Tái cấu trúc đầu tư công – Một giải pháp hướng đến tăng trưởng bền vững của thủ đô Hà Nội
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (10/2011) đã chỉ ra, trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và một trong ba trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế chính là tái cấu trúc đầu tư công. Thủ đô Hà Nội cũng không là một ngoại lệ, bởi trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hà Nội còn nhiều hạn chế lớn trong đầu tư công. Với quy mô dân số và diện tích lớn thứ hai cả nước, Hà Nội là địa phương có nhu cầu và khả năng đầu tư công hàng năm rất lớn. Với mức vốn đầu tư này, nếu sử dụng hợp lý, hiệu quả sẽ tạo đà tăng trưởng cao, bền vững và thậm chí có bước đột phá quan trọng. Ngược lại, nếu không khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát thì khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến 2020 đã được phê duyệt của Thành phố Hà Nội.
Có thể khái quát tình hình đầu tư công của Thành phố Hà Nội thời gian qua, trong đó có đánh giá sự phù hợp của cấu trúc đầu tư công, trọng tâm là đầu tư cho xây dựng cơ bản bằng ngân sách địa phương của Thành phố ở một số điểm cơ bản như: (1) Quy mô đầu tư công của Hà Nội thời gian qua có giảm tương đối nhưng không ổn định và mang tính tự phát nhiều hơn. (2) Nguồn tài trợ đầu tư công có xu hướng không bền vững khi tỷ trọng vốn vay nợ từ các nguồn khác (không phải tín dụng ưu đãi của Nhà nước) đã gia tăng mạnh mẽ trong khi vốn huy động từ các nguồn khác sụt giảm. (3) Cơ cấu đầu tư cho xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách địa phương đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý…
Từ nghiên cứu thực tiễn của Hà Nội, chúng ta thấy rằng nhu cầu tái cấu trúc đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản là rất cần thiết trong đó phải đặt hiệu quả đầu tư là mục tiêu hàng đầu, góp phần đảm bảo tăng trưởng cao, bền vững và hoàn thành các mục tiêu đặt ra cho Thủ đô trong thời gian tới. Các quan điểm chỉ đạo về quá trình tái cấu trúc đầu tư công của Thành phố cần chú ý đó là:
- Quan điểm 1: Cần xác định rõ vai trò của Nhà nước trong quản lý đầu tư phát triển, theo đó nhà nước cần thực hiện tốt vai trò là “cung cấp” chứ không phải là vai trò “nhà đầu tư”, đồng thời tăng cường vai trò “nhà nước phúc lợi”.
- Quan điểm 2: Quán triệt quan điểm hiệu quả là mục tiêu hàng đầu trong tái cấu trúc đầu tư công
- Quan điểm 3: Tái cấu trúc đầu tư công phải đảm bảo tương thích với mô hình tăng trưởng mới, phục vụ tăng trưởng cao và bền vững ở Hà Nội.
- Quan điểm 4: Gắn chặt trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đã được giao nhiệm vụ với kết quả và hiệu quả của đầu tư công.
- Quan điểm 5: Đảm bảo công khai – minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động đầu tư công, đồng thời đảm bảo sự tham gia của các tổ chức độc lập trong đánh giá hiệu quả đầu tư công.
Chúng ta cần thống nhất quan điểm nguồn gốc sâu xa của đầu tư công chính là hoạt động đầu tư nhằm thể hiện vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế của một qưuốc gia. Quy mô và lĩnh vực đầu tư công hợp lý thể hiện ở kết quả cuối cùng là Nhà nước hoàn thành đúng và tốt nhất vai trò của mình trong nền kinh tế. Do vậy, việc xác định chính xác vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế có ý nghĩa nền tảng để tiến hành bất cứ hoạt động tái cấu trúc đầu tư công nào.
Với trình độ phát triển kinh tế của Hà Nội hiện nay, chính quyền thành phố cần thực hiện tốt vai trò “nhà nước quản lý”, giảm vai trò “nhà nước kinh doanh”, đồng thời tăng cường vai trò “nhà nước phúc lợi”. Theo đó, thời gian tới cần chuyển dịch cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế và tăng tỷ trọng đầu tư vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phát triển con người và quản lý công. Trong đầu tư công cho mỗi ngành lĩnh vực, đảm bảo sự hài hòa giữa đầu tư cho cả kết cấu hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để tối đa hóa hiệu quả đầu tư.
Trong đầu tư các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phát triển con người và quản lý công, tập trung đầu tư: phát triển nhân lực cho khu vực công và xây dựng và thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách; phát triển giáo dục; phát triển y tế; đầu tư cho khoa học công nghệ…
Có thể nhận định rằng, điều kiện tiên quyết thực hiện thành công tái cấu trúc đầu tư công Thành phố Hà Nội phục vụ tăng trưởng cao, bền vững trong giai đoạn hiện nay là nhân tố Con người. Khác với những quá trình đổi mới khác, tái cấu trúc đầu tư công không thể thành công nếu chỉ triển khai từ dưới lên. Thành công của tái cấu trúc đầu tư công đòi hỏi phải có cam kết chính trị mạnh mẽ, thể hiện ở các cam kết công khai của Chính quyền Thành phố và sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành và các phương tiện truyền thông. Đồng thời, bên cạnh việc xác định trách nhiệm cá nhân, cần phải có cơ chế trao quyền tương ứng, trong đó quyền quan trọng hàng đầu là quyền sử dụng nhân lực theo hiệu quả công việc. Nếu không đảm bảo được hai nhân tố này, quá trình tái cấu trúc đầu tư công khó có thể thành công như mong muốn.
Với vị trí là một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của cả nước, Thành phố Hà Nội có trọng trách nặng nề trong việc thực hiện thành công quá trình tái cấu trúc đầu tư công. Bởi thành công này sẽ tạo thế và lực mới cho Thủ đô hướng đến mô hình đô thị hiện đại với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, sẵn sàng thích ứng và hội nhập kinh tế toàn cầu trong giai đoạn mới.
Nguyễn Nam
Nhà xuất bản Hà Nội