Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 27/08/2015 04:15
Vài nét khái quát về hình thức thờ cúng của Đạo giáo ở Hà Nội

Đạo giáo ở Hà Nội dường như không tồn tại với tư cách một tôn giáo riêng biệt nhưng đối với đời sống xã hội và tín ngưỡng của nhân dân ta nói chung, người Hà Nội nói riêng thì nó vẫn có vị trí khá đặc biệt. Đạo giáo ở Việt Nam cũng như ở Thăng Long – Hà Nội phổ biến với hai hình thức: Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thuỷ. Vì thế việc sử dụng các hình thức như bùa phép, thờ đồng cốt hay các thánh nhân, các vị thần tiên… là rất quen thuộc.

 
Hình thức bùa phép của Đạo giáo, cũng giống như các hình thức bùa chú của shaman giáo vốn có khả năng thu hút quần chúng mà các vị đạo sĩ rất có ý thức sử dụng cũng còn ý nghĩa khác. Quan niệm quen thuộc khác của Đạo giáo là tính thống nhất giữa con người với vũ trụ, con người có thể liên thông và chịu những tác động của vũ trụ, tạo cho con người khả năng phi thường, đặc biệt khả năng chữa bệnh của bùa phép. Thậm chí những quyền lực siêu nhiên còn lôi cuốn quần chúng trong những hành động xã hội như tham gia các cuộc khởi nghĩa vũ trang khi người cầm đầu lại kiêm một “pháp sư”…
 
Sinh hoạt Đạo giáo của người dân Thăng Long – Hà Nội, nói đúng hơn là cả khu vực đồng bằng Bắc bộ vốn có nhiều sự tích, địa điểm, hình thức thờ cúng vô vùng phong phú từ các tục thờ thần núi, thần sông, tục thờ các anh hùng, kể cả các anh hùng văn hoá được kết tụ lại trong nhiều “không gian thiêng” cụ thể.
 
Một nét nổi bật trong các hình thức tín ngưỡng tôn giáo liên quan đến Đạo giáo như thế ở khu vực Thăng Long – Hà Nội là sự phong phú của Đạo Mẫu, tiêu biểu là lên đồng - hầu bóng. Có thể Thăng Long không phải là nơi phát tích ra hình thức này nhưng sinh hoạt hầu đồng ở Thăng Long – Hà Nội từ xưa đến nay có những nét độc đáo riêng. Dù là đất Kinh kỳ nhưng Thăng Long – Hà Nội vẫn là một trong những trung tâm tiêu biểu nhất của đồng bằng Bắc bộ về sinh hoạt lễ hội, kể cả lễ hội tín ngưỡng tôn giáo. Như Lê Trung Vũ đã viết khi nhận xét về khung cảnh và đặc tính sinh hoạt lễ hội ở Thăng Long – Hà Nội trong khung cảnh văn hoá truyền thống đồng bằng Bắc bộ trong cuốn Lễ hội truyền thống: “Hội làng tái hiện sinh hoạt nông nghiệp” có nói đến đề tài nông nghiệp trong hội làng với tư cách có vị trí cao nhất về số lượng, phong phú nhất và đa dạng nhất về nghi lễ. Việc thờ cúng của Việt Nam chủ yếu dựa trên lòng biết ơn. Ai có công lớn với dân thì có xu hướng tôn làm thần và thờ cúng. Đó là các người có công với nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão…, những người có công dạy dân một nghề làm ăn, có công khai phá đất đai, di dân lập ấp. Rất nhiều người trở thành Thành Hoàng. Trong số này có những người bình thường (ăn mày, hót phân, ăn cắp…) nhưng vì chết vào giờ thiêng nên cũng được tế tự.
 
Với kết cấu ba vòng của Thăng Long – Hà Nội trên cái nền của một không gian thiêng, không gian tâm linh, hệ thống thần linh, đối tượng thờ phụng của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Thăng Long – Hà Nội rất phong phú và tiêu biểu. Tuỳ thuộc vào mỗi vai trò và vị thế của mỗi tôn giáo, nhất là hệ thống Tam giáo và từ thế kỷ XVI là Công giáo phương Tây du nhập vào Thăng Long thì cái nền tín ngưỡng dân gian vẫn bền chắc và có ý nghĩa quyết định với đời sống tâm linh của cả cộng đồng.
 
Trong cuốn Văn hoá tâm linh Thăng Long – Hà Nội của NXB Lao động năm 2009 do Văn Quảng biên soạn, có nhận xét rằng: “Dưới con mắt người Hà Nội, không có sự phân biệt thứ bậc, chủng loại, mà mọi thần linh đều linh thiêng, đều có phẩm chất, là lực lượng có quyền năng vô lượng khiến mọi người phải nể sợ và sùng kính. Họ đến với thần để cầu mong được người an, vật thịnh, sau đó, dù lời cầu khẩn có thấu tới các thần linh hay không và họ có nhận được hay không ơn mưa móc của các vị thần thì họ vẫn có một thái độ rất văn hoá và trần tục là đều có những việc làm để trả ơn thần linh”, do vậy có thể thấy, về phương diện sinh hoạt tôn giáo, Đạo giáo vẫn có vị trí khá đặc biệt với người Thăng Long – Hà Nội.
 
Bùa phép là yếu tố có sức hút mạnh mẽ đối với quần chúng. Nó tồn tại trong rất nhiều tôn giáo. Đặc biệt Đạo giáo rất chú ý đến nó, theo Đạo giáo, các vị thần vừa tồn tại trong vũ trụ, vừa tồn tại trong con người. Vì thế, dựa trên tính thống nhất này có thể dùng cử chỉ, bùa phép chữa bệnh, tác động với vũ trụ. Vì phù phép cấp cho người ta một quyền lực to lớn nên quần chúng tin theo và có trường hợp một pháp sư lôi cuốn quần chúng khởi nghĩa. Năm 1397, Nguyễn Bổ hiệu là Đường Long Tử Y đã lôi cuốn quần chúng ở Bắc Giang. Năm 1403 Trần Đức Huy lôi cuốn quần chúng chống nhà Hồ. Khi một trào lưu tư tưởng từ ngoài nhập vào một nền văn hoá có bản sắc mạnh mẽ thế nào nó cũng chịu một độ khúc xạ nhất định. Độ khúc xạ này biểu hiện theo hai hình thức. Hoặc là hiện tượng gốc mang những nét mới của bản sắc văn hoá, hoặc là một hiện tượng của bản sắc văn hoá khoác cái vẻ mới từ ngoài đến. Những cuộc nổi dậy do sức mạnh của bùa chú của Mạc Đình Thúc, Kỳ Đồng ở Bắc, Của Phan Xích Long ở Nam, đều mang tính chất này nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với các phong trào nổi dậy ở Trung Quốc. Phải đến sau năm 1945, vai trò của bùa phép mới thành quan trọng trong các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo.
 
Một nét văn hoá tiêu biểu của văn hoá Việt Nam là tinh thần hy sinh cho cộng đồng, phục vụ, có công lao với cộng đồng. Sự thờ cúng ở Việt Nam là gắn bó với lòng biết ơn. Lòng biết ơn này mang nhiều vẻ, hoặc là ngường ấy có công với nước, với làng, hoặc người ấy cấp cho dân làng một cái nghề, hoặc người ấy che chở cho dân khỏi một tai hoạ, bệnh tật, hoặc người ấy tuy là người nước khác nhưng là một tấm gương về nhân cách, đạo đức.
 

Đỗ Hưng

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)