Sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương qua các bộ sử liệu cổ của nước ta và Trung Quốc
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Trước hết phải nói đến là hai bộ sử cổ nhất ở nước ta là Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đã nói về nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương đã viết khá rõ ràng. Tuy nhiên Việt sử lược ghi chép về thời kỳ này khá ít. Về thời An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc thì chỉ ghi là: “Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp thành ở Việt thường, xưng hiệu là An Dương Vương, không thông hiếu với nhà Chu”. Còn về thời đại vua Hùng, Việt sử lược cũng ghi chép ngắn gọn như sau: “Đến thời Trang Vương nhà Chu, ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư thì ghi chép tỉ mỉ hơn, đã dành cả một Kỷ (Kỷ Hồng Bàng Thị) để nói về thời Hùng Vương và nhà nước Văn Lang: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng dành một kỷ (Kỷ Nhà Thục) để nói về An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc: “An Dương Vương, họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa). Năm Giáp Thìn, năm thứ 1 [257 TCN] vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc.
Như vậy, hai bộ sử chính thống cổ nhất nước ta cũng có ghi chép về nước Văn Lang của vua Hùng và Âu Lạc của An Dương Vương là những nước sơ khai trong lịch sử dân tộc ta. Có thể thấy từ trong lịch sử cũng đã có sự thừa nhận về hai hình thái nhà nước sơ khai, chứ không phải đến ngày nay chúng ta mới đi nghiên cứu, khẳng định.
Bên cạnh những bộ sử liệu chính thống còn có một số tác phẩm văn học chữ Hán có đề cập đến thời Hùng Vương với tư cách như một mô hình nhà nước đầu tiên. Đó là Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp. Trong hai tác phẩm này có nhiều mẩu chuyện được lưu truyền trong dân gian về các vị thần được thờ ở các đền miếu và những câu chuyện về đời sống sinh hoạt của xã hội sơ khai.
Cùng với những bộ sử liệu của Việt Nam, những bộ sử liệu cổ của Trung Quốc cũng nói đến sự tồn tại của thời đại Hùng Vương – An Dương Vương trong lịch sử dân tộc ta. Trong đó hai bộ sử lớn nhất là Sử ký Tư Mã Thiên và Hán thư. Trong Sử ký Tư Mã Thiên đã ghi về nước Âu Lạc như sau: “Ở phía đông đất Mân Việt, chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng là vương, ở phía tây nước Âu Lạc, là nước trần truồng cũng xưng là vương”. Theo đó thì có một nhà nước Âu Lạc sơ khai được ghi nhận trong chính sử của Trung Quốc vào khoảng thế kỷ II trước Công nguyên. Còn trong bộ Hán thư của Ban Cố - nhà sử học thời Đông Hán có ghi chép về sự tồn tại của một nhà nước sơ khai đó là nước Tây Âu Lạc. Như vậy, cả hai bộ sử liệu cổ chính thống của Trung Quốc đều nói đến một nhà nước sơ khai có một vị vua đứng đầu là nhà nước Âu Lạc. Mặc dù chỉ dừng lại ở dạng ghi chép sơ khai nhưng chúng ta cũng thấy được hình bóng của nhà nước sơ khai của Việt Nam thời cổ qua chính sử Trung Quốc.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương nhưng những ghi chép, những thông tin có được từ những bộ sử liệu cổ của nước ta và Trung Quốc có thể phần nào khẳng định về sự tồn tại của một nhà nước sơ khai trong lịch sử dân tộc ta. Qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam, hiểu được bản chất của một thời hào hùng, một nền văn hoá đặc sắc của dân tộc, một căn cốt sâu xa làm nên nền móng đầu tiên trong công cuộc lập nước và giữ nước của dân tộc ta.
Anh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội