Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 09/09/2015 09:52
Cấu trúc ba vòng thành của Kinh thành Thăng Long Thời Lý

Sau khi định đô, nhà Lý đã xây dựng thành quách, cung điện, đền chùa, tạo dựng nên một kinh thành Thăng Long quy mô, tráng lệ. Kinh thành Thăng Long gồm ba vòng thành, các cung điện của triều đình và hoàng gia tập trung trong Cấm Thành, bên ngoài là một số cung điện, phủ đệ, những cụm kiến trúc giáo dục, tôn giáo – tín ngưỡng và vui chơi hội hè xen lẫn giữa những phường, nhai của cư dân.

 
Vòng thành ngoài cùng được gọi là thành Đại La. Thành này bắt đầu được xây đắp năm 1014 “bao quanh bốn mặt kinh thành Thăng Long”, năm 1024 được sửa sang, đến năm 1078 sử sách chép rõ là thành Đại La và sau này cũng gọi là La Thành. Vòng thành này vừa làm chức năng thành lũy bảo vệ toàn bộ khu vực kinh thành, kể cả vùng cư trú của nhân dân, vừa là đê ngăn lũ lụt. Thành được đắp mới và có thể có đoạn thành Đại La cũ đời Đường.
 
Thành Đại La phía đông chạy dọc theo hữu ngạn sông Nhị như một đoạn đê của sông từ bến Nứa đến ô Đống Mác (Ông Mạc), phía bắc dựa theo bờ nam sông Tô Lịch, ở mạn phía nam hồ Tây từ Bưởi cho đến cửa sông Tô đổ ra sông Nhị gọi là Giang Khẩu (khoảng Chợ Gạo phía trên Hàng Buồm ngày nay), phía tây theo bờ tây sông Tô Lịch từ Bưởi đến ô Cầu Giấy, phía nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, ô Chợ Dừa, ô Cầu Dền đến ô Đống Mác.
 
Thành Đại La được bao bọc mặt ngoài bởi ba con sông: sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và được tận dụng như những con hào tự nhiên. Có thể nói, với số lượng sông hồ lớn, Thăng Long được biết đến với đặc điểm nổi bật của cảnh quan nhiều sông hồ. Do đó, Thăng Long – Hà Nội là thành phố của sông - hồ, ngay từ khi kiến lập, nhà Lý đã biết tận dụng địa thế tự nhiên này trong quy hoạch xây dựng nhằm biến hệ thống sông, hồ đó thành những con hào tự nhiên, những giao thông đường thuỷ tiện lợi và một hệ thống thoát nước, điều tiết môi trường, bảo vệ sinh thái. Vì vậy mặt bằng kiến trúc vòng thành Thăng Long không coi trọng tính kỷ hà, đối xứng, vuông vắn mà uốn mình theo địa hình, thích nghi và tận dụng điều kiện thiên nhiên. Phía ngoài thành Đại La là những vùng sông nước, nhiều nơi còn lầy lội. Có thể thấy, những năm lụt lớn, nước sông Nhị vỗ vào chân thành làm xói mòn gây nguy hiểm. Năm 1165, triều đình phải cho lùi đoạn thành Đại La ở cửa Triều Đông (khoảng dốc Hoè Nhai ngày nay) đến 75 thước (khoảng 2,25m). Đoạn này phải xây bằng gạch đá để tránh nước sông Nhị vỗ lở. Như vậy có thể thấy, cho đến thế kỷ XII, sông Nhị bị xói lở phía bờ hữu ngạn. Sông Nhị đoạn chảy qua Thăng Long thời Lý còn ăn sâu về phía tây so với bờ sông Hồng hiện nay. Năm 1108 nhà lý đắp đê Cơ Xá ở bến Cơ Xá hay phường Cơ Xá, có lẽ cũng là đoạn thành Đại La phía đông này. Phía trong thành Đại La thời đó cũng có nhiều hồ ao khá dày đặc.
 
Vòng thành ở giữa: Thời Lê sơ gọi là Hoàng thành, theo một số nhà khoa học cho rằng thời Lý gọi vòng thành ở giữa là Long thành hay Phượng Thành (trước đây nhiều người cho là Cấm thành, nhưng gần đây có người xác định lại là vòng thành giữa tương ứng với Hoàng thành thời Lê – theo Phan Huy Lê, Quy mô và cấu trúc thành Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc ngày 19, 20/8/2015).
 
Thành đắp năm 1010, bằng đất, phía ngoài có hào mở 4 cửa: Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Đại Hưng ở phía nam, Diệu Đức ở phía bắc.
 
Cửa Tường Phù ở phía đông còn để lại dấu tích qua cửa sông Tô Lịch, tức Giang Khẩu, đền Bạch Mã và văn bia liên quan tại đền Bạch Mã ở 76 Hàng Buồm, chùa Cầu Đông (Đong Kiều tự) ở 38B Hàng Đường, đình Cửa Đông (Đông Môn đình) ở 8 Hàng Cân, Hội quán Phúc Kiến ở 40 Lãn Ông.
 
