Việt Nam Quang phục hội và những hoạt động trong năm 1913
Sau khi phong trào Đông Du tan rã, từ cuối năm 1908 đến năm 1909, phần lớn lưu học sinh Việt Nam ở Nhật đã về nước. Con đường đào tạo nhân tài, củng cố tổ chức ở Nhật Bản đã khép lại với Phan Bội Châu. Rời khỏi Nhật, Phan Bội Châu và một số đồng chí của ông quay lại Hương Cảng, sau đó là Quảng Đông và cuối cùng qua Đông Bắc Xiêm vừa làm ruộng, nuôi dưỡng phong trào và đợi thời phục quốc. Tháng 10/1911, cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc thắng lợi lật đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh, Trung Hoa Dân quốc được thành lập. Tin này đem đến cho Phan Bội Châu và những đồng chí của mình một niềm tin tưởng mới. Ông đã viết thư chúc mừng những người bạn cũ ở Trung Hoa và đến tháng 12/1911, ông cùng với những đồng chí của mình trở lại Trung Quốc hoạt động. Với sự giúp đỡ của những nhà cách mạng Trung Quốc, Phan Bội Châu bắt đầu thực hiện một phương sách cứu nước mới. Ở đó, ông đoạn tuyệt hẳn với tư tưởng quân chủ từ thời còn lãnh đạo Duy tân hội và phong trào Đông Du để hướng theo phương án dân chủ chủ nghĩa của cách mạng Trung Quốc. Đến tháng 2/1912, tại Quảng Đông (Trung Quốc), một hội nghị gồm đầy đủ đại biểu của cả ba kỳ Trung – Nam - Bắc đã quyết định thành lập một tổ chức mới. Tôn chỉ duy nhất của Việt Nam Quang phục hội là đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập Cộng hoà dân quốc Việt Nam.
Sau khi thành lập, Việt Nam Quang phục hội đã chế ra “quốc kỳ”, tổ chức “Quang Phục quân” với quân kỳ, in “quân dụng phiếu” và lập ra “Hội Chấn Hoa hưng Á”.
Việt Nam Quang phục hội ra đời khi cách mạng Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn thoái trào, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đang đẩy mạnh khủng bố sau những vụ Đông Du, chống thuế ở Trung Kỳ, đầu độc ở Hà Nội; các sĩ phu yêu nước bị bắt gần hết, nhân dân các nơi bị sát hại hàng loạt. Đứng trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục hội nhận thấy cần có một dấu hiệu gì kịch liệt để “gọi tỉnh hồn nước”, thức tỉnh dân chúng. Giữa năm 1912, trong lần tiếp 3 uỷ viên của Quang phục hội ở trong nước, Phan Bội Châu đã nghe họ nói rằng: Muốn vận động quân đội ở trong nước, tất trước phải có một tiếng kinh thiên động địa thì vận động mới có hiệu lực. Bởi vì họ chỉ muốn cho thành công ở nay mai, nếu kế hoạch bằng hằng năm thì không thể thổi họ dậy được”. Chính vì vậy mà ngay sau đó, hội đã cử về một số người thi hành những bản án đối với những tên thực dân đầu sỏ và tay sai. Trong đó vụ ném tạc đạn vào Khách sạn Gà Trống Vàng trên phố Tràng Tiền Hà Nội đã giết chết hai cựu sĩ quan Pháp và vụ ám sát Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn đã gây ra tiếng vang lớn.
