Vài nét về sinh hoạt tín ngưỡng và những biến chuyển của loại hình văn hoá tâm linh này ở Thăng Long - Kẻ Chợ
Với cấu trúc phong thuỷ của nội thành bằng trục sông Hồng, sông Tô, Kim Ngưu uốn khúc, nối liền hồ Gươm và hồ Bảy Mẫu thể hiện sắc thái riêng biệt của không gian sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của Thăng Long. Chúng ta thấy điều này đã được các nhà nghiên cứu đánh giá và nhận xét trong cuốn Hà Nội nghìn xưa (của Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, NXB Hà Nội, 1988, tr.142): “Năm nhịp cầu bắc ngang sông Tô, thắng cảnh Thăng Long: Cầu Đông xây đá (Hàng Đường), cầu gỗ Thái Hoà (mé dưới Nhà máy Bia), cầu Cau (Thuỵ Khuê), cầu Tây Dương (Cầu Giấy), cầu Dừa (Ô Chợ Dừa). Thân cau, thân dừa hoà với gỗ, đá, than, gạch ngói, trong tay người Thăng Long đều là vật liệu xây dựng đẹp bền, nhiều dạng vẻ…, và còn cầu Yên Quyết (cống Cót), cầu Nhân Mục (cống Mọc)… miền ven nội. Một Thăng Long nhiều sông hồ và một Thăng Long tuy đã có đê nhưng vẫn không tránh khỏi lụt. Cho nên đã tạo ra cảnh tượng một Thăng Long nhiều thuyền bè: thuyền vua, thuyền quan, thuyền dân. Kinh thành khi lụt, đường phố phải đi lại bằng thuyền. Một Thăng Long đang xây dựng, cung điện bị sét đánh luôn, chứng cứ khác của việc Thăng Long có nhiều cây cổ thụ tích tụ điện trời. Sử sách phác được thêm một cảnh (đọc, chẳng hạn năm 1119), dưới các gốc đa, gốc đề cổ thụ của kinh thành có nhiều quán hàng bán nước chè tươi. Cộng với Trà Đình của vua bên bờ sông Nhị, quán giải khát kinh thành vẫn đậm hồn quê…”. Qua những nhận xét này, chúng ta như thấy được một Thăng Long đời Lý với khung cảnh thiên nhiên đã hội vào văn hoá, vẻ thô phác, quê mùa nhưng qua thời gian, chúng ta thấy xuất phát từ đó mà đến thời Lê một Đông Kinh văn hiến đã được xây dựng chỉnh tranh hơn nhưng cái không gian tâm linh thì thực rõ đã được định hình từ trước.
Thời Lý - Trần với sinh hoạt văn hoá đã ngày một định hình tạo thêm sức mạnh hữu thức và vô thức của cái không gian tâm linh ấy. Chúng ta thấy, một Thăng Long đời Trần vẫn sùng Phật, tin quỷ thần, ưa bói toán, chuộng phù thuỷ, tuy đã trọng Nho hơn trước. Ở đời Trần, Thăng Long vẫn tiến hành các hội mùa và sinh hoạt văn hoá dân gian như thời Lý qua những gì đã được ghi dấu trong An Nam Tức sự.
Trong ngày rằm và mồng một hàng tháng, nhà nào cũng bày rượu thịt cúng bái. Có lẽ là cúng thổ thần – hay dưới đời Lê còn gọi là cúng “tiên sư” chăng? trước cửa nhà nào cũng đều có một cái đền nhỏ để thờ vị thần mà sứ Nguyên phiên âm là “Mã đại”. Người ta tạc tượng vị thần đó bằng gỗ. Rằm, mồng một, đem tượng gỗ bày ra giữa sân, cả nhà, già trẻ lớn bé sắp hàng lễ lạy.
Ở thời Lý Trần, theo An Nam chí lược, trước tết Nguyên đán hai ngày, vua ngồi xe kiệu, có các quan mặc lễ phục đi trước, đến làm lễ ở đền Đế Thích (tức chùa Vua, nay thuộc phố Hai Bà Trưng đi ra). Đế Thích tức In-đra, vị thần sấm sét trong thần thoại Ấn Độ, sau chuyển hoá thành một thần linh của Phật giáo.
