Hoa văn cây cỏ trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội và những ý nghĩa biểu tượng
Như các cư dân khác, người Việt cũng nhìn cây cao như gạch nối giữa trời và đất. Và vượt lên ý nghĩa thực tế, cây cỏ trong tạo hình của người Việt, người chốn Kinh kỳ phần nhiều đã được “vũ trụ” hoá, không chỉ là những hình mẫu trang trí đơn thuần mà còn mang những giá trị riêng, ý nghĩa riêng tùy thuộc vào thời điểm, quá trình phát triển của lịch sử mỹ thuật.
Thời Lý, hoa văn cây cỏ chủ yếu tập trung vào hình ảnh những đài sen bệ Phật, lá đề, hoa cúc, hoa dây, cây địa lan, đại thụ dưới dạng hình nấm. Trong đó, hoa sen thường được cho là gắn với đạo Phật vì trong hoa đã có quả tượng trưng cho ý nghĩa nhân - quả của Phật pháp, đồng thời cũng tượng trưng cho cõi cực lạc. Song cũng có ý kiến cho rằng hoa sen mang yếu tố âm, biểu hiện sự cầu mong bền vững và sinh sôi nảy nở. Và nếu lá đề thường được tượng trưng cho sự giác ngộ Phật pháp thì hoa cúc lại như một biểu tượng của nguồn phát sáng, nhiều khi được nghĩ là mặt trời, tinh tú…
Sang thế kỷ XIII - XIV, hoa cỏ trong tạo hình kiến trúc đã có sự biến đổi. Hoa sen và hoa cúc đã có những cách điệu theo hướng đơn giản đi, thậm chí hoa cúc còn khác hẳn thực tế để chứa đựng trong đó ý nghĩa như những tia sáng được nghệ thuật hóa thành hoa văn xoắn. Với hoa dây, thời Trần nhiều khi không còn giữ được nét tỉ mỉ, trau chuốt như của thời Lý nữa và có sự liên quan đến việc tôn thờ các lực lượng thiên nhiên cũng như cầu cho cuộc sống no đủ. Đề tài lá đề tiếp tục được sử dụng rộng rãi (lưng ghế ở chùa Thầy, Quốc Oai) nhưng với các chạm khắc, trang trí trong nghệ thuật, kiến trúc thời Trần, hoa văn loại này đã có sự hòa trộn của tính chất lưỡng nghi ngũ hành trong quan niệm về vũ trụ của Kinh Dịch. Suy cho cùng, hoa cỏ thời Trần vẫn còn nặng tính chất biểu tượng nhưng mặt nào đó đã thực hơn, chú ý hơn tới nhiều đường lượn, đường gãy khúc… hơn thời Lý.
Đến thời Lê sơ, do đạo Nho được đề cao, đạo Phật, Lão bị hạn chế nên cách tạo hình và thể hiện hoa cỏ cũng trở nên nghèo nàn. Sang thế kỷ XVI, XVII, hoa văn cây cỏ trong tạo hình quay trở lại thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều đề tài đã có được thể hiện dưới những dạng khác nhau. Điều đặc biệt là xen giữa cành, lá, hoa còn thấy xuất hiện nhiều chim chóc, kể cả hình ảnh con người (đình Phùng, Đan Phượng) làm cho mảng chạm khắc trở nên vui nhộn, tự nhiên và gần gũi hơn. Đáng chú ý là nhiều loại cây thông thường khác đã xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình của giai đoạn này như thông, trúc.
Bước sang thế kỷ XVIII, hình tượng hoa cỏ trong tạo hình đã bị ít đi cùng lượng di tích nhưng lại có sự đa dạng và chịu chi phối của lịch sử. Tuy vậy ý nghĩa biểu tượng trên tạo hình hoa lá, cỏ cây ít bị thay đổi và thường được chia làm ra ba hệ thống: Hệ thống thứ nhất ảnh hưởng của Trung Hoa với những cặp trang trí mai - lan - cúc - trúc, hoặc mai - sen - cúc - trúc, mai - lan - cúc - tùng; hệ thống thuộc lĩnh vực đề cao sự thanh tao và quân tử như tùng, cúc; hệ thống gắn với ý nghĩa cầu phúc mà đại diện tiêu biểu là hoa sen.
Thế kỷ XIX, đề tài hoa cỏ có mặt ở hầu khắp các vị trí của kiến trúc và hiện vật, thường dưới các dạng chạm nổi hay chạm thủng. Nổi lên trong thời kỳ này là hoa cỏ với hình thức gần như thực. Những lan, cúc, trúc, mai, đào, tùng, sen… với thân được uốn theo một dáng khúc khuỷu để tạo thành những hóa thân của rồng, phượng, lân, rùa, dơi… tương đối phổ biến. Cây cỏ được quan tâm tới bởi một phần do những ý nghĩa mà người đời gán cho nó như sen biểu hiện của sự thanh cao, mẫu đơn biểu trưng cho sự giàu có, niềm vui, tùng biểu hiện cho sức mạnh, mai có tính chất chống ma quỷ… Bên cạnh hoa văn hoa lá trang trí, quả và các loài vật trang trí cũng được thiêng hóa, tạo cho biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình thêm phần phong phú như tùng hạc biểu hiện cho sự cầu phúc, sống lâu, quả nho với con dơi biểu hiện sự cầu mong no đủ, hạnh phúc muôn mặt…
Trong quá trình tồn tại suốt gần ngàn năm, biểu tượng cây cỏ trên đất Việt cũng như các công trình kiến trúc của Thăng Long - Hà Nội đã luôn giữ một vai trò quan trọng để phản ánh tâm thức của dân tộc, của con người nơi đây trong tạo hình đồng thời cũng phản ánh những bước đi của nghệ thuật được chi phối bởi điều kiện lịch sử của từng thời kỳ: với những đường nét khi trau chuốt tỉ mỉ, khi đơn sơ mộc mạc nhưng luôn được diễn ra dưới dạng uyển chuyển mang tâm lý của cư dân nông nghiệp, đồng thời cũng luôn luôn chứa đựng những ý nghĩa vượt ra ngoài thực tế của tâm thức mà chúng biểu hiện, để phù hợp với ước vọng muôn đời muôn thuở của con người.
Đỗ Giang
Nhà xuất bản Hà Nội