Vị trí của Đại Việt thời Lý qua hoạt động thương mại với các nước trong khu vực
Từ trước khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt, Đại La đã là một điểm đến của hầu hết các thương nhân của các nước trong khu vực bao gồm cả Trung Hoa và các nước Đông Nam Á cũng như khu vực Trung Á. Chính sự hình thành của tuyến thương mại dọc sông Hồng đã đưa Đại La trở thành đầu mối của nhiều tuyến giao lưu hàng hoá liên hoàn. Tuy nhiên từ sau khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, chọn nơi đây làm kinh đô của nước Đại Việt thì Đại La – Thăng Long trở thành trung tâm chính trị - hành chính của cả nước. Vì lo ngại những ảnh hưởng từ các thương nhân nước ngoài đến sự tồn tại và ổn định của kinh thành cũng như cả nước nên nhà Lý không khuyến khích việc giao lưu buôn bán với các thương nhân nước ngoài tại kinh thành, do đó các hoạt động, địa điểm giao thương chuyển dần ra các khu vực lân cận và chủ yếu ở các địa điểm gần khu vực biên giới với các nước.
Trong hoạt động thương mại của nhà Lý thì các hoạt động mua bán trao đổi với Trung Quốc khá phát triển. Hoạt động này chủ yếu diễn ra ở các chợ vùng biên giới hai nước ở phía đông bắc và phía tây. Nơi đây có nhiều châu, nhiều bộ lạc của Đại Việt sinh sống. Các sản phẩm được người dân các châu của Đại Việt mang đến trao đổi chủ yếu là ngà voi, sừng tê giác, trầm hương… chủ yếu để đổi lấy gạo, vải và ngựa - những nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Chính những địa điểm trao đổi buôn bán này cũng trở thành nơi trao đổi các thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội giữa hai nước. Tuy nhiên đến giữa thế kỷ XI, do quan hệ căng thẳng ở biên giới hai nước Đại Việt và Trung Hoa, hoạt động thương mại bị ngưng trệ do chính sách cấm giao thương của nhà Tống. Sau chiến tranh Đại Việt với nhà Tống kết thúc thì hoạt động giao thương của hai nước lại được nối lại bình thường, những hoạt động giao thương của hai nước đã góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước trên nhiều phương diện cũng như sự thay đổi chính sách của nhà Tống đối với Đại Việt. Bên cạnh các hoạt động giao thương qua biên giới thì hoạt động giao thương bằng đường biển giữa hai nước cũng có vị trí quan trọng trong hệ thống thương mại hai nước. Tuyến giao thương đường biển chủ yếu là tuyến giao lộ bắc – nam qua vùng Khâm Châu. Đây là tuyến hoạt động chủ yếu của con đường tơ lụa trên biển được hình thành sớm nhất vào thời Hán. Chính vì vậy đã hình thành một số hải cảng thương mại ven biển phía nam Trung Quốc và Việt Nam.
Bên cạnh mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhà Lý cũng đã chú trọng đến các mối quan hệ buôn bán trao đổi với các nước Đông Nam Á và các nước ở phía Nam. Khu vực Diễn Châu và Hoan Châu chính là một trạm trung chuyển mua bán giàu có, nơi tập trung của nhiều thương nhân, lái buôn Trung Hoa, Khơme và Chămpa. Theo các tài liệu biên niên sử, năm 1037 nhà Lý đã cho xây dựng 50 nhà kho hoàng gia tại Nghệ An. Từ giữa thế kỷ XI cùng với sự phát triển của vương triều Lý, quan hệ ngoại thương với triều Tống cũng có những bước phát triển đột phá. Điều này tạo điều kiện cho sự hình thành các thương cảng trong đó đặc biệt phải nói đến là thương cảng Vân Đồn. Năm 1149, nhân có việc thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lao, Xiêm La xin cư trú buôn bán, vua Lý Anh Tông cho lập trang Vân Đồn “để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Từ đây Vân Đồn mở cửa và đón nhận hàng hoá và các mối giao lưu kinh tế, văn hoá với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Đông Bắc Á, kể cả một số nước Tây Á và châu Âu.
Có thể thấy, thông qua các hoạt động thương mại, trao đổi buôn bán với các nước láng giềng, nhà Lý đã khẳng định được vị thế của mình trong hoạt động giao thương với các nước xung quanh. Việc hình thành và mở rộng các tuyến giao thương, các cảng biển, các trung tâm trao đổi buôn bán cho thấy nhà Lý đã định hình được tầm quan trọng của hoạt động thương mại trong cơ cấu của nền kinh tế. Chính vì thế Đại Việt dưới thời Lý đã trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong những tuyến giao thương kinh tế của khu vực, khẳng định dược vị thế của mình trong mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước xung quanh.
Anh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội