Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 06/08/2015 04:57
Truyền thống giáo dục - nét đẹp của Thăng Long - Hà Nội

Hà Nội luôn là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất của cả nước, nơi hội tụ nhân tài khắp mọi miền. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của con người Hà Nội đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành Giáo dục Thủ đô, đồng thời là cơ sở để tạo nên bản sắc văn hoá, cốt cách thanh lịch của người Tràng An.

 
Nơi đây đã xuất hiện những trí thức, học giả lớn của đất nước. Từ mảnh đất này, biết bao nhiêu tấm gương học tập và phấn đấu trở thành nhân tài của đất nước. Nhiều người đã có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển nền giáo dục của Thăng Long - Hà Nội cũng như của toàn dân tộc.
 
Năm 1010, khi Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long, nền giáo dục 

Nho học được bắt đầu xác lập với sự ra đời của Văn Miếu (1070) và Quốc Tử Giám (1076), cùng với đó kinh đô Thăng Long tuyển chọn người tài thông qua việc học hành thi cử. Đây có thể coi là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự chuyển biến có tính chiến lược đối với nền giáo dục Việt Nam. Mở đầu năm 1075 nhà Lý đã tổ chức thi Minh kinh Bác học và Nho học tam trường. Người đỗ đầu khoa Minh kinh là Lê Văn Thịnh (quê tỉnh Bắc Ninh) là vị Trạng nguyên khai khoa là người đầu tiên ở nước ta được cấp “bằng cấp”. Đến năm 1139 vua Lý Anh Tông đã tổ chức thi Đình ngay tại cung điện của mình. Năm 1165 tổ chức thi Thái học sinh (sau này là tiến sĩ), năm 1195 thi Tam giáo (hỏi cả về Nho, đạo Lão, đạo Phật). Dưới triều Lý các khoa thi tổ chức không theo một lịch trình thời gian cố định, chỉ chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chọn người tài, cần người làm việc thì mới tổ chức thi. Tổng cộng đời Lý trong vòng 138 năm tổ chức sáu khoa thi (đại khoa) với những tên gọi khác nhau (không kể khoa thi Lại viên: thi viết chữ, thi tính toán, thi pháp luật, để tuyển nha lại làm việc).
 
Ở đời Trần (1225 - 1400), giáo dục Nho học tiếp tục phát triển. Thăng Long ngày càng trở thành một trung tâm đào tạo người tài cho đất nước. Năm 1253, Quốc Tử Giám được tổ chức lại thành Quốc Học viện. Việc thi cử được thường xuyên hơn. Vẫn có những khoa thi Tam giáo nhưng dần dần bị các khoa thi Nho học thay thế. Từ năm 1232, thi Nho học (đại khoa) được chia ra ba hạng (Tam giáp), người đỗ được gọi là Thái học sinh, đến năm 1427 người đỗ đầu Thái học sinh được gọi là Trạng nguyên, đỗ thứ hai là Bảng nhãn, đỗ thứ ba là Thám hoa. Triều đình cũng cho những người thi đỗ nhiều vinh dự và quyền lợi để khuyến khích học tập, thi cử. Thăng Long thời kỳ này có mở các trường của Trần Nhật Duật, Chu Văn An... Việc thi cử của nhà Trần được tiến hành hết sức chặt chẽ.
 
Triều Hồ (1400 - 1407) tuy ngắn ngủi, song cũng tổ chức được hai kỳ thi đại khoa.
 
Sang thời Lê, Lê Lợi đã chú ý nhiều đến giáo dục và tuyển chọn nhân tài. Năm 1428, vừa lên ngôi vua, Lê Lợi đã hạ chiếu cho trong nước dựng nhà học, tổ chức lại Quốc Tử Giám, khuyến khích việc học tập.
 
Việc giáo dục thời Lê thịnh đạt nhất vào triều đại Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Vị vua này có nhiều biện pháp phát triển giáo dục, mở rộng nhà Thái học (Quốc Tử Giám), quy định lại chế độ thi cử, in ấn nhiều loại sách học... lại còn long trọng làm lễ xướng danh ban mũ, áo, cờ biển vinh quy cho những người trúng tuyển, lại cho dựng bia để ghi tên Tiến sĩ các khoa. Nhờ vậy, nền giáo dục đã khuyến khích sĩ tử rèn luyện tài năng và nhân cách, và từ đó xuất hiện nhiều nhân tài như Lương Thế Vinh, Vũ Hữu, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận... cả thời Lê, Mạc và Lê Trung Hưng có cả thảy 121 khoa thi, đỗ 2.241 tiến sĩ, trong đó có 37 Trạng nguyên.
 
Thời Tây Sơn dù ngắn ngủi, nhưng vua Quang Trung đã chú ý đến sự nghiệp giáo dục, quy định việc tổ chức học tập đến tận cấp xã, chấn chỉnh việc thi cử, chú trọng bổ nhiệm những người tài đức làm thầy dạy.
 
Sang thời Nguyễn, Thăng Long trở thành tỉnh Hà Nội. Việc giáo dục vẫn do một Đốc học phụ trách. Lấy Phú Xuân làm kinh đô, các vua nhà Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng, Tự Đức... đều có ý muốn hạ thấp vai trò chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và cả giáo dục của Thăng Long so với Phú Xuân. Việc giáo dục phong kiến cũ khống chế hàng nghìn năm có phần lạc hậu. Một số nhà Nho đang làm quan đã xin từ chức về mở trường dạy học, mở đầu là Nguyễn Văn Siêu, rồi đến Vũ Tông Phan, Trần Văn Vi, Nguyễn Văn Lý rồi Lê Đình Diên...
 
Đến thế kỷ XIX, kết thúc triều đại phong kiến Việt Nam và nền giáo dục Nho học. Tuy nhiên Thăng Long - Hà Nội vẫn là trung tâm học vấn của cả nước. Nền giáo dục truyền thống của đất nước đã đặt một nền tảng vững chắc cho giáo dục Thủ đô và cả nước tiếp tục phát triển. Thế hệ trẻ của Thăng Long Hà Nội hôm nay trên một nền giáo dục truyền thống nghìn năm văn hiến đang giữ vững và phát huy những nét đẹp truyền thống để góp phần xây dựng Thủ đô nói riêng, xây dựng Tổ quốc nói chung ngày càng giàu đẹp văn minh.
 
Kim Ngân
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)