Nét thanh lịch trong văn hoá giao tiếp của người Hà Nội
Truyền thống thanh lịch, văn minh trong giao tiếp ứng xử đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu của người Hà Nội từ xưa đến nay. Nhìn lại những đặc trưng cơ bản trong văn hóa giao tiếp của người Hà Nội sẽ thấy rõ hơn điều này, đó là các đặc trưng về thái độ giao tiếp, về ngôn ngữ giao tiếp, về cung cách hành vi giao tiếp và về trang phục văn hoá trong giao tiếp.
Thứ nhất, người Hà Nội luôn mang một thái độ giao tiếp có văn hóa. Là một bộ phận cấu thành, là nơi hội tụ của những tinh hoa văn hoá của cả dân tộc, văn hoá Hà Nội nói chung và văn hoá giao tiếp của người Hà Nội nói riêng cũng phản ánh đầy đủ những giá trị văn hoá trong giao tiếp, ứng xử của người Việt Nam. Bên cạnh thái độ thân thiện và cởi mở, người Hà Nội, theo nhận xét của nhiều học giả và nhiều nhà nghiên cứu, cũng luôn thể hiện thái độ tự trọng và tôn trọng người khác; thái độ trung thực, thẳng thắn; lòng nhân ái, bao dung…
Tuy nhiên, trong văn hoá giao tiếp của người Hà Nội, những thái độ này được thể hiện một cách độc đáo, với những sắc thái riêng biệt và thường được biết đến với một tên gọi chung là “thanh lịch”. Nét thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện hết sức đa dạng trong lối sống, trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong văn hoá ẩm thực và kiến trúc… Trong phạm vi giao tiếp, nét thanh lịch của người Hà Nội được biểu hiện ở sự thanh thoát, thanh tao, thanh nhã trong “lời ăn tiếng nói” (ngôn ngữ giao tiếp); ở sự lịch lãm, lịch thiệp và lịch sự trong cử chỉ, điệu bộ, trang phục và phong cách giao tiếp.
Thứ hai, người Hà Nội luôn sử dụng ngôn ngữ giao tiếp có văn hoá. Ngôn ngữ, mà cụ thể là lời nói, giữ một vai trò hết sức quan trọng trong văn hoá giao tiếp của người Việt Nam. Trong ngôn ngữ giao tiếp, tính có văn hoá được thể hiện rõ nét ở cách xưng hô, chào hỏi và cách nói, cách biểu đạt ngôn từ. Cách xưng hô, chào hỏi và cách dụng ngôn trong giao tiếp của người Hà Nội, theo phân tích của các nhà nghiên cứu, luôn toát lên một vẻ thanh nhã, thanh tao, một sự nền nã, tự trọng và tôn trọng, cách dụng ngôn tinh tế, khoáng đạt, chuẩn mực và mẫu mực; hàm ngôn phong phú, thanh thoát và giàu hình ảnh; cách phát âm chuẩn mực, rõ ràng, với ngữ điệu nhẹ nhàng, nền nã, linh hoạt và uyển chuyển..
Thứ ba, người Hà Nội luôn chú ý cung cách hành vi, điệu bộ và cử chỉ có văn hoá trong giao tiếp. Nhận xét về cung cách hành vi, cử chỉ trong giao tiếp của người Hà Nội, GS.TSKH. Vũ Hy Chương khẳng định: “Tiếp xúc với người Hà Nội… không ai là không nhận thấy sự lịch thiệp và tế nhị ở họ… Từ cử chỉ đến lời chào, cách tiếp chuyện, vẫn có tình cảm chân thật, cởi mở, gần gũi, nhưng có vẻ hơi cao sang khiến người ta có phần vì nể”. Tính có văn hoá trong cung cách hành vi và cử chỉ giao tiếp của người Hà Nội đặc trưng bởi tính thân mật, gần gũi mà không suồng sã, xô bồ; tính giản dị, chân phương song không đơn giản, thô kệch; tính lễ độ, phép tắc mà không khúm núm, bợ đỡ; tính đàng hoàng, lịch thiệp mà không khách sáo; tính chắt lọc, tinh tế mà không diệu vợi rườm rà.
Thứ tư là, người Hà Nội luôn coi trọng trang phục có văn hoá trong giao tiếp. Có thể nói, trang phục là một khía cạnh biểu hiện quan trọng của tính có văn hoá trong giao tiếp của người Hà Nội. Về trang phục khi giao tiếp của người Hà Nội, theo nhận xét của PGS.TS. Võ Quang Trọng, người Hà Nội rất khéo ăn mặc, những gam màu trang nhã được ưa chuộng, cách trang phục luôn thể hiện sự gọn gàng, kín đáo, song không kém phần duyên dáng, lịch lãm, chúng gợi lên một vẻ đẹp sâu lắng và rất độc đáo. Không chỉ có vậy, người Hà Nội còn rất lưu tâm đến vị thế xã hội và nghề nghiệp của bản thân trong cách ăn vận trang phục. Sự giản dị mà không luộm thuộm; gọn gàng, tề chỉnh mà thoải mái, dễ chịu; trang nhã, đường nét, kiểu cách mà không khoe khoang, phơi bày; sự nền nã, êm dịu, không màu mè, loè loẹt; và sự phù hợp với tính quy cách của tình huống giao tiếp chính là những đặc trưng cơ bản của tính có văn hoá trong trang phục giao tiếp của người Hà Nội.
Cùng với những thăng trầm của lịch sử Thủ đô ngàn năm tuổi, bản sắc thanh lịch, văn minh của người Hà Nội ngày hôm nay đã mang trong mình nhiều đặc trưng mới, thể hiện xu hướng chung của thời đại bùng nổ thông tin và giao lưu hội nhập quốc tế. Bởi vậy, để bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống trong giao tiếp ứng xử, người Hà Nội rất cần “gạn đục, khơi trong”, chắt lọc tinh hoa của bốn phương tụ hội để tạo nên nét thanh lịch riêng có của mình, xứng đáng với mảnh đất địa linh, trái tim của cả nước.
Gia Nguyễn
Nhà xuất bản Hà Nội