Những xóm làng nông nghiệp và thủ công nghiệp của Thăng Long thời Lý
Một nét đẹp của kinh thành là cảnh quan thiên nhiên với những sông hồ rộng lớn, những cánh rừng tự nhiên vẫn tồn tại hoang sơ xen kẽ với những công trình nhân tạo đồ sộ.
Dọc theo sông Nhị và quanh hồ Tây là vùng đất bãi phù sa rất thích hợp với nghề trồng hoa, trồng dâu. Dân các phường quanh vùng này chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Bên cạnh hồ Tây là trại Tầm Tang lớn của nhà nước từ thời Lý. Những người phụ nữ có tội bị đày làm “tang thất phụ” phải lai dịch hái dâu, chăn tằm, kéo kén, ươm tơ cho cung nữ tập dệt lụa là, gấm vóc. Ngay từ thời Lý, nhà Lý đã đưa những thợ khéo từ các làng dệt về đây để dạy cho cung nữ nghề dệt. Nghề dệt các các sản phẩm dệt thời Lý đã phát triển cao cả về số lượng lẫn chất lượng, đủ cung cấp nhu cầu của triều đình và quan lại. Nhờ đó, năm 1040, Lý Thái Tông đã có ý không dùng đến hàng gấm vóc của nhà Tống ở trong cung đình Đại Việt nữa, cho phát hết gấm vóc ở kho ra may áo ban cho các quan theo thứ bậc khác nhau. Chăn tằm dệt lụa không chỉ là việc làm của bách tính và những người bị đày ải mà các phi tần, công chúa, phu nhân cũng tham gia.
Đến thời Lý Thần Tông (1128-1138), công chúa Từ Hoa đã xin vua cha cho ra ở trại Tầm Tang để cùng các cung nữ trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Sau khi công chúa qua đời, trên nền cũ cung Từ Hoa được dựng lên ngôi chùa. Trại Tầm Tang rồi Kim Liên. Ngôi chùa trên nền cũ cung Từ Hoa đã trải qua nhiều lần trùng tu và từ đời Lê Trung hưng mang tên là chùa Kim Liên.
Khu vực phía tây của Long thành thời Lý vẫn là vùng nhiều ao hồ. Bên cạnh chùa Diên Hựu là những thửa ruộng thấp trũng có nhiều rùa nên gọi là Quy Điền. Tuy nhiên, triều đình có thể cho một số gia đình phục dịch vào làm ăn sinh sống. Câu chuyện ông Hoàng Lệ Mật phần nào phản ánh điều này. Quyển ngọc phả đình Liễu Giai cho biết ông tên thật là Hoàng Phúc Trung, người làng Lệ Mật, huyện Gia Lâm, nhà nghèo chuyên sống bằng nghề chài cá và bắt rắn. Tương truyền rằng đời vua lý Thái Tông (1028-1054) có một nàng công chúa bơi thuyền chơi trên sông Thiên Đức (sông Đuống) chẳng may đắm thuyền chết đuối. Nhà vua ra lệnh phong thưởng hậu cho ai vớt được thi hài công chúa. Chàng trai nghèo họ Hoàng ở làng Lệ Mật vốn khoẻ mạnh lại quen nghề sông nước đã có công vớt được xác công chúa. Vua Lý muốn ban thưởng tước lộc rất hậu, nhưng chàng trai từ chối tước lộc và chỉ xin nhà vua cho phép dân nghèo sang khai khẩn và sinh sống trên khoảng đất hoang phía tây kinh thành. Sự tích ông Hoàng Lệ Mật cũng được Phan Huy Chú chép lại trong sách Lịch triều hiến chương loại chí (Dư địa chí).
Ở khu vực trại Thủ Lệ, đền Voi Phục là một trong “Thăng Long tứ trấn”. Dân ở trại Thủ Lệ được miễn những khoản phu phen tạp dịch để chuyên phục dịch việc thờ cúng ở đền. Theo Đại Nam nhất thống chí miêu tả “trại Thủ Lệ thuộc huyện Vĩnh Thuận, nơi này có bãi công dài 435 trượng, rộng 43 trượng, nước rất trong, mọc nhiều ấu và sen”. Sau này, trại Thủ Lệ là một trong số 13 trại thuộc tổng Nội của huyện Quảng Đức (sau đổi là Vĩnh Thuận). Các trại này nằm phía đông của Hoàng thành thời Lê, phía bắc và tây nam được bao quanh bởi đường Hoàng Hoa Thám hiện nay và ven tả ngạn sông Tô Lịch từ Bưởi đến Cầu Giấy rồi men theo đền Voi Phục chạy dài đến núi Bò vùng Kim Mã. Đình Vĩnh Phúc Thượng và đình Liễu Giai cùng thờ một vị Thành hoàng là ông Hoàng Lệ Mật. Phía trước đình Vĩnh Phúc Thượng có khu lăng Thái Tể là lăng ông Hoàng Lệ Mật. Khu Thập tam trại mà cư dân khai phá đầu tiên là làng Lệ Mật, hình thành và phát triển về sau này. Rõ ràng con số và tên 13 trại không phải có từ đời Lý mà phần lớn thuộc thời cuối Lê đầu Nguyễn, trong đó trại vốn là thôn mới tách ra. Khu Thập tam trại không phải được thành lập từ thời Lý, mà là sản phẩm của một quá trình khai phá lâu dài, các trại được lập nên và tiếp tục phát triển chủ yếu là thời cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Năm 1749, chúa Trịnh cho sửa đắp lại thành Thăng Long, thu nhỏ lại và bỏ cả vùng đất phía tây ra khỏi phạm vi Hoàng thành. Từ đây, khu vực này mới được khai phá mạnh và trở thành những trại ấp của nông dân.
Bên cạnh hồ Tây, phía tây bắc thành Thăng Long có khu ruộng quốc khố của nhà nước ở Cảo Xã (Nhật Tảo, huyện Từ Liêm). Những người phạm tội bị đày làm “Cảo điền nhi” hay “Cảo điền hoành” phải làm ở ruộng quốc khố. Năm 1150, nhà Lý đày Đỗ Anh Vũ làm “Cao điền nhi”.
Các xóm làng nông nghiệp, thủ công nghiệp của kinh thành