Vụ ném tạc đạn tại khách sạn Hà Nội được thực hiện vào tối ngày 26/4/1913 do Nguyễn Khắc Cần (một hội viên Quang phục hội quê ở Yên Viên – Gia Lâm) và Nguyễn Văn Tuý (công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm) thực hiện. Quả tạc đạn nổ giữa sân trong và mái hiên của khách sạn làm chết hai viên thiếu tá Pháp đã về hưu là Sapuy (Chapuis) và Mông-gơ-răng (Montgrand) với một người nữa và làm cho 12 người khác bị thương. Hai chiến sĩ ném bom sau đó đã lên xe kéo chạy qua Gia Lâm về Yên Viên ẩn náu. Trước đó, ngày 13/4/1913, Phạm Văn Tráng, một chiến sĩ Quang phục hội khác đã ném bom giết chết Tuần phủ Hà Nội đã khiến thực dân Pháp thực sự choáng váng và tổ chức một cuộc vây ráp, bắt bớ quy mô lớn. Trong cuộc khủng bố này, Phạm Văn Tráng và Nguyễn Khắc Cần đã bị bắt khi đang tìm đường trở lại Trung Quốc. Nguyên nhân là do hai tên phản bội là Đặng Kinh Luân và Đặng Vũ Hoán đã báo cho Pháp. Tháng 5/1913, cả hai tên này đã bị tiêu diệt bởi hai chiến sĩ Quang phục hội khác là anh em Phạm Hoàng Quế và Phạm Hoàng Triết. Cả hai sau đó cũng đều bị bắt. Tổng cộng thực dân Pháp đã bắt được 254 người đưa về tập trung tại Hà Nội. Hội đồng đề hình đã tuyên 7 án tử hình trong đó có Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết, 8 án lưu đày và rất nhiều án tù khác. Chúng cũng đã tuyên 6 án tử hình vắng mặt, trong đó có Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Văn Tuý.
Vụ ném bom ở Hà Nội đã tạo tiếng vang lớn cho Việt Nam Quang phục hội và gây cho bè lũ thực dân nhiều hoang mang. Ngày 30/4/1913, hơn 200 người Pháp ở Sài Gòn nhân vụ ném bom ở Hà Nội họp mít tinh đòi bọn cầm quyền phải có những biện pháp nghiêm khắc đối với người bản xứ. Phan Chu Trinh lúc đó đang ở Pháp cũng nhận vụ này mà vạch mặt bọn thực dân Pháp ở Việt Nam.
Vụ nổ bom ở Hà Nội hay vụ ám sát ở Thái Bình đã không thành công như mong đợi mà sau này Phan Bội Châu cũng đã thừa nhận “chỉ là một cách đánh bạc cầu may mà thôi”. Có thể thấy, những cuộc lùng sục bắt bớ của thực dân Pháp sau đó đã gây cho Việt Nam Quang phục hội những tổn thất rất lớn, nhiều hội viên chủ chốt là những tài năng quý báu của Quang phục hội đã sa vào tay giặc. Bản thân Phan Bội Châu cũng bị kết án “tử hình vắng mặt” và gặp nhiều rắc rối bên Trung Quốc rồi sau đó đã bị bắt ở Quảng Đông, dẫn đến sự tan rã từng bước của Việt Nam Quang phục hội.
Trong những chiến sĩ tham gia vào các vụ bạo động của Việt Nam Quang phục hội ở Bắc Kỳ, có rất nhiều người sinh ra hoặc đang sinh sống ở Hà Nội như Nguyễn Khắc Cần, Nguyễn Văn Tuý, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết. Họ là những hội viên trung thành và dũng cảm, sẵn sàng đảm đương những nhiệm vụ nguy hiểm, chấp nhận hy sinh thân mình, thậm chí cả gia đình vì nghĩa lớn. Sau khi bắt được Phạm Hồng Quế và Phạm Hoàng Triết, thực dân Pháp đưa về giam ở Bắc Ninh, rồi Hà Nội. Thất bại trong việc dùng cực hình tra tấn, kẻ thù đã tàn nhẫn bắt cả bà cụ thân mẫu và người anh cả của hai ông, hy vọng dùng tình cảm gia đình để lung lạc ý chí hai ông, nhưng đã thất bại. Tiếng vang lớn từ vụ ném bom ở Hà Nội cùng sự hy sinh của những người con ưu tú của đất Hà thành đã tiếp nối tinh thần chống Pháp của Thủ đô sau Đông Kinh nghĩa thục (1907) và Hà thành đầu độc (1908). Vì thế, qua những hoạt động trên đã thể hiện rõ vị trí trung tâm của Hà Nội trong phong trào yêu nước của cả nước những năm đầu thế kỷ XX. Tuy không dành được thắng lợi, nhưng với đường lối táo bạo hoạt động cách mạng của Việt Nam Quang phục Hội đã phát động mạnh mẽ tình thần yêu nước giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Trần Nghĩa
Nhà xuất bản Hà Nội