Dựng nêu trừ quỷ, từ 23 đến 30 tháng chạp, tuỳ ngày, tuỳ nơi, tuỳ người, trước đình chùa đền miếu cũng như trước mỗi nhà thường dựng một cây nêu. Nêu thường là cả một cây tre cao, trên buộc một túm lông gà hay lá thiên tuế (vạn tuế), rồi đến một cái tán tròn làm bằng vòng tre hay nứa, dán giấy đỏ, hay đan mắt cáo, hay buộc miếng lụa đào, trên cành toả xung quanh treo lủng lẳng khánh đất nung, đèn xếp, đèn lồng, buộc những bó vàng tiền giấy…
Hoặc lấy cành đa, lá dứa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc rắc vôi bột thành hình cung tên ngoài sân ngõ… Sách giải thích hữu thức là nhằm trừ quỷ: cây nêu do đức Phật bảo dân trồng làm tiêu giữ đất cho người, vẽ cung tên để săn bắn quỷ…
Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian thường so sánh, chẳng hạn, cây nêu là một loại cây “cây vũ trụ”, dân tộc nào cũng có quan niệm ấy. Trên cây vũ trụ, đâu các mặt trời hay các chim - mặt trời, được biểu tượng bằng vòng tròn đỏ, dải lụa đỏ hay lông gà, cũng tức là “oa nêu” (hoa nêu) của người Mường, người Thái. Vậy nêu là biểu tượng của dương, chống với Quỷ ở biển Đông là biểu tượng của âm. Mùa xuân, khí dương bắt đầu thịnh, mặt trời bắt đầu lên cao; nắng xuân bắt đầu ấm áp… Cắm nêu là để mặt trời mùa xuân có nơi đậu, đón ánh nắng xuân về, xua tan khí lạnh, khí âm của mùa đông…
Vẫn theo An Nam chí lược, hôm 30 tháng chạp vua Trần ngự ở cửa Đoan - củng, sau khi các quan liêu làm lễ xong thì xem phường bội trình bày các trò vui, xiếc, ca hát, chèo, tuồng… Tối 30, vua đến yết kiến Thái hậu, Thái thượng hoàng ở cung Đổng Nhân, các tăng đồ, đạo sĩ vào cung làm lễ tống trừ ma quỷ…
Hàng loạt các công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian, đặc biệt gần đây nhất là cuốn Lễ hội Thăng Long (Lê Trung Vũ chủ biên) cho ta mường tượng sự phong phú của sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội, như vài nét dưới đây:
Đốt pháo: 30 tháng chạp, trong dân gian đã sửa cỗ cúng tổ tiên. Bấy giờ chưa có súng, nhưng từ cuối thế kỷ VIII, thuốc sũng đã được phát minh. Và thoạt kỳ thuỷ, thuốc súng được làm pháo. Đêm trừ tịch này, dân gian Đại Việt đều đốt pháo ở trước của nhà, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, vừa vui tai, mừng Tết…
Giao thừa: Thời điểm thiêng liêng, khi trời - đất giao cảm, cái chết, cái bất động tạm thời, muôn vật ngưng đọng lại trong phút giây; rồi bùng ra một sức sống mới, sự tái sinh, sự đổi mới…
Trong phút giây thiêng liêng ấy, phong tục Lý - Trần cho phép con trai con gái nhà nghèo không đủ tiền sắm sanh mối lái cưới xin theo lễ giáo phong kiến thì cứ tự ý lấy nhau. Một phong tục nhân đạo hiếm có!
Mồng một Tết: Canh năm sáng mồng một Tết, vua Trần ngự ở điện Vĩnh Thọ, thái tử cùng các quan hầu cận vào chúc mừng nhà vua trước. Rời vua vào cung Trường Xuân làm lễ cúng tổ tiên.
Sáng bạch nhật, vua ngự ở điện Thiên An. Các phi tần xếp hàng ngồi quanh; nội quan đứng lẫn lộn với nhau ở trước điện; trước sân có tấu nhạc. Thái tử và các quan liêu đứng theo thứ bậc lạy mừng vua, tiến ba lần rượu. Thái tử lên điện hầu dự yến, triều quan ngồi ở Tây Vu yến ẩm đến quá trưa, về chiều mới ra về…
Ở trước điện, thợ thuyền dựng ngay đài Chúng Tiên hai tầng, trong chốc lát xong, trang sức vàng đá rực rỡ chói lọi.
Vua quan lên trên đài ăn yến, trước sau 9 lần vái, 9 lần uống rượu rồi mới tan tiệc. Cơ số 9 là chỉ về dương.
Theo Văn bia chùa Đọi (1121) cho thấy người thời Lý Nhân Tông mô tả đài Chúng Tiên với: “Dựng bảo đài Chúng Tiên tam cấp, ngói bạc chiếu sáng khung trời, toà sen phô bày tượng quý; trên nóc thì chim thiêng đứng đậu, bốn góc thì cá rồng cuốn bay, tàn lọng đính thất trân, đai lưng chạm bách bảo. Trên thềm cao nhất, đấng thánh minh ngồi ngự, cấp giữa bậc dưới, tiên nữ chầu quanh, nhạc quan dàn hàng ngoài sân, thảy đều vui mừng nhảy nhót. Phấn chấn thiên tài mà dựng nên khúc nhạc đẹp, an ủi các chư hầu từ xa vào chầu ở kinh đô; khúc điệu vượt lên không mà át cả mây bay, hoà tiêu sáo mà tiếng vang càng sáng mướt…”.
Mỗi năm ba ngày tết, mọi nhà dân đều dọn mâm cỗ dâng cúng bàn thờ tổ tiên. Thăng Long - Đại Việt sùng Phật, trai gái ngày tết đều mang hương lên chùa lễ Phật.
Như vậy, sinh hoạt lễ hội, hoặc lễ hội tín ngưỡng tôn giáo ở Thăng Long có nhiều nét đặc sắc. Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Lê Trung Vũ chúng ta có thể hình dung được nét đặc sắc đó: “Chỉ có Thăng Long – Hà Nội có tứ trấn, một phương thức sáng tạo không gian thiêng phủ lên bốn phương trời, từ đó sinh ra sức mạnh huyền diệu, thần quyền, hỗ trợ cho thế quyền để uy lực của triều đình ngày càng vững mạnh, đất nước ngày càng yên vui. Lễ hội tứ trấn (đền Bạch Mã phương Đông), đền Voi Phục (phương Tây), quán Trấn Vũ (phương Bắc), đền Kim Liên (phương Nam) có đặc điểm là vẫn giữ bền mối tương quan nội lực đó tới ngày nay.”
Quang Hưng
Nhà xuất bản Hà Nội