Thủ đô Hà Nội - Cánh cửa giao lưu quốc tế qua từng giai đoạn lịch sử
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thổi bùng lên một ngọn gió mới, chưa bao giờ Hà Nội có người nước ngoài đông và nhiều thành phần phức tạp đến vậy, bạn thì ít mà những kẻ lăm le xâm chiếm nước ta thì nhiều. Lính phát xít Nhật tuy đã đầu hàng nhưng chưa rút hết về nước, quân Trung Hoa Dân quốc dưới danh nghĩa đồng minh tràn vào phá phách hòng lật đổ chính quyền cách mạng, quân Pháp sau Hiệp định Geneve sơ bộ được đóng quân tại một số thành phố lớn, chủ yếu là Hà Nội. Nhân dân Hà Nội theo lời kêu gọi của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh ứng xử với ngoại bang, hết sức tránh bị khiêu khích nhưng vẫn kiên cường chuẩn bị cho cuộc cách mạng sục sôi. Ứng xử văn minh nhưng không hề lùi bước, tế nhị mà rất kiên cường, tạo nên một nét mới trong văn hóa người Hà Nội trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ.
Chiến tranh kết thúc, đất nước hoàn toàn được giải phóng. Hà Nội trở thành Thủ đô của một quốc gia thống nhất - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quan hệ quốc tế mở rộng, nhiều nước trên thế giới chính thức đặt quan hệ ngoại giao, trong đó có đủ 5 nước Asean. Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 149 của Liên Hiệp Quốc. Những thành tựu đó đã đưa nhiều vị khách nước ngoài tới Hà Nội, nhưng ngay sau đó cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc cùng chính sách cấm vận của các lực lượng thù địch lại gây ra nhiều khó khăn, cánh cửa đối ngoại một lần nữa khép lại. Hà Nội lại kiên cường trong những ngày khói lửa chiến tranh, quân dân Hà Nội đã vượt qua bao thách thức thù trong giặc ngoài, vững vàng vươn tới.
Đường lối Đổi mới của Đảng đề ra từ Đại hội VI (1986) đã đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cô lập, bình thường hóa và thiết lập quan hệ với tất cả các nước lớn, mở rộng giao lưu văn hóa và kinh tế. Thủ đô Hà Nội đã thực sự trở thành một trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước. Hà Nội hàng ngày đón tiếp nhiều người nước ngoài từ chính khách đến thương nhân, từ nhà hoạt động văn hóa, giáo dục đến khách du lịch, thể thao. Trong số đó có người ở lại làm ăn, sinh sống lâu dài.
Từ khi đổi mới, Hà Nội xuất hiện trước thế giới với hình ảnh một thành phố năng động, hiện đại nhưng vẫn lưu giữ nhiều nét xưa truyền thống với khu phố cổ và Văn miếu Quốc Tử Giám cùng nhiều di tích lịch sử và văn hóa, một thành phố hữu nghị thể hiện qua người dân thanh lịch và mến khách. Ghi nhận những nét nổi bật đó, năm 1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì Hòa bình”, năm 2010, Ủy ban Di sản thế giới công nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới.
Hoạt động đối ngoại ngày nay không chỉ là công việc của các quan chức ngoại giao, không thu hẹp trong hội nghị hay bàn tiệc mà nó diễn ra trên đường phố với mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Phải làm sao để mỗi người dân Hà Nội trở thành một đại sứ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đem lại hình ảnh thân thương trong con mắt khách nước ngoài, khắc ghi một ấn tượng đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Muốn vậy, vấn đề trước hết là làm sao để mỗi người dân Hà Nội nhận thức được trách nhiệm và vinh dự của người chủ nhà được tiếp những người khách từ phương xa tới. Mở rộng cuộc vận động tuyên truyền quảng bá tinh thần đối ngoại đến từng người dân Thủ đô là điều vô cùng cần thiết. Thiết lập và nuôi dưỡng khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ nhằm mục đích giúp chủ và khách có thể hiểu nhau, xây dựng mối quan hệ thiết thực. Quan hệ ngoại giao chỉ thực sự bền chặt khi chúng ta thể hiện một trình độ văn minh trong nếp sống và trong lao động, thể hiện qua ý thức rèn luyện và tính kỷ luật. Thuy nhiên, thực tế cho thấy người nước ngoài nhanh chóng phát hiện tính thiếu kỷ luật trong giao thông đường phố, trong cách ứng xử nơi đông người, trong ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trong bộ máy hành chính quan liêu của ta. Nhà đầu tư nước ngoài rất phiền lòng vì thói quen không đảm bảo đúng giờ giấc, không tuân thủ đúng quy trình sản xuất và nhiều hành vi gian lận, nhũng nhiễu khác của người lao động.
Do vậy, trước những thói quen xấu, sự trì trệ và tính thiếu khoa học trong một số bộ phận người lao động, người dân hiện nay, thay cho lời kết, để Hà Nội là cánh cửa giao lưu quốc tế được bạn bè quốc tế ghi nhận và duy trì hợp tác tốt đẹp thì có lẽ không gì hơn xin một lần nữa nhắc lại lời dạy của Bác Hồ hơn 60 năm về trước: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Lời nhắn nhủ đó mãi mãi khắc ghi vào tâm khảm của mỗi người con Hà Nội, cần được thể hiện trong hành động của mỗi công dân Thủ đô.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội