Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 17/08/2015 03:56
Thủ đô Hà Nội chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững

Trong vài năm trở lại đây, vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội theo hướng hiệu quả và bền vững luôn được đặt ra trong các chiến lược phát triển kinh tế của Thành phố. Sau một khoảng thời gian khá dài thực hiện mục tiêu và quan điểm phát triển kinh tế toàn diện, một điều không thể phủ nhận được là: Hà Nội đang trở thành một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế nhanh của cả nước.

 
Mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội theo hướng bền vững và có hiệu quả cao, tạo sự lan tỏa tích cực đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thành phố luôn được đặt ra trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong quy hoạch phát triển đến 2020, trong các văn bản kế hoạch 5 năm hay trong các báo cáo chuyên ngành của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội. Điều này khẳng định sự quyết tâm của Đảng bộ và Chính quyền Thành phố trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô trong giai đoạn mới.
 
Theo số liệu thống kê, tăng trưởng GDP của Hà Nội giai đoạn 2006-2010 đạt bình quân 10,73%/năm, trong đó, dịch vụ 10,35%, công nghiệp - xây dựng 12,78%, nông nghiệp 2,62%. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đời sống kinh tế của Thủ đô Hà Nội đã thực sự được khởi sắc, đã và đang cải thiện mạnh mẽ vị thế của mình với tư cách là "điểm đến" của vốn và công nghệ đối với các nhà đầu tư, và "điểm bùng nổ" tăng trưởng.
 
Tuy vậy, trong thời gian gần đây, không ít các nhà kinh tế trong nước và ngoài nước đã đưa ra những cảnh báo không tích cực cho bức tranh tăng trưởng kinh tế tương lai của Hà Nội xuất phát từ những bất cập về mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay. Những bất cập đó bao gồm: (i) Tăng trưởng nhanh nhưng hiệu quả thấp. Quan điểm “tăng trưởng bằng mọi giá” dẫn đến tình trạng đánh đổi cho con số tăng trưởng nhanh là những khoản chi phí kinh tế - xã hội phải bỏ ra quá cao. (ii) Tăng trưởng nhanh nhưng cấu trúc tăng trưởng thiếu bền vững. Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng. (iii) Sự lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến các đối tượng chịu ảnh hưởng không mạnh và khuynh hướng ảnh hưởng tiêu cực có phần gia tăng nhanh và (iv) Mô hình tăng trưởng đã đạt đến “ngưỡng”, dẫn đến khả năng cạnh tranh của Thành phố còn ở mức thấp.
 
Như vậy, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Hà Nội là hết sức cần thiết. Tuy vậy, những nghiên cứu khoa học mang tính chất đánh giá, nhìn lại thực trạng mô hình tăng trưởng kinh tế của Hà Nội thời gian qua, những biểu hiện không tích cực của mô hình này và ảnh hưởng của nó đến phát triển kinh tế - xã hội thủ đô chưa nhiều, hay những nghiên cứu với vai trò cung cấp luận cứ khoa học hoặc đề xuất định hướng, nội dung cũng như giải pháp về tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng lại càng hiếm hoi.
 
Nhằm khắc phục những bất cập của mô hình tăng trưởng hiện tại, tăng trưởng kinh tế Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 cần chú ý các yêu cầu sau:
 
- Tăng trưởng nhanh nhưng phải đảm bảo đạt hiệu quả tăng trưởng cao. Hiệu quả sử dụng các yếu tố nguồn lực như vốn, lao động, tài nguyên thông qua các chỉ số năng suất lao động, suất đầu tư tăng trưởng, hay tỷ lệ hao phí năng lượng phải được cải thiện.
 
- Tăng trưởng nhanh đi đôi với đảm bảo cấu trúc tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội phải chuyển dần sang sử dụng các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng.
 
- Tăng cường sức lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến các đối tượng chịu ảnh hưởng, hạn chế khuynh hướng ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tượng liên quan, tăng trưởng hướng tới giảm nghèo và giảm bất bình đẳng.
 
- Tăng trưởng kinh tế phải dẫn đến nâng cao khả năng cạnh tranh của Thành phố.
 
Bởi vậy, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành theo Quyết định số 222/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/2/2012) đã xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn đến năm 2030 của Thủ đô là: “Đến năm 2030, Hà Nội là Thủ đô - đầu não chính trị - hành chính quốc gia; giàu, đẹp, xanh, văn minh, văn hiến, thanh lịch, hiện đại, dân tộc, tiêu biểu cho cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch, thể thao và giao dịch quốc tế của cả nước; đi đầu trong nhiều lĩnh vực - là đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước; người dân có điều kiện sống tốt (thu nhập cao hơn mức trung bình của cả nước, được hưởng các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống tốt, môi trường làm việc và đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện, an toàn)”.
 
Xuất phát từ Chiến lược và mục tiêu tổng quát trên, có thể thấy rằng, việc xác định mô hình tăng trưởng cho Thủ đô Hà Nội giai đoạn đến năm 2020, trong đó tăng trưởng kinh tế Thủ đô thời gian tới phải đáp ứng các yêu cầu: (1) Tăng trưởng nhanh nhưng phải đảm bảo đạt hiệu quả tăng trưởng cao; (2) Tăng trưởng nhanh đi đôi với đảm bảo cấu trúc tăng trưởng bền vững; (3) Tăng cường sức lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến các đối tượng chịu ảnh hưởng, hạn chế khuynh hướng ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tượng liên quan, tăng trưởng hướng tới giảm nghèo và giảm bất bình đẳng và (4) Tăng trưởng kinh tế phải dẫn đến nâng cao khả năng cạnh tranh của Thành phố.
 
Là thủ đô của một quốc gia, trong những năm qua Hà Nội đã khẳng định vị thế là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục có uy tín trong khu vực, trung tâm kinh tế - tài chính lớn, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế quốc gia, động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.
 
Thống nhất trong chỉ đạo và hành động, từ Trung ương đến cơ sở, quan điểm phát triển ưu tiên số một của Thủ đô Hà Nội hiện nay là phát triển nhanh, hài hòa, bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển Hà Nội; đặt con người vào vị trí trung tâm phát triển; kết hợp hài hòa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo trật tự, văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, với thành công trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế, Hà Nội sẽ bước tiếp những bước đi nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, xứng tầm là một Thủ đô chính trị - kinh tế - văn hóa của quốc gia.
 
 
Nguyễn Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)