Người Hà Nội: Rèn lời ăn tiếng nói từ trong gia đình
Người Hà Nội xưa vốn được xem như một hình mẫu của phong thái hào hoa thanh lịch. Phong thái ấy toát ra từ cử chỉ, từ lời ăn tiếng nói, từ trang phục của mỗi con người nơi đây, và rõ nét nhất là qua “cách ăn” của người Hà Nội. Bởi trang phục, nét đi, dáng đứng, ngôn ngữ, cử chỉ trong giao tiếp là những "tiêu chí" để ta cảm nhận lúc ban đầu, khi mới tiếp xúc; còn chỉ qua cái nét "văn hóa ẩm thực" có lẽ mới rõ ràng, con người ấy có đúng là được thụ hưởng một nền giáo dục chu đáo, kỹ lưỡng, cẩn thận, đàng hoàng hay không.
Trong gia đình, các cụ xưa luôn có câu cửa miệng "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", để răn con cháu rằng, ngồi cùng một mâm cơm phải biết kính trên nhường dưới, biết nhường biết nhịn; phải nhai nuốt từ tốn, trông trước nhìn sau, phải biết cùng nhau tạo dựng không khí ăn uống đầm ấm, chan hòa, vui vẻ... Người Hà Nội còn có tiếng là sành ăn, là “khó tính”. Sành ăn ở đây không phải là đòi hỏi sơn hào hải vị, hay những món lạ, món “độc”; mà là sành trong chế biến, sắp đặt, bài trí sao cho cẩn thận chỉn chu, thẩm mỹ, ít mà tinh. Rõ ràng, sự tinh tế trong ăn uống không chỉ để ăn cho no, cho thỏa mãn cái dạ dày, mà còn phải giúp thỏa mãn con mắt, cái mũi. Nên nói người Hà Nội ăn hương ăn hoa cũng là có ý đó.
Văn hóa ẩm thực của nước ta nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng đang ngày càng phong phú. Ngoài cơm ta, còn đủ loại ẩm thực các nước. Có cái hay, nhưng cũng nhiều sự xô bồ. Tuy nhiên sự trong lành, thanh cao trong cách ăn mà các cụ Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, nay là Tô Hoài, Băng Sơn từng viết vẫn luôn còn nguyên giá trị. Lớp con cháu hôm nay cần cố học và giữ được như thế, vì đó là sành, là sang trọng, tinh tế trong cách ăn uống của người Hà Nội. Tất nhiên qua trải nghiệm, các món ăn sẽ được sàng lọc. Và gần đây, Hà Nội được xếp trong "tốp" thành phố ăn ngon của thế giới. Nhưng việc tạo ra món ăn và cách ăn tùy tiện sẽ dần làm mất cái đẹp, cái truyền thống. Giữ được cái độc đáo trong món ăn, quà Hà Nội, là điều đáng phải quan tâm và suy ngẫm.
Có lẽ, với nhịp sống hối hả, bận rộn như hiện nay, chúng ta không thể đòi hỏi phải bảo tồn, lưu giữ nguyên vẹn nét ăn uống tỉ mẩn, chậm rãi, rỉ rả, thong thả... như các bậc tiền nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta quên hết cái thanh, cái lịch trong từng lời ăn tiếng nói của truyền thống đất Hà thành xưa; mà vẫn cần giáo dục con cháu “học ăn, học nói” sao cho đúng. Những nét phong lưu, lịch sự, đàng hoàng... trong văn hóa ẩm thực đã được nâng lên thành mẫu mực của các cụ xưa, rất cần thiết phải khơi lại, làm cho nó nhuần nhị, mềm mại thêm, sao cho trở thành những chuẩn mực của mỗi người. Và để những chuẩn mực ấy trở thành phổ biến sang cả cộng đồng thì điều tất yếu là phải khơi nguồn ý thức ở ngay mỗi cá nhân - những thực thể bé nhỏ nhưng lại giữ vai trò quyết định cho nền tảng văn hóa nói chung, văn hóa ẩm thực nói riêng.
Nói thì rất dễ, nhưng làm sẽ thật khó, khi mà nếp sinh hoạt đời thường hiện nay của mỗi con người liên tục bị chi phối bởi hàng rào các kiểu loại quan hệ, ngoại cảnh, công việc, bè bạn, đồng nghiệp, những cuộc giao kèo về kinh tế, rồi cưới xin, tân gia, khánh thành trụ sở làm việc, đầy năm đầy tháng quý tử, khao lên chức, lên lương... Trăm thứ lễ lạt thường nhật ấy đã làm cho cuộc sống trở nên xô bồ, ào ạt, ngất ngưởng, thừa mứa... đến mức nhiều người cảm thấy nhạt nhẽo, chán ngán, thờ ơ nhưng không thể không tham gia. Thậm chí trong những bữa tiệc tùng, tiếp khách thâu đêm suốt sáng đó, không ít người thèm một bữa cơm gia đình có bố mẹ, con cái sum vầy với chỉ vài món ăn đạm bạc nhưng chan chứa tình cảm ấm áp. Và chính trong cái không gian thân thương ấy, từng lời răn dạy, gọt rũa của các bậc ông bà, cha mẹ đến con cháu về cách ăn, cách uống, cách đi đứng, chào hỏi... mới thấm và ngấm được.
Bởi dù Hà Nội hôm nay đã đẹp lên từng ngày với các khu thương mại, các tòa cao ốc; dù người Hà Nội hôm nay đã giao lưu hợp tác và hòa nhập được nhịp sống của xã hội hiện đại; song vẫn rất cần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp riêng có của truyền thống thanh lịch, văn minh đất Thăng Long xưa. Người Hà Nội cần giữ được bản sắc riêng của mình; để hòa nhập nhưng không hòa tan, để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau dù đi đâu, ở đâu, vẫn không quên những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; tạo nên nét thanh lịch riêng có của người Hà Nội:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Phạm Thu
Nhà xuất bản Hà Nội