Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 09/07/2015 11:37
Tràng Tiền - Quan xưởng quan trọng bậc nhất thời Nguyễn

Trong những quan xưởng của nhà nước phong kiến ở Thăng Long - Hà Nội, Tràng Tiền đóng vai trò quan trọng trên tất cả các phương diện: tổ chức, quy mô và tính chất sản xuất của quan xưởng này trong nền kinh tế hàng hóa Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng.

 
Từ khi được chọn làm nơi định đô của nhà nước phong kiến, Thăng Long đã có xưởng đúc tiền. Thời Lê, các cơ sở đúc tiền của Thăng Long được đặt ở Cầu Giền và phường Nhật Chiêu (phía bắc hồ Tây), đúc các loại tiền đồng, kẽm và hợp kim. Thời Nguyễn, triều đình đã cho lập một xưởng đúc tiền lớn ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm, có tên Cục Bảo tuyền, cơ sở chính là một Tràng (nơi sản xuất) đúc tiền, thường gọi là Tràng Tiền. Tràng đúc tiền được xây dựng trên một khu đất rộng, ngày nay tương ứng với một ô đất giáp các phố Tràng Tiền (bắc), Phạm Sư Mạnh (nam), Phan Chu Trinh (đông) và Ngô Quyền (tây) gồm lò đúc tiền và kho tạm chứa. Hoạt động của Tràng Tiền kéo dài trong gần suốt thế kỷ XIX.
 
Ngay sau khi diệt nhà Tây Sơn và lên ngôi, vua Gia Long đã khẩn trương cho mở một cục đúc tiền ở Bắc thành. Thứ nhất do việc vận chuyển tiền từ Thuận Hóa ra Bắc thành để trả lương cho Tổng trấn Bắc thành cùng các quan, binh lính đồn trú ở Lạng Sơn và các tỉnh thành khác ở miền Bắc mất quá nhiều thời gian bởi đường sá xa xôi, lại không an toàn. Thứ hai, mục đích sâu xa hơn, nhằm tiêu diệt tận gốc ảnh hưởng của nhà Tây Sơn và khẳng định uy quyền của vương triều mới đối với dân chúng Bắc Hà.
 
Tràng Tiền phân chia thành từng đơn vị cơ bản, gọi là các lò. Tùy theo từng thời kỳ, đã có từ 5 đến 20 lò thường xuyên hoạt động ở Tràng Tiền Hà Nội. Các lò này lại phân công cho các tỉnh thuộc Bắc thành phụ trách, quan sở thành từng tỉnh có nhiệm vụ tuyển thợ ở địa phương và trông coi việc đúc tiền, trong đó tỉnh Hà Nội được giao 4 lò. Cai quản từng lò có một người đầu lò, một người phó lò và hai người phụ lò, bốn người làm công việc nặng và mười người thợ làm công việc nhẹ. Ngoài ra, mỗi lò còn có 5 nhân viên coi việc kế toán sổ sách. Chế độ lao động sản xuất ở Tràng Tiền chủ yếu dựa trên chế độ công tượng (lao động nghĩa vụ cưỡng bức) có kết hợp với chế độ gia công thu thuế và phần nào với chế độ làm thuê tự do, trả lương hoán sản phẩm. Có giai đoạn triều đình trả công thấp, đám thợ không đủ nuôi vợ con nên thông đồng với nhau và với lính gác để ăn cắp tiền. Do ăn chia không đều, tin lọt đến tai Cai cơ Trương Văn Minh, đại sứ của Cục Bảo tuyền. Trương Văn Minh đã đích thân xuống kiểm tra. Ông này cho cân số tiền đã đúc thấy không khớp với số đồng và kẽm mà triều đình cấp đã ra lệnh điều tra nhưng không tìm ra kẻ chủ mưu cũng như người lấy cắp. Sợ nếu tiếp tục dùng thợ đúc là đàn ông thế nào cũng lại có chuyện thông đồng giữa thợ và lính gác nên Trương Văn Minh cho đám thợ đàn ông nghỉ việc và tuyển toàn phụ nữ. Trương Văn Minh báo cáo với triều đình là phụ nữ sức có yếu, vóc có nhỏ so với đàn ông nhưng họ thật thà hơn nên xin tuyển đàn bà con gái. Triều đình chấp thuận bản tấu của Trương Văn Minh. Tiếp đó Trương Văn Minh còn cho phép lính gác có quyền khám xét tất cả thợ đúc khi rời khỏi xưởng. Thế là hết giờ làm việc, chị em qua cổng về nhà đều bị lính gác kiểm tra, có lính lợi dụng sờ nắn ngực. Các cô chưa chồng đỏ mặt, còn những phụ nữ có chồng ức nổ cổ nhưng cũng không dám kêu. Chính vì thế Bắc thành có câu:
 
Thứ nhất làm lính Tràng Tiền
Thứ nhì được cúng quan hiền Kẻ Mơ
 
Tràng Tiền Hà Nội sản xuất ra nhiều loại tiền đồng và tiền kẽm. Các thời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức đều có đúc tiền theo niên hiệu mới. Có hai loại tiền chính: tiền đồng nặng khoảng từ 9 đến 10 phân, tiền kẽm nặng khoảng 6 phân. Khối lượng tiền tệ do Tràng Tiền Hà Nội sản xuất ra khá lớn. Năm Gia Long thứ 13, Cục Bảo tuyền mỗi ngày đúc hết 3.500 cân kẽm, tức mỗi tháng đúc 105.000 cân. Năm Minh Mệnh thứ 15, mỗi lò của Tràng Tiền hàng tháng đúc hết 30.000 cân kẽm. Số tiền đúc được lưu tại kho tạm chứa ở Hà Nội, sau đó chuyển vào kho trong thành Hà Nội và yêu cầu được chuyển vào Kinh thành hoặc đưa đi các nơi. Năm 1813, chở 600.000 quan tiền ở kho Bắc thành vào kinh đô Huế. Năm 1825, chở 150.000 quan tiền kẽm mới đúc đến Thanh Nghệ. Ngoài đúc tiền, Tràng Tiền còn đúc cả bạc đỉnh, như năm Minh Mệnh thứ 12, cứ 10 lạng thì đúc làm một đỉnh.
 
Ngay từ thời Gia Long, một số Hoa kiều có thế lực đã tìm cách thao túng công việc đúc tiền, theo đó “các Hoa kiều điều khiển việc sản xuất và chịu nộp thuế bằng hiện vật cho nhà nước” (Lafargue. 362). Và đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc nhà nước phong kiến không thể quản lý triệt để việc đúc tiền trộm, làm tiền giả, tàng trữ và tiêu tiền dị dạng bởi các thủ đoạn lũng đoạn tiền tệ của các tầng lớp lái buôn Hoa kiều. Hệ quả là gây nên hiện tượng lạm phát “của trọng mà tiền khinh, vật giá đắt lên”, giá cả hàng hóa ở Bắc thành ngày càng tăng vọt.
 
Chiếm được Hà Nội năm 1883, Pháp đã phá tràng đúc để lấy đất xây dựng khu trung tâm vào năm 1887. Từ đây Tràng Tiền chính thức kết thúc vai trò lịch sử là một quan xưởng trọng yếu để trở thành một trung tâm đô hội phồn hoa rồi trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất của đất Kinh kỳ.
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)