Giải quyết tốt các vấn đề văn hoá – xã hội sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thủ đô Hà Nội
Trong những năm qua, cùng với đà tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số lĩnh vực có chuyển biến tiến bộ. Tuy nhiên cần nhìn nhận khách quan rằng, phát triển văn hóa chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố trong giai đoạn hiện nay chính là tạođượcchuyển biến mới trong công tác phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mục tiêu chúng ta cần hướng đến là:
- Phát triển văn hóa Thủ đô thực sự xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu đi đầu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế trên cơ sở kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình; tạo một bước chuyển căn bản về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, được biểu hiện bằng các quan hệ ứng xử, giao tiếp ở những nơi công cộng, trong văn hóa giao thông, quản lý văn hóa đô thị; bảo đảm có đủ hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở để phục vụ nhu cầu của nhân dân Thủ đô.
- Xây dựng môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, tạo tiền đề cho con người phát triển toàn diện; thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh; nâng cao hiệu quả các chính sách xã hội, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách; tăng cường tính cạnh tranh và bình đẳng trong thị trường lao động, hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả việc cải thiện đời sống dân sinh phù hợp với lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Kiểm soát và xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; kiềm chế, giảm mạnh tỷ lệ lây nhiễm HIV, các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích trong cộng đồng; phát huy hiệu quả mạng lưới quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa y tế từ nguồn ngân sách nhà nước, kết hợp với xã hội hóa.
- Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ Thủ đô, từng bước đưa khoa học công nghệ tiếp cận trình độ tiên tiến ở khu vực, phấn đấu trở thành trung tâm hàng đầu của đất nước. Thu hút mọi nguồn lực xã hội, phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức trên địa bàn Thành phố cho phát triển khoa học, công nghệ; tạo sự chuyển biến về chất cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, gắn với xây dựng kinh tế tri thức của Thủ đô.
Để đạt được những mục tiêu đó, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trước mắt, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng văn hoá, xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa Thủ đô giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để có cơ sở lập kế hoạch hàng năm triển khai. Bên cạnh đó, cần hoàn thành việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở, chú trọng hoàn thiện mô hình, nội dung hoạt động, cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động hiệu quả. Tiếp tục xây dựng những công trình văn hóa mới tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô cũng cần được chú trọng, nhất là công tác phục hồi, phát huy có chọn lọc các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu, các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian. Với số lượng các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội hiện nay, rất cần sớm hoàn thành dự án điều tra, thống kê phân loại, đánh giá hệ thống di sản Thủ đô. Từ đó chúng ta mới xây dựng cơ chế tạo nguồn lực phục vụ tôn tạo, tu bổ hệ thống di tích đang xuống cấp; xây dựng và triển khai đề án tổng kiểm kê khoa học văn hóa phi vật thể Hà Nội, đề cử danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Một giải pháp quan trọng nữa mà Thành phố Hà Nội cần thực hiện, đó là tiếp tục tuyên truyền rộng rãi để các cấp, các ngành cũng như toàn nhân dân Thủ đô nhận thức rõ và tích cực tham gia các nội dung Chương trình 04/CTr-TU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 – 2020”. Mỗi cơ quan đơn vị, phường xã trên địa bàn toàn Thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt để nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển văn hóa, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở; tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng những mẫu hình văn hóa đã phát huy tác dụng như “Gia đình văn hóa”; “Làng văn hóa” cho vùng ngoại thành; “Tổ dân phố văn hóa” cho khu vực nội thành, thị trấn; “Đơn vị văn hóa” trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống văn hóa và gia đình Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Có thể nói, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề văn hóa - xã hội trên địa bàn trong những năm tới vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng hàng đầu, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Nam Nguyễn
Nhà xuất bản Hà Nội