Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 09/09/2015 09:21
Hà Nội: Cần xác định những nội dung cơ bản trong giáo dục hành vi giao tiếp văn hoá cho lứa tuổi thiếu nhi

Cùng với những bước thăng trầm trong lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến, bản sắc văn minh, thanh lịch trong giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội vẫn luôn được khẳng định. Song bên cạnh đó, không ít những truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội đang dần bị mai một trước những biến động mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần chú trọng giáo dục ngay từ lứa tuổi thiếu nhi của Thủ đô những hành vi giao tiếp có văn hóa, bởi các em chính là lớp mầm non, thế hệ tương lai của Thủ đô và đất nước.

 
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, điều quan trọng hiện nay là phải chăm chút, giáo dục cho lớp mầm non của Thủ đô những hành vi thanh lịch, có văn hoá trong giao tiếp, ứng xử. Để làm được việc này, trước hết cần có một sự đánh giá khách quan về thực trạng hành vi và giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho thiếu nhi Thủ đô. Mặt khác, cần phải có sự định hướng một cách hệ thống các nội dung và biện pháp giáo dục hành vi giao tiếp văn hoá cho lứa tuổi thiếu nhi trong điều kiện hiện nay.
 
Nội dung đầu tiên cần hướng đến trong việc giáo dục hành vi giao tiếp cho thiếu nhi chính là nhóm các giá trị thể hiện thái độ ứng xử với bản thân. Một là, trong nhóm các giá trị này, trước hết các em cần có ý thức về lòng tự trọng, biểu hiện ở các hành vi ăn mặc, cử chỉ khi ở nhà, ở lớp, ở nơi công cộng luôn luôn gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp; các em biết tự giác thực hiện kế hoạch học tập, rèn luyện của bản thân mà không phải ai nhắc nhở, kiểm tra giám sát. Hai là, các em cần được hình thành kĩ năng lập kế hoạch học tập, rèn luyện và công việc.Trong quá trình hình thành nhân cách học sinh, việc biết lập kế hoạch học tập, rèn luyện, lao động hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, cả năm… là bước quan trọng nhằm phát triển năng lực tự rèn luyện bản thân (tự hoàn thiện nhân cách là năng lực đầu tiên trong 8 năng lực của người Việt Nam thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đó là: tự hoàn thiện giao tiếp ứng xử, thích ứng; hợp tác và cạnh tranh; tổ chức quản lí; hoạt động xã hội; nghiên cứu khoa học và năng lực lao động nghề riêng biệt).
 
Ba là, cần hình thành kĩ năng điều chỉnh hành vi cho thiếu nhi. Tức là, các em biết tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh hành vi là những kĩ năng ban đầu và xuyên suốt mọi hoạt động với các mức độ khác nhau. Ngay từ tuổi thiếu nhi đã đòi hỏi các em có kĩ năng kiểm tra, đánh giá công việc, thực hiện kế hoạch hàng ngày và điều chỉnh kế hoạch hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm để đạt mục tiêu phấn đấu. Các em phải biết tự kiểm tra đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của cá nhân trên những nội dung học tập, lao động. Đây sẽ là những kĩ năng rất quan trọng giúp các em tự hoàn thiện bản thân, hình thành các kĩ năng sống như: tự tin, sống tiết kiệm, trung thực, siêng năng, hướng thiện, biết kiềm chế, tránh những cám dỗ không chính đáng.
 
Nội dung thứ hai chúng ta cần chú trọng trong giáo dục cho thiếu nhi những hành vi giao tiếp văn hóa chính là nhóm những giá trị hành vi giao tiếp với người khác. Đây là nhóm giá trị hành vi giao tiếp giúp các em điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Một là, nhân nghĩa đối với quan hệ gia đình: Các em cần học cách an ủi, động viên cha mẹ, anh chị em khi buồn, vui, gặp khó khăn (bằng lời nói, cử chỉ, việc làm); biết giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau khi cần thiết; biết lo lắng, góp ý vào công việc chung của gia đình, biết nhận những công việc phù hợp và thực hiện lời hứa, những công việc được phân công; biết cư xử hợp lý khi có lỗi lầm làm cha mẹ và gia đình yên tâm. Hai là, nhân nghĩa thể hiện qua hành vi giao tiếp có văn hoá đối với mọi người:Thể hiện ở sự quan tâm đến mọi người, sống vị tha, sống cởi mở, hỏi thăm, giúp đỡ mọi người khi cần chia sẻ… Ba là, nhân nghĩa thể hiện trong giáo dục: Chính là truyền thống tôn sư trọng đạo, kính thầy yêu bạn, chăm chỉ học hành. Ở tuổi thiếu nhi, truyền thống nhân nghĩa thể hiện qua hành vi giao tiếp với thầy cô là chào hỏi lễ độ, kính trọng; biết thăm hỏi và tổ chức bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô giáo; biết nhận lỗi và sửa lỗi với thái độ cầu thị đối với thầy cô giáo khi có lỗi. Đối với bạn bè, cần hình thành ở các em hành vi chân thành, cởi mở; biết nhường nhịn, đoàn kết, chia sẻ, vị tha, không ghen tị; biết góp ý và tiếp thu ý kiến của bạn bè.
 
Nội dung thứ ba chúng ta cần định hướng khi giáo dục thiếu nhi đó là nhóm những giá trị thể hiện hành vi giao tiếp với công việc, phản ánh ý thức công dân. Đó là những giá trị thể hiện ý thức trách nhiệm, lương tâm, tôn trọng pháp luật, tôn trọng lẽ phải, liêm khiết, dũng cảm, trung thực… Những giá trị đạo đức trên thể hiện nhận thức, thái độ và hành động của con người đối với những việc học tập, lao động… giúp mỗi người tự đánh giá hiệu quả chất lượng của công việc, đó là thước đo chất lượng hiệu quả hoạt động của mỗi cá nhân.
 
Đối với thiếu nhi, giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa trong hoạt động, học tập chính là giáo dục rèn luyện các em kĩ năng tự đánh giá. Các em có cách ứng xử văn hoá trong sinh hoạt tập thể như ở lớp, sinh hoạt Đội, hoặc câu lạc bộ Văn nghệ, TDTT ở các nhà văn hoá, ở những nơi công cộng. Hành vi giao tiếp ứng xử có văn hoá của các em còn thể hiện ở chỗ biết giữ gìn, bảo vệ những di sản văn hoá của dân tộc và nhân loại, đặc biệt là những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, những di tích lịch sử cách mạng ở địa phương và của cả nước...
 
Có thể nói, với những nội dung giáo dục cơ bản trên, chúng ta sẽ có định hướng cụ thể trong việc rèn luyện và xây dựng cho lứa tuổi thiếu nhi Thủ đô những hành vi giao tiếp có văn hóa; từ đó các em sẽ tự trang bị cho mình hành trang cần thiết để tạo nên phong cách thanh lịch, văn minh của công dân Thủ đô ngàn năm tuổi khi các em bước vào cuộc sống ở tuổi trưởng thành.
 
 
Trang Thu
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)