Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 21/08/2015 10:09
Mạng lưới chợ - nét đặc thù trong thương nghiệp dân gian Thăng Long - Kẻ Chợ

Mạng lưới chợ Thăng Long - Hà Nội với nét đặc thù trong thương nghiệp dân gian Thăng Long - Kẻ Chợ phản ánh sự đối thoại kinh tế thường trực giữa thành thị và nông thôn, là khâu lưu thông phân phối của một cơ chế vi thị trường. Nó đã nuôi dưỡng và đem lại sức sống cho đô thành nhưng chỉ tồn tại trong khuôn khổ một nền kinh tế mưu sinh, vừa đủ để tồn tại và không tạo được bước đột phá cho kết cấu kinh tế - xã hội đô thị của Thăng Long - Hà Nội truyền thống.

 
Là công trình nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội truyền thống trong một thời đoạn lịch sử mang nhiều ý nghĩa, trong đó nền kinh tế hàng hoá và cộng đồng cư dân đô thị đạt tới sự phồn thịnh nhất, cuốn sách “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” của PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã tái hiện chân thực, sinh động diện mạo Thăng Long với đời sống văn hóa và vật chất phong phú, những mối giao lưu với khu vực quốc tế… và cả những trang viết khảo cứu kỹ lưỡng, sâu sắc về thương nghiệp dân gian trong mạng lưới chợ đô thành của đất Kinh kỳ Kẻ Chợ suốt ba thế kỷ. Từ đó người đọc nhận ra rằng: “Trong lịch sử, nếu như Thăng Long đã sinh ra từ phần thành thì nó sống được chính là nhờ ở phần thị. Những hoạt động kinh tế công thương nghiệp dân gian đã nuôi sống khu vực thị của Thăng Long - Hà Nội, cũng chính là đã nuôi sống cho cả toàn bộ đô thành” (PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ).
 
Mạng lưới chợ ở Thăng Long đã xuất hiện từ rất sớm. Năm 1035 vua Lý mở chợ Tây Nhai với hành lang dài (nay có thể vào quãng chợ Ngọc Hà). Thời Trần, trong An Nam tức sự, sứ giả Trần Cương Trung đã nói đến một mạng lưới chợ họp định kỳ với hàng hóa phong phú và có lều quán. Thời Lê, nhà nước chính thức ban hành “Thể lệ về chợ” quy định chợ họp luân phiên theo chu kỳ. Thời Mạc, theo văn bia ghi lại, đã có nhiều chợ ở ven đô thành. Thế kỷ XVII, XVIII, kinh tế hàng hóa phát triển, mạng lưới chợ ở Thăng Long càng trở nên nhộn nhịp. Địa điểm họp chợ, cũng như ở các địa phương khác, ở Kẻ Chợ thường được lập nên ở những nơi công cộng, thuận tiện cho giao thông, trao đổi buôn bán. Nhìn chung chợ thường họp ở các cửa ô, cửa thành và bờ sông, bờ kênh. Một số chợ lớn, buôn bán sầm uất có tiếng của Thăng Long - Hà Nội xưa là Cửa Đông, Cửa Nam… Ngoài các chợ lớn còn có lượng lớn chợ lưu động, không tên ở khắp các hàng phố, ngã ba, ngã tư.
 
Thời gian họp chợ ở Thăng Long - Hà Nội theo chu kỳ. Thể lệ họp chợ được ghi trong Hồng Đức thiện chính thư đã nêu nguyên tắc định kỳ luân phiên nhưng không ghi rõ thời gian cách nhau cụ thể. Đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết các tác giả người Pháp sống ở Hà Nội đều cho rằng chợ Hà Nội cứ “5 hoặc 6 ngày là một phiên” và chợ thường họp từ “7 giờ sáng kéo dài đến 2 giờ chiều” (Hocquard. 173), thậm chí có chợ họp từ “7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều” (Bourde. 173).
 
Về các mặt hàng buôn bán, là một đô thành lớn vào bậc nhất của cả nước nên chợ Thăng Long - Hà Nội có số lượng và chủng loại hàng hóa rất lớn và phong phú. Hầu hết các mặt hàng đều được bày bán ở đây. Và do vị trí thuận lợi, đầu mối của các trục giao thông thủy bộ, lại có mật độ dân cư đông đúc cũng như sự có mặt của một số bộ máy hành chính, quân sự nên một khối lượng khổng lồ các hàng nông sản từ khắp các địa phương lân cận được đổ về Hà Nội để rồi bán buôn cho các thương nhân và bán lẻ trực tiếp cho người tiêu thụ. Gạo là mặt hàng thiết yếu số một được đem từ các nơi về bán ở các chợ của Thăng Long - Hà Nội. Sau gạo, món hàng phổ biến thứ hai là cá (ngoài cá tươi còn có cá mắm, cá khô, nước mắm), thịt (thịt lợn, thịt trâu, bò). Ngoài ra chợ đất Kẻ Chợ còn bán vô vàn các thứ rau quả từ các làng chuyên canh đặc sản ven đô mang về như chuối, mật mía, cam, dứa, chanh… Hàng thủ công nghiệp cũng được bày bán với số lượng nhiều, chủng loại phong phú tại các chợ của Thăng Long - Hà Nội, từ cày cuốc, nồi niêu, bát đĩa đến vải vóc, thuốc men… đều có đủ.
 
Trong phương thức mua bán, là một bộ phận của xã hội Việt Nam nên việc giao thương, mua bán ở Thăng Long - Kẻ Chợ cũng mang đặc điểm không chỉ là nơi tiếp xúc và trao đổi giữa các tầng lớp người trong phạm vi nội bộ đô thị mà còn là và chủ yếu là một trung tâm trao đổi, tiếp xúc giữa Kẻ Chợ với các vùng nông thôn phụ cận. Người ta trao đổi buôn bán bằng các loại tiền kim loại do nhà nước đúc, với các món hàng đắt tiền thì thường dùng bạc nén để trao đổi cho thuận lợi hơn. Người đi chợ mua bán chủ yếu là phụ nữ, hình thức mua bán là trả bằng tiền mặt tại chỗ, trực tiếp. Hình thức mua bán gọn nhẹ như vậy không để hàng hóa tồn đọng một mặt đã tạo cho đô thị cơ chế tích tiêu hàng hóa nhanh chóng và có hiệu lực, nhưng mặt khác, nó hạn chế sự tích tụ hàng hóa và vốn tiền bạc, hạn chế sự tập trung trao đổi và lưu thông phân phối, không cho phép phát triển những dịch vụ buôn bán lớn, giới hạn trong khôn khổ ở hình thức buôn bán nhỏ, bán lẻ trong một quy trình trung chuyển hàng hóa giản đơn hàng - tiền - hàng.
 
Mạng lưới chợ Thăng Long - Hà Nội phản ánh sự đối thoại kinh tế thường trực giữa thành thị và nông thôn, là khâu lưu thông phân phối của một cơ chế vi thị trường. Nó đã nuôi dưỡng và đem lại sức sống cho đô thành nhưng chỉ tồn tại trong khuôn khổ một nền kinh tế mưu sinh, vừa đủ để tồn tại và không tạo được bước đột phá cho kết cấu kinh tế - xã hội đô thị của Thăng Long - Hà Nội truyền thống.
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)