Cửa Đại Hưng hay Cửa Nam còn để lại dấu tích qua địa danh và chứng cứ trong các sách địa chí, trong thơ văn và trong sự tích đền Lương Sử. Những địa danh liên quan là vườn hoa Cửa Nam, chợ Cửa Nam còn tồn tại đến nay. Năm 1037, vua Lý Thái Tông phong Thái uý Phạm Cự Lạng đời Tiền Lê làm Hoằng Thánh Đại vương và “dựng đền thờ ở phía tây Cửa Nam thành”. Đó là đền Hoằng Thánh thờ Phạm Cư Lạng, hiện còn dấu tích ở đình Lương Sử tại ngõ Lương Sử A, phường Văn Miếu. Đình mới xây dựng lại nhưng vẫn giữ nguyên vị trí và hướng đình là hướng bắc.
 
Cửa Diệu Đức là Cửa Bắc. Căn cứ vào ghi chép của Đại Nam nhất thống chí “cửa Diệu Đức ở phía bắc thì nay bị lở xuống sông”, có thể nghĩ rằng cửa này ở gần sông Tô Lịch. Mặt bắc của thành Đại La cũng như Hoàng thành chạy theo bờ nam sông Tô và cửa Diệu Đức/Bắc Môn của Hoàng thành dĩ nhiên nhìn ra sông Tô Lịch và ở phía nam của dòng sông này, có thể ở khoảng phố Phan Đình Phùng hay giữa phố Quán Thánh hiện nay.
 
Cửa Quảng Phúc ở phía tây hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng Cửa Tây mở trước chùa Một Cột, trên hành lang chạy dọc đường Hùng Vương ngày nay. Có người cho rằng, cửa Quảng Phúc là cửa phía tây của Cấm thành. Có người lại cho rằng Cửa Tây của Hoàng thành phải xa hơn về phía tây, có thể đến giáp sông Tô Lịch. Xác định vị trí cửa Quảng Phúc liên quan đến việc nhìn nhận phạm vi phía tây của Long thành, tức vòng thành giữa. Hoàng thành thời Lê sơ, căn cứ vào bản đồ Hồng Đức thì phía tây bao gồm khu vực đường Hoàng Hoa Thám đến Bưởi rồi theo đường Bưởi đến Cầu Giấy và tiếp theo đường La Thành - Giảng Võ đến phố Nguyễn Thái Học. Nếu trừ khu Giảng Võ do Lê Thánh Tông mới mở rộng vào năm 1490 thì vòng thành giữa thời Lý, Trần là từ Cầu Giấy theo đường Kim Mã đến đầu phố Nguyễn Thái Học. Trên các bản đồ Hồng Đức cũng thể hiện đoạn thành này với một cửa ở khoảng giữa.
 
Cấm Thành hay Cấm Trung là một khu vực được đặc biệt bảo vệ là nơi làm việc của triều đình, nơi ở của vua và hoàng gia mà trung tâm là điện Càn Nguyên, sau đổi là điện Thiên An. Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý cho biết chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở phía tây của Cấm thành và vào năm 1121 đã có Đoan Môn khi tổ chức hội đèn Quảng Chiếu. Cửa Đoan Môn hiện còn trong thành Hà Nội do nhà Lê xây dựng lại, theo tư liệu lịch sử và kết quả thám sát khảo cổ học, có lẽ trên vị trí và nền của Đoan Môn thời Lý, Trần. Kết quả đào thám sát khảo cổ học năm 1999 đã xác nhận dưới nền Đoan Môn có di tích và di vật thời Lý, Trần có một đoạn nền hai bên bó gạch xếp kiểu hoa chanh đặc trưng thời Trần cạy theo hướng đến điện Kính Thiên. Đoạn nền này là di tích đường hay móng tường của một kiến trúc, còn có những ý kiến khác nhau. Đoạn nền này dài 15,80m, lòng đường rộng 1,30m. Theo nhận định của các nhà khảo cổ học, Đoan Môn được xây dựng từ thời Lý với những gạch, ngói, đầu ngói trang trí hình hoa sen thời Lý, sau đó nhà Trần xây dựng lại với những vật liệu thời Trần và sử dụng lại một số vật liệu thời Lý.
 
Thành Thăng Long từ thời Lý đã gồm ba vòng thành theo cấu trúc được một số nhà khoa học gọi là “Tam trùng thành quách”. Long thành và Cấm thành là trung tâm chính trị của kinh thành. Phía ngoài, giữa Long thành và thành Đại La là khu vực thị - dân cư với các chợ, bến, phố phường, thôn trại của nông – công – thương xen kẽ một số cung điện, dinh thự của thái tử và quý tộc, quan lại.
 
Trong cấu trúc ba vòng thành, kinh thành Thăng Long nổi bật lên một quần thể kiến trúc khá bề thế, gồm các lâu đài cung điện, những chùa quán đền miếu và các công trình văn hoá. Triều Lý tồn tại tương đối dài lâu trong 216 năm (cuối 1009 – ngày đầu 1226). Trong thời gian đó, nhất là trong giai đoạn thịnh đạt của vương triều, công cuộc xây dựng đất nước về mọi mặt đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhờ đó, nhà Lý đã dành nhiều công sức, của cải để kiến thiết Kinh thành và xây dựng nhiều công trình tương đối đồ sộ.
 
 
Phan Huy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)