Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 10/08/2015 03:42
Điểm qua lịch sử hình thành tên Thăng Long – Hà Nội

Thăng Long – Hà Nội nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc, nơi đây chính thức mang tên Thăng Long khi vua Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi hoàng đế tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) đã dời đô ra thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long.

 
Trải qua các vương triều, tên kinh thành có thay đổi. Cuối thời Trần gọi là Đông Đô từ năm 1397 đến năm 1400 và tên này được tiếp tục trong thời nhà Hồ (1400-1407). Thời thuộc Minh (1407-1427) là thủ phủ của chính quyền đô hộ gọi là phủ thành Giao Châu hay thành Đông Quan vì thành nằm trên địa bàn huyện Đông Quan. Bình Định Vương Lê Lợi sau khi hoàn thành sự nghiệp bình Ngô, sáng lập vương triều Lê sơ, đóng đô ở Đông Đô và đổi tên là Đông Kinh. Thời Mạc (1527-1592) rồi Lê Trung hưng (1593-1788), Đông Kinh là kinh thành của đất nước ngoài tên gọi Kẻ Chợ và đồng thời tên Thăng Long vẫn tồn tại song hành, vẫn sử dụng trong thơ văn, trong văn hóa dân gian của cư dân kinh kỳ.
 
Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Bân Sơn và đóng đô ở Phú Xuân (Huế) vào năm 1788. Năm 1802, Nguyễn Ánh thành lập vương triều Nguyễn và chọn Phú Xuân – Huế là kinh đô. Thời Tây Sơn và đầu thời Nguyễn, Thăng Long mất vai trò kinh thành và trở thành thủ phủ của Bắc Thành – một khu vực hành chính đặc biệt tương đương vùng Bắc Bộ ngày nay. Từ năm 1803 đến 1805 nhà Nguyễn cho phá Cấm thành Thăng Long, xây dựng một tòa thành mới theo kiểu Vauban của Pháp và vẫn gọi là thành Thăng Long thuộc phủ Phụng Thiên hay Bắc Thành. Đến tháng 8 năm Ất Sửu, Gia Long 4 (1805) đổi thành Thăng Long với long là rồng thành Thăng Long với nghĩa long là hưng thịnh và đôi phủ Phụng Thiên làm phu Hoài Đức.
 
Đến năm 1831 khi vua Minh Mệnh tiến hành một cuộc cải cách hành chính quy mô toàn quốc, chia đặt các tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội. Và từ đây xuất hiện tên gọi Hà Nội. Từ đó, thành Thăng Long hay Bắc Thành hay phủ thành Hoài Đức trở thành tỉnh thành Hà Nội hay thành Hà Nội. Rõ ràng từ năm 1788 đến 1831, xét về mặt cấp bậc hành chính quốc gia Thăng Long đã hạ từ kinh đô xuống phủ thành Bắc Thành, phủ thành phủ Hoài Đức rồi tỉnh thành Hà Nội. Tuy nhiên với bề dày lịch sử văn hóa trong 8 thế kỷ trước đó, Thăng Long – Hà Nội vẫn là một trung tâm văn hóa nổi tiếng cả nước, một trung tâm kinh tế với nhiều phố phường, bến chợ tấp nập, làng nghề với nhiều mặt hàng tinh tế, thợ thủ công lành nghề nhất cả nước.
 
Thời Pháp thuộc, Hà Nội trở thành thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Giai đoạn này, bộ mặt quy hoạch và kiến trúc của Hà Nội chuyển biến theo hướng đô thị hóa phương Tây. Lúc này đây không chỉ là trung tâm hành chính lớn của chính quyền thực dân mà còn là một trung tâm chính trị, văn hóa tiên tiến, tiếp thu những ảnh hưởng tốt đẹp của tư tưởng, văn hóa phương Tây và trở thành một địa bàn sôi động của phong trào yêu nước, phong trào cách mạng chống chủ nghĩa thực dân.
 
Khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hà Nội trở lại vị thế thủ đô của nước Việt Nam độc lập, từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vậy, với những nét sơ lược về sự hình thành tên Thăng Long – Hà Nội với dấu mốc từ khi nhà Lý định đô năm 1010 đến khi đất nước được độc lập, thống nhất ngày nay - thể hiện hết ý nghĩa giá trị lịch sử với tên khởi đầu là kinh thành Thăng Long của nước Đại Việt cho đến tên thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam hiện đại với lịch sử nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội.
 
 
Duy Khánh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)