉ chở người mà còn chở được nhiều hàng hóa. Ngoài những chiếc xích lô hoạt động như một phương tiện giao thông công cộng, nhiều nhà quyền quý ở Hà Nội còn có xe riêng (xe nhà). Đến nay, bên cạnh các phương tiện giao thông đa dạng và hiện đại thì chiếc xích lô vẫn tồn tại và không thay đổi kiểu dáng, cách thức vận hành với việc con người đạp xe. Hơn thế, đội xe xích lô hiện nay còn tạo nên một nét đẹp riêng của Hà Nội, nó là phương tiện nhiều du khách nước ngoài chọn lựa để bát cảnh phố phường, là phương tiện để nhiều gia đình chọn lựa chở người và đồ lễ ăn hỏi...
Cũng trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, xe đạp xuất hiện tại Hà Nội. Đây là một phương tiện cơ khí từ “mẫu quốc” chuyển sang và được xếp vào loại phương tiện giao thông khá xa xỉ thời bấy giờ. Tiền mua xe bằng cả gia sản của những nhà trung lưu, thế nên nó được xem như một cách thể hiện đẳng cấp của giới công tử nhà giàu ở Hà Nội. Kể cả sau này chiếc xe đạp trở nên phổ dụng hơn thì nó vẫn là tài sản có giá trị lớn. Những chiếc xe đạp thời đó phải có giấy đăng ký, có biển số xe giống như xe ô tô, xe máy ngày nay.
Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tầng lớp bình dân của Hà Nội vẫn dùng các phương tiện thô sơ là chủ yếu. Bên cạnh đó, những phương tiện mới như xe máy, xe ô tô cũng xuất hiện trong thành phố. Các lại xe ô tô, cơ giới xuất hiện ở Việt Nam và Hà Nội là bước tiến mới về giao thông vận tải đường bộ. Nhưng các loại xe nhập vào thời gian này chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của tầng lớp cầm quyền và những người giàu có. Những xe vận tải hàng hóa, chở khách phục vụ nhu cầu đại chúng còn rất ít, chủ yếu là những xe có trọng tải nhỏ chở ít khách mà giá vé cao quá khả năng của người có thu nhập bình thường.
Một phương tiện công cộng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trong việc di chuyển của tầng lớp bình dân cũng như phục vụ cho công tác khai thác thuộc địa được thuận lợi và dễ dàng đó là tàu điện. Sau khi Pháp chiếm đóng hoàn toàn Hà Nội, tháng 5/1890, Công ty Điện địa Đông Dương đã xin phép chính quyền thực dân thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc vào công ty này (tên Pháp là Usine de la Société des tramways électriques de L’ Indochine). Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thuỵ Khuê nên dân Hà Nội ngày ấy gọi là “Nhà máy tàu điện Thuỵ Khuê”. Đến năm 1899, công ty Thổ địa Đông Dương đã ký với chính quyền thành phố Hà Nội về việc đặt một hệ thống đường xe điện ở Hà Nội. Ngày 13 tháng 9 năm 1900, tàu chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ - Thuỵ Khuê. Ban đầu đi vào khai thác là tuyến xe điện chạy từ Bờ Hồ tới Bạch Mai, Bờ Hồ - Bưởi và Bờ Hồ - Thái Hà ấp, sau đó được mở rộng, gồm các đoạn Hà Nội - Hà Đông (1904), Kim Liên - Yên Phụ (1929), Kim Liên - Bạch Mai (1943). Loại hình giao thông công cộng này phát triển mạnh mẽ và tạo cho Hà Nội một diện mạo khác biệt về sự phát triển của các phương tiện giao thông từ cá nhân đến công cộng, cùng với đó kéo theo cả sự phát triển về kinh tế, xã hội thay đổi. Mặc dù nay hệ thống tàu điện không còn, nhưng tiếng leng keng tàu điện xưa vẫn luôn là ký ức đẹp của người Hà Nội.
Chính sự hoàn chỉnh của hệ thống giao thông Hà Nội những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã tạo cơ sở hạ tầng tốt thúc đẩy sự phát triển của bản thân ngành kinh tế giao thông vận tải cũng như các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở Hà Nội. Đây còn là tiền đề vững chắc cho sự phát triển các phương tiện giao thông cũng như cơ sở hạ tầng giao thông sau này của Hà Nội ngày một phát triển có tính bền vững.
Khánh Chi
Nhà xuất bản Hà Nội