Những tác động về mặt xã hội trong quá trình đô thị hóa ở Thủ đô Hà Nội
Xu hướng cho thấy quỹ đất nông nghiệp của các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì,… ngày càng bị thu hẹp lại trong tổng quỹ đất tự nhiên của các huyện ngoại thành. Quỹ đất phân bổ cho các mục đích phi nông nghiệp ngày càng tăng và sẽ được lấy chủ yếu từ đất nông nghiệp. Biến động đất đai trong những năm qua ở các huyện ngoại thành Hà Nội dẫn đến một số hệ lụy.
Dân cư và vấn đề di dân
Vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị. Hà Nội có sự gia tăng dân số đột ngột. Theo điều tra của các nhà xã hội học, mỗi ngày có hàng trăm người đủ các thành phần trí thức đến công nhân, nông dân đủ mọi lứa tuổi ở khắp các địa phương đổ về Thành phố. Ngoài bộ phận dân nhập cư từ nông thôn đến, ven ngoại thành còn là nơi giãn dân của nội thành. Với chính sách chỉnh trang đô thị, các huyện ngoại thành đã tiếp nhận thêm một bộ phận dân cư từ các quận nội thành chuyển ra. Tiếp đó là những người dân giàu có từ các quận trung tâm cũng tìm đến ven ngoại thành để tậu đất, xây biệt thự làm nơi thư giãn cuối tuần. Hơn nữa cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở công nghiệp, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài ở khu vực ngoại thành Hà Nội nên luồng dân di cư từ nông thôn ra thành thị làm các nghề thợ hồ, may mặc, chế biến lương thực,… tăng lên đáng kể. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần làm cho dân số các huyện ngoại thành Hà Nội tăng lên nhanh chóng. Áp lực về sự gia tăng dân số đột ngột đặt ra nhiều bức xúc mà các huyện ven ngoại thành phải đối mặt như vấn đề giải quyết việc làm - lao động, nhà ở, tệ nạn xã hội…
Những chuyển biến về kinh tế, văn hoá, xã hội khi đô thị hoá
Cùng với quá trình đô thị hóa là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và cơ cấu kinh tế vùng của nông thôn ven đô sang đô thị. Đến nay kinh tế các huyện ngoại thành đã phát triển bắt nhịp theo xu hướng chung là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Hiện nay, tại các huyện ngoại thành Hà Nội, theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội năm 2011 số cơ sở sản xuất là 11.220 cơ sở, tăng hơn 1.509 cơ sở so với năm 2005 (10.691 cơ sở), số khu công nghiệp tại 5 huyện ngoại thành là 20 trong tổng số 38 khu công nghiệp tại Hà Nội.
Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng ở ngoại thành Hà Nội cũng được cải thiện một cách cơ bản. Khi kinh tế phát triển nhanh, mật độ dân số tăng, hầu hết các huyện ngoại thành đều chăm lo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: làm mới, nâng cấp sửa chữa đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, khu chung cư, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện… Kết quả là nhiều khu đô thị mới xuất hiện như khu đô thị Cầu Bươu, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp, Ngọc Hồi… thuộc huyện Thanh Trì; Mỹ Đình, Tây Mỗ, Dương Nội,… thuộc Từ Liêm hay Đặng Xá, Việt Hưng... thuộc Gia Lâm…
Rõ ràng, quá trình đô thị hóa ở Thủ đô đã đem lại những tác động xã hội tích cực. Chất lượng đời sống vật chất và của người dân các huyện ngoại thành tăng lên rõ rệt. Đô thị hóa dẫn đến sự gia tăng đột biến giá trị tài sản đất đai. Giá đất ở các huyện ngoại thành gần trung tâm Thành phố tăng vọt từ vài triệu đồng/m2 lên vài chục triệu đồng/m2. Người nông dân được hưởng lợi từ mua bán đất đai có điều kiện đầu tư làm cho chất lượng cuộc sống nâng cao. Đồng thời tiền đền bù đất nông nghiệp ở các huyện cũng là nguồn kinh phí đáng kể để người dân mở mang nhà cửa, sắm sửa đồ dùng gia đình cho khang trang hơn. Trong quá trình biến động sử dụng đất đai, diện tích đất dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, đường sá, các công trình văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao… được quan tâm đầu tư đúng mức và phát triển tương đối toàn diện, đã từng bước nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Việc không còn đất sản xuất nông nghiệp làm cho người nông dân các huyện ngoại thành phải có sự thích ứng mới trong bối cảnh đô thị hóa. Họ đã chủ động đi tìm nghề mới phù hợp với bản thân, kiếm thêm thu nhập như đi làm thợ xây, công nhân, bán buôn nhỏ… Chất lượng nguồn nhân lực cũng ngày một cải thiện để đáp ứng với tình hình thực tế mới.
Bên cạnh những tác động tích cực do quá trình đô thị hóa mang lại, còn nảy sinh những tác động tiêu cực cần sớm được khắc phục, giải quyết. Chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích đất phi nông nghiệp dẫn đến tình trạng gia tăng số lao động mất việc làm. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trung bình cứ mỗi hộ bị mất đất có khoảng 1,5 lao động bị mất việc làm, cứ mỗi ha nông nghiệp bị chuyển đổi sẽ có 20 lao động bị mất việc làm. Phần lớn các lao động này sống chủ yếu bằng nghề nông, nay buộc chuyển đổi sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ… do không có trình độ nên khó có thể đáp ứng nhu cầu công việc mới. Và thực tế là xảy ra sự thiếu hụt đội ngũ lao động trẻ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, công nhân lành nghề cung cấp cho thị trường lao động trong khi thừa lao động giản đơn, trình độ thấp chưa qua đào tạo nghề. Do vậy, vấn đề đào tạo nghề cho người lao động trở thành vấn đề quan trọng đối với tất cả các huyện ngoại thành Hà Nội.
Người nông dân các huyện ngoại thành trước đây là nông dân thuần túy thu nhập không cao, mức sống thấp, nay bị thu hồi đất được đền bù một khoản tiền lớn. Đa phần họ đã xây nhà, mua sắm đồ đạc từ tiền đền bù đất. Trong nhiều trường hợp do không có đầu óc và kế hoạch chi tiêu nên họ đã tiêu hết toàn bộ số tiền được đền bù. Không những thế việc xây dựng và sửa chữa nhà cửa ồ ạt đã phá vỡ không gian truyền thống và làm biến đổi môi trường xã hội trước đây của người nông dân ngoại thành. Kèm theo đó là sự gia tăng các tệ nạn xã hội thâm nhập vào cộng đồng nông thôn các huyện ngoại thành như cờ bạc, rượu chè, mại dâm,… Đây không phải là điều mới nhưng nó gia tăng mạnh mẽ kể từ khi người nông dân có nhiều tiền nhờ bán đất và nhiều thời gian nhàn rỗi.
Các huyện ngoại thành là nơi giáp ranh với nội đô nên phải đối mặt với những khó khăn tồn tại trong việc quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất để hoang hóa và sử dụng không hiệu quả. Quá trình đô thị hóa cũng tác động không nhỏ đến môi trường của các huyện ngoại thành Hà Nội. Sự phát triển của các làng nghề thiếu biện pháp xử lý chất thải, nước thải và hệ thống máy móc, thiết bị lạc hậu của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đổi mới đã ảnh hưởng tới môi trường sinh thái tại một số khu vực nông thôn ngoại thành, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước sông do chất thải, nước thải, rác thải và bụi công nghiệp. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của một bộ phận không nhỏ người dân. Về mức độ ô nhiễm không khí, theo kết quả đo đạc, phân tích cho thấy đa số các huyện ngoại thành Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng nề về bụi, tiếng ồn,… trong đó các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm bị ô nhiễm nặng nhất. Về mức độ ô nhiễm môi trường nước thải sinh hoạt khu dân cư, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, làng ngề… trên địa bàn các huyện đều trên mức cho phép.
Như vậy, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã có những tác động toàn diện đến đời sống kinh tế, xã hội của các huyện ngoại thành Hà Nội. Từ một cộng đồng nông thôn truyền thống đã trở thành các đô thị phát triển ở khu vực vùng ven Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh những tác động tích cực là một số thách thức đặt ra. Trong tương lai, các huyện ngoại thành cần có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả những mặt được và giải quyết tốt những mặt hạn chế của quá trình đô thị hóa, góp phần phát triển địa phương mình.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội