Đường lối về ngoại thương Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XIX
Do nhiều nguyên nhân, nhà nước Lê - Trịnh đã thi hành ở Thăng Long một chính sách giao thương với ngoại quốc mang tính hai mặt, nước đôi, khi thoáng mở, lúc đóng kín. Tuy nhiên, đường lối chiến lược chung thì không thay đổi là nhà nước nắm giữ độc quyền ngoại thương và thi hành những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt trong những quy định, thủ tục và quá trình giao dịch, đối với cả thương nhân châu Âu cũng như phương Tây. Năm 1960, nhà nước Lê - Trịnh đã ra lệnh ngăn chặn các tàu buôn ngoại quốc đến kinh đô Kẻ Chợ. Theo những quy định được ghi trong Thiện chính thư thì tàu thuyền của nước Hoa Lan (Pháp), Ô Lan (Hà Lan), Nhật Bản cũng như lái buôn các tỉnh Phúc Kiến phải cử người đến xin phép trước, nói rõ lý do và ý định của họ. Các nhân viên tàu thuyền này không được trực tiếp đến Kinh thành mà chỉ được phép ngụ tại hai địa điểm gần kinh thành là Thanh Trì và Khuyến Lương, với khách đường bộ từ phương Bắc thì là trạm An Thường (Gia Lâm). Năm 1687, chúa Trịnh lại ra một loạt các điều lệnh cấm người nước ngoài đến cư trú tại kinh thành Thăng Long. Theo đó, người nước ngoài trước khi được phép vào Kinh thành đều phải dừng lại ở hai trạm tập kết làm thủ tục kiểm soát là Cao Đào (Gia Lâm) và Vạn Lai Triều (Phố Hiến). Năm 1688, Dampier đến Kẻ Chợ có kể lại rằng các giáo sĩ và lái buôn ngoại quốc chỉ được phép lên Thăng Long khi nào chúa Trịnh hoặc vị quan nào ở Kinh kỳ có thiện ý mời họ lên để làm một việc gì đó, chẳng hạn để sửa chữa đồng hồ hoặc một số dụng cụ toán học... Năm 1696, nhà nước phong kiến tiếp tục thắt chặt quy định với người ngoại quốc ở Kinh đô, trong đó, nếu người ngoài muốn bán mua ở Thăng Long - Kẻ Chợ mà tự tiện vào kinh không có người đưa dẫn thì sẽ bị trừng trị.
Với những chính sách của nhà nước Lê - Trịnh, việc giao dịch mua bán với người nước ngoài không hẳn là một nền ngoại thương đích thực, bình đẳng hai chiều theo đúng nghĩa nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Cho nên mặc dù đã có những yếu tố kích thích đáng kể, ngoại thương đô thị của Thăng Long - Kẻ Chợ không thể nào phát triển lên được mà trước hết là không tạo được một luồng giao thương hàng hóa xuyên quốc gia với những tuyến buôn bán đường dài.
Sang thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn lên cầm quyền và Hà Nội không còn là kinh đô của nhà nước phong kiến thì chính sách ngoại thương của nhà nước đối với Thăng Long - Hà Nội đã chuyển sang một hướng khác. Quan hệ giao thương giữa Hà Nội với các nước phương Tây hầu như hoàn toàn bị chấm dứt theo chính sách “bế quan tỏa cảng”, ngoại trừ một số hoạt động buôn bán với các khách thương Trung Quốc. Các lái buôn người Thanh và cả một số ít lái buôn người Việt đã dùng thuyền buôn đi lại nhộn nhịp ngược xuôi qua những chuyến hàng buôn bán và vượt biên giới.
Triều Nguyễn ra sức ngăn cấm, hạn chế hoạt động mậu dịch đối ngoại với Thăng Long - Hà Nội nhưng trong thực tế, nhà nước phong kiến đã không thể nào ngăn chặn được các tuyến đường buôn bán vượt biên giới có khuynh hướng ngày càng phát triển mở rộng.
Sự chuyển biến trong chính sách ngoại thương của nhà Nguyễn chính thức có sự cởi mở sau khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng và Nam Kỳ, khoảng năm 1865 trở đi. Chính sách cấm đoán tuyệt đối và trừng phạt một số các hoạt động ngoại thương chuyển dần sang chế độ đánh thuế, kể cả đối với một số thương nhân Hoa kiều buôn bán gạo và thuốc phiện. Năm 1867, triều đình Nguyễn đặt lệ đánh thuế thiếc do các Hoa kiều mua từ Vân Nam chở về Hà Nội, rồi lại chở tiếp sang bán ở Quảng Đông. Và cuối cùng, do tình hình chính trị nguy ngập và tình hình tài chính kiệt quệ, cũng trong năm này, vua Tự Đức đã bãi bỏ lệnh cấm vượt biển đi buôn trong đó có hoạt động ngoại thương của Hà Nội. Nhưng những biện pháp đó quá muộn màng để có thể cứu vãn được tình hình kinh tế - xã hội suy sụp của đất nước.
Các đường lối chính sách kinh tế của nhà nước phong kiến quan liêu suốt từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX một mặt đã có tác dụng hạn chế, ngăn chặn quá trình phân hóa xã hội tự phát của đô thị, có những thời điểm đã kích thích, đẩy mạnh nền kinh tế đô thị hàng hóa phát triển. Bị chi phối bởi các quan điểm thủ cựu Nho giáo, nhà nước phong kiến nước ta đã bỏ lỡ nhiều tiềm năng và cơ hội để đô thị Thăng Long - Hà Nội cũng như cả nước hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tạo đà cho những bước đột phá kinh tế và những biến chuyển chính trị - xã hội về chất làm chuyển đổi mô hình.
Đỗ Giang
Nhà xuất bản Hà Nội