Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 14/07/2015 09:14
Nhà Lý với công cuộc bảo vệ và giữ vững toàn vẹn lãnh thổ

Trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ nền độc lập dân tộc thì công cuộc giữ vững biên cương, chống lại các hoạt động quấy phá lấn chiếm đất ở vùng biên giới chính là một nhiệm vụ quan trọng để giữ vững độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Xác định được tầm quan trọng của việc này, nước Đại Việt thời Lý đã có nhiều biện pháp ngoại giao khôn khéo kết hợp với các biện pháp quân sự đối với các quốc gia trong khu vực để giữ vững biên cương của dân tộc, đồng thời chống các hoạt động nổi dậy, lấn chiếm của các nước láng giềng.

 
Trong việc giữ vững chủ quyền biên cương và chống các hoạt động quấy phá ở biên giới phía Bắc, nhà Lý đã có nhiều chính sách vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết. Sau cuộc kháng chiến chống quân Tống thắng lợi, về cơ bản nhà Lý đã bảo vệ được biên cương lãnh thổ, tuy nhiên có một số khu vực sát biên giới phía Bắc vẫn bị quân Tống chiếm giữ khi tiến vào Thăng Long, do đó việc đòi lại những khu vực này có vị trí quan trọng, thiết yếu trong việc bảo vệ biên cương bờ cõi nước ta. Khu vực này gồm có 5 châu là Quang Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Yên, trong đó Quang Lang và Quảng Yên là hai khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng, là vùng chuyển tiếp giữa vùng Tây Bắc và Đông Bắc nước ta. Bằng những biện pháp ngoại giao (cử đoàn sứ thần sang nhà Tống dâng lễ vật và yêu cầu nhà Tống trả lại đất) cùng với biện pháp quân sự là sai Lý Thường Kiệt đem quân tiến đánh vào khu vực Quang Lang, khôi phục lại vùng đất này, khuyến khích người tại Quảng Nguyên nổi dậy để đòi lại đất... nhà Lý đã đòi được các khu vực bị nhà Tống chiếm đóng. Việc đòi lại đất của nhà Lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó cho thấy sức mạnh của Đại Việt trong thế chủ động về ngoại giao. Không những thế nhà Lý còn đấu tranh chống lại các cuộc tấn công lấn chiếm của Chân Lạp và Ai Lao. Dù những cuộc tấn công này không thường xuyên và cũng không lớn như mối đe doạ ở phương Bắc nhưng nhà Lý đã kiên quyết dập tắt để giữ vững ổn định cương vực Đại Việt. Đồng thời nhà Lý đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.
 
Song song với việc đòi đất, nhà Lý còn phải chống lại những âm mưu, hành động chiếm đất đai ở biên giới phía Bắc do một số bộ tộc người thuộc nước Nam Chiếu và Đại Lý mang quân xâm chiếm và gây rối loạn biên cương. Về sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại “Vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém đầu hàng vạn, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết”. Cùng với việc chống lại các hoạt động quấy rối của các nước khu vực biên giới phía Bắc, nhà Lý còn tiến công tiêu diệt những lực lượng quấy phá biên giới phía Bắc. Có thể nói quan hệ biên giới giữa nhà Tống và Đại Việt rất phức tạp, trong đó các hoạt động của nhà Lý chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ biên cương, chống xâm lấn. Những hoạt động ngoại giao, quân sự, có khi là kết hợp giữa quân sự và ngoại giao vừa khéo léo, vừa cứng rắn của nhà Lý đã bảo vệ được lãnh thổ của mình, tránh những xung đột lớn.
 
Cùng với việc bảo vệ biên cương, chống quấy phá và xâm lấn nhà Lý còn phải đối mặt với một nguy cơ lớn đó là những xu hướng nổi dậy cát cứ, đòi ly khai tách khỏi Đại Việt của một số các khê động ở sát biên giới. Nhà Lý coi đây là một phần quan trọng của công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì chính sách của nhà Lý đối với các tộc người miền núi phía Bắc có liên quan chặt chẽ với mối quan hệ giữa Đại Việt và Tống, do đó muốn bảo vệ được biên giới phía Bắc không để quân Tống xâm lấn thì phải đoàn kết các lực lượng ở vùng biên viễn, chống lại khuynh hướng cát cứ để giữ vững toàn vẹn lãnh thổ. Một biện pháp quan trọng mà nhà Lý đã thực hiện đó là kết thân với các tù trưởng bằng cách gả các công chúa, các cô con gái của hoàng tộc cho các tù trưởng, thủ lĩnh quân sự để biến họ thành những người bảo vệ miền biên cương. Bên cạnh việc gả các công chúa, các hoạt động quân sự cũng được thực hiện mạnh mẽ để trấn áp các cuộc nổi dậy. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: năm 1013 đích thân vua Lý Thái Tổ đem quân đi dẹp loạn quân Nam Chiếu; năm 1015 xuống chiếu cho Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đi đánh các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân… Có thể nói việc dùng quân sự dập tắt các cuộc nổi dậy này cho thấy chính sách nhất quán và kiên quyết của nhà Lý trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Cùng với đó, các vị vua nhà Lý còn rất quan tâm đến việc tuần tra vùng biên viễn. Nhà Lý thường xuyên cử các vị quan đại thần đi tuần tra, kiểm soát các vùng biên để phát hiện và ngăn chặn những âm mưu quấy phá, đích thân vua Lý Anh Tông đã nhiều lần đi tuần tra các vùng biên giới vào các năm 1143, 1161, 1171, 1172 và cho ghi chép, vẽ bản đồ khu vực biên giới và biển đảo.
 
Với những chính sách ngoại giao, quân sự vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, kiên quyết, nhà Lý đã vượt qua mọi khó khăn, sóng gió và thử thách để bảo vệ độc lập dân tộc và giữ vững biên cương Đại Việt, tạo thế ổn định và phát triển lâu dài cho dân tộc, đồng thời tạo nền tảng cho các triều đại sau này tiếp tục phát triển và bảo vệ đất nước.
 
 
Anh Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)