Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 17/08/2015 04:03
Tham gia cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là góp phần để Hiến pháp đi vào cuộc sống

Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước. Truyền thống lao động, cần cù sáng tạo, đấu tranh anh dũng đã xây dựng nên tinh thần đoàn kết, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam.

 
Trải qua những thăng trầm của lịch sử với bao phen bị ngoại xâm, đế quốc xâm lược, dân tộc Việt Nam vẫn kiên cường đấu tranh, giữ gìn độc lập, tự do cho dân tộc. Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành các cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc của nhân dân. Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngay sau khi mới ra đời, nước ta đã ở trong một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vận mệnh của Tổ quốc, nền độc lập của dân tộc vừa mới giành được đang đứng trước nguy cơ mất còn. Vì vậy, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Sau 10 tháng chuẩn bị tích cực, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 09/11/1946, Quốc hội Khóa I (kỳ họp thứ 2) chính thức thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (với 240/242 phiếu tán thành), đó là Hiến pháp năm 1946. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Trải qua những bước đi của lịch sử, nước ta đã có 4 bản Hiến pháp, khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, các bản Hiến pháp có những sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn lịch sử. Trên cơ sở 4 bản hiến pháp trước đó (1946, 1959, 1980, 1992), Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Công cuộc lấy ý kiến nhân dân đã thu được nhiều ý kiến đóng góp có giá trị và ý nghĩa. Trên cơ sở đó, ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992). 
 
Hiến pháp năm 2013 là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
 
Để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, là ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ riêng Nhà nước mà bản thân mỗi người dân đất nước Việt Nam phải nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của Hiến pháp. Chủ động học tập, tìm tòi, nghiên cứu những nội dung của Hiến pháp, những điều sửa đổi, bổ sung, những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đó. Phải hiểu đúng, hiểu rõ các nội dung trong Hiến pháp thì việc thi hành mới thiết thực, chính xác và hiệu quả, bởi lẽ, Hiến pháp thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, quy định quyền và nghĩa vụ của mọi người dân. Do đó học tập nghiên cứu Hiến Pháp một cách sâu sắc, cụ thể chính là yếu tố quan trọng đầu tiên để việc thực thi Hiến pháp đạt hiệu quả. Mỗi người dân Việt Nam hãy sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đó chính là việc làm tốt nhất để bảo vệ và thực thi Hiến pháp.
 
Mặt khác, mỗi người dân cần phải tham gia, quản lý, giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nhươc thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước. Tham gia thực hiện quyền bầu cử, ứng cử theo quy định, sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào bộ máy nhà nước. Sẵn sàng tham gia góp ý kiến vào các văn bản pháp luật và các vấn đền khi được Nhà nước tổ chức lấy ý kiến; thẳng thắn góp ý phê bình và tự phê bình đối với những công việc ngay trên địa bàn nơi mình cư trú; kết hợp với việc tuyên truyền, vận động, phổ biến cho người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm về nội dung của Hiến pháp, về thi hành và bảo vệ Hiến pháp… Đó chính là một phương cách để Hiến pháp thực sự đến với quần chúng nhân dân. Đồng thời, mỗi người dân hãy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của mình, góp sức mình vào các công việc chung của cộng đồng, của địa phương nơi mình công tác và nơi cư trú. Đó chính là góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
 
Có thể nói sâu xa, nói dài nhưng tôi nghĩ rằng, Hiến pháp có thực sự đến với nhân dân hay không, có được thực thi hiệu quả hay không cần sự nỗ lực, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mà ở đó mỗi cá nhân là một chủ thể cấu thành nên sự thành công đó. Thật sự mà nói, bản thân tôi, hàng ngày nghe loa của phường tuyên truyền phổ biến về Hiến pháp cũng “câu được câu không”, “được chăng hay chớ” nhưng thật sự hiểu hết và sâu sắc chưa thì phải nói là chưa. Bởi vậy, bản thân tôi cũng cố gắng tìm hiểu trên mạng, đọc tài liệu để tự mình nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tham gia viết bài dự thi Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tổ chức là một cách nâng cao nhận thức và hiểu biết về Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước để bản thân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
 
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay, nước ta đang đứng trước những cơ hội lớn để hội nhập, phát triển, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên thách thức, đặt ra cho chúng ta là không nhỏ về việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế toàn diện, bền vững, về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự lai căng về văn hóa… Vì vậy, bản thân mỗi người dân Việt Nam trước hết hãy tự nâng cao nhận thức chính trị của mình về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, về xây dựng và phát triển đất nước toàn diện và bền vững. Trên cơ sở đó hãy cùng nhau hành động, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu!
 
 
Anh Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)