Cơ cấu tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân Thủ đô - Hình thành và phát triển
Sau chín năm tiến hành kháng chiến giành độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta đã giành thắng lợi cuối cùng với chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, đáp ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội, Công an Thủ đô đã xây dựng, triển khai kế hoạch tiếp quản Thủ đô. Tham gia tiếp quản vùng mới giải phóng, Công an Hà Nội đã giữ vững trật tự trị an, góp phần bảo vệ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế cải tạo xã hội chủ nghĩa, đồng thời tăng cường lực lượng đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, tích cực xây dựng lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, lực lượng công an Hà Nội đã tập trung đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm khác, bảo vệ an ninh, trật tự, tăng cường củng cố tổ chức, góp phần xây dựng lực lượng Công an Thủ đô phục vụ công cuộc bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhằm tăng cường công tác xây dựng lực lượng công an trong tình hình mới, Sở Công an Hà Nội chỉ đạo tập trung củng cố và tăng cường Công an huyện; phối hợp với tổ chức Chính quyền tiến hành phân chia các tiểu khu và bố trí cảnh sát khu vực tham gia Ban đại diện hành chính tiểu khu; củng cố lực lượng cảnh sát khu vực, mỗi cảnh sát khu vực phụ trách từ 200 -250 hộ gia đình và từ 2.000 đến 2.500 nhân khẩu; hướng dẫn công an khu phố và công an huyện tham gia công tác lập hồ sơ và xét duyệt 8.212 người trúng tuyển nghĩa vụ quân sự để chi viện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam. Đầu năm 1975, phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Sở Công an Hà Nội đã điều động 815 cán bộ lên đường chi viện chiến trường B (trong đó có 59 đồng chí đã anh dũng hy sinh).
Đất nước vừa hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì xảy ra 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đồng thời phải đối phó với “kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt” do các thế lực đế quốc và bọn phản động gây ra. Trong bối cảnh đó, năm 1979, Hà Nội đã có sự thay đổi địa giới hành chính (các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây chuyển từ tỉnh Hà Sơn Bình nhập về Hà Nội). Công tác tổ chức có nhiều xáo trộn, cần củng cố, điều chỉnh cho phù hợp. Sở Công an Thành phố Hà Nội tập trung kiện toàn bộ máy; thành lập nhiều phòng ban phù hợp với tình hình thực tế như: phòng Công tác người Hoa, đồn công an tiểu khu thí điểm,tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ cơ động, …
Từ năm 1986, đáp ứng yêu cầu chuyển biến tình hình nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, Công an Thành phố Hà Nội đã đổi mới tư duy về tổ chức cán bộ, phong cách làm việc; rà soát lại tổ chức, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, từng người; rà soát phân loại cán bộ, chiến sĩ để điều chỉnh bố trí lại lực lượng, giảm mạnh những người làm công tác hành chính, gián tiếp và phục vụ, tăng cường mạnh cán bộ cho cơ sở và các đơn vị trực tiếp chiến đấu.
Trải qua gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, công tác tổ chức cán bộ của Công an Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và rõ nét, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô qua từng thời kỳ và đặc biệt giai đoạn từ năm 2006 đến nay, Công an Thành phố Hà Nội có một số biến động thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức bộ máy, đó là:
Năm 2008, thành lập Công an Thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Công an Thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Hà Tây và Công an huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Thành công lớn nhất của công tác tổ chức cán bộ trong quá trình hợp nhất là việc sắp xếp bộ máy hợp lý, hiệu quả, giữ vững đoàn kết nội bộ.
Năm 2011, triển khai thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mà lực lượng biên chế nòng cốt được điều chuyển từ Công an Thành phố. Năm 2014 thành lập 02 quận mới trên cơ sở tách huyện Từ Liêm. Tính đến tháng 8 năm 2014 Công an Thành phố Hà Nội có 77 đầu mối, 614 đơn vị cấp đội, 177 phường, 16 thị trấn, 34 đồn và 2 trạm Cảnh sát.
Có thể nói, bề dày công tác tổ chức cán bộ của Công an Thành phố Hà Nội được hình thành xây dựng và phát triển qua hai cuộc kháng chiến và qua gần 30 năm đổi mới đã tạo dựng một lực lượng công an Thủ đô trong sạch, vững mạnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô trong mọi tình huống.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội