Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 10/08/2015 03:49
Thương cảng Vân Đồn - điểm nhấn trong sự phát triển ngoại thương thời Lý

Thành lập từ thời nhà Lý dưới thời vua Lý Anh Tông năm 1149, thương cảng Vân Đồn đã góp phần vào sự phát triển chung của lịch sử dân tộc Đại Việt, điều đó thể hiện trên nhiều phương diện kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử Vân Đồn không chỉ là một danh thắng nổi tiếng nơi Nguyễn Trãi từng ca ngợi là “vũ trụ đốn thanh trầm hải nhạc” mà còn đồng thời là cửa ngõ bang giao, thương cảng có vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, là quân cảng và là vùng tài nguyên vô giá của Tổ quốc. Chính hoạt động đa dạng, tính đa chức năng đó đã khiến cho nơi đây trở thành thương cảng có sức sống trường tồn cùng dân tộc. Qua đây chúng ta thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược của nhà Lý khi xây dựng thương cảng Vân Đồn.

 
Từ giữa thế kỷ XI cùng với sự phát triển các trung tâm giao lưu buôn bán ở các vùng biên giới với các nước xung quanh, các tuyến giao thương buôn bán trao đổi bằng đường biển với các nước trong khu vực cũng ngày càng mở rộng đặc biệt là vùng hạ lưu và dọc duyên hải khu vực Đông Bắc Bộ. Xuất phát từ thực tế đó, năm 1149 trang Vân Đồn đã được thành lập. Về sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại như sau: “Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Đại Định thứ 10 (1149) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 19), mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nươc Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Từ đây Vân Đồn mở cửa đón, nhận hàng hoá và các mối giao thương buôn bán và giao lưu kinh tế văn hoá với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Tây Á, châu Âu.
 
Điều đáng nói là thời bấy giờ mọi hoạt động giao lưu buôn bán trên biển chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện thời tiết gió mùa và dòng nước, các tàu thuyền buôn bán phải mất thời gian dài cho một chuyến đi, bởi vậy cho nên họ phải tìm cách lưu trú ở các nước sở tại hàng tháng có khi là nửa năm. Mặt khác Vân Đồn lại nằm trên tuyến giao lộ đường biển quan trọng ở khu vực Đông Bắc nước ta, nơi giao thoa của nhiều tuyến giao thông đường biển đi các nước trong khu vực. Chính vì thế lợi ích thương mại mang lại từ thương cảng Vân Đồn là không hề nhỏ, do đó các thuyền buôn rất muốn chọn Vân Đồn là nơi lưu trú lâu dài. Sau khi lập trang Vân Đồn, mối quan hệ giao thương giữa Đại Việt với các quốc gia khu vực được chính thức hoá. Nhiều sản phẩm hàng hoá được trao đổi giữa thương nhân với các cảng và hải đảo, chủ yếu là các mặt hàng như ngọc trai, sừng tê giác, trầm hương, ngà voi, tơ lụa và đồ gốm sứ…
 
Ngoài thương cảng Vân Đồn, vào thời Lý thuyền buôn nước ngoài cũng cập bến ở nhiều cửa biển vùng Diễn Châu, Hoan Châu (Nghệ An ngày nay), Lạch Trường, Hội Triều (Thanh Hoá), Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XII do những biến đổi của điều kiện tự nhiên và sự nổi dậy cướp phá của thuỷ quân một số nước lân cận như Chămpa, Chân Lạp nên các thuyền buôn chuyển dần lên khu vực cảng biển ở vùng Đông Bắc. Các hoạt động giao thương cũng chuyển dần lên tập trung ở thương cảng Vân Đồn và một số cảng ở dọc hạ lưu sông Hồng. Do đó thương cảng Vân Đồn đã vượt ra khỏi khuôn khổ một thương cảng mang tính quốc gia để trở thành một thương cảng mang tính khu vực.
 
Như vậy vào thời Lý nhà nước Đại Việt đã chủ trương khai mở, duy trì hoạt động của nhiều trung tâm mậu dịch đối ngoại nhưng Vân Đồn là trung tâm chính yếu và càng về sau càng có vai trò quan trọng trong hệ thống các tuyến giao thương đường biền châu Á. Những cuộc điều tra khảo cổ học tại đây đã thu được nhiều hiện vật là đồ gốm, men ngọc thời Lý đã cho thấy những nơi tập trung buôn bán chủ yếu ở Vân Đồn bao gồm đảo Vân Hải gồm các bến Cái Làng, Cống Cái, Con Quy; đảo Ngọc Vừng, đảo Cổng Đông. Chỉ riêng đợt khai quật năm 2003 tại Cái Làng các nhà khảo cổ học đã thu được 5000 hiện vật, trong đó có nhiều mảnh sành, men sứ gốm, có cả loại gốm sứ có niên đại thời Minh – Thanh Trung Quốc, còn lại chủ yếu là có niên đại thời Lý - Trần của Việt Nam. Những chứng cứ này chứng tỏ vai trò to lớn của thương cảng Vân Đồn trong sự phát triển của hệ thống thương mại đường biển của Đại Việt thời Lý và các thời kỳ sau này.
 
Có thể thấy, dưới thời Lý, cùng với ý thức về việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, nhà Lý đã có những quyết sách táo bạo là lập trang Vân Đồn với vai trò là một trung tâm giao thương quốc tế, mở cửa giao lưu buôn bán với các nước láng giềng và trong khu vực. Sự hoạt động và nổi lên của thương cảng Vân Đồn đã mở ra các tuyến giao thương đường biển quan trọng với khu vực, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế phía Đông Bắc. Đồng thời kết nối vùng Đông Bắc với các vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, tạo nên một tuyến phát triển kinh tế liên hoàn dọc duyên hải nước ta; góp phần hoàn thiện hệ thống kinh tế đối ngoại, tạo sự phát triển cân bằng giữa các vùng. Không những thế, việc thành lập thương cảng Vân Đồn đã chứng tỏ tinh thần độc lập, làm chủ và nâng cao vị thế của Đại Việt trong quan hệ ngoại giao, giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực.
 
 
Anh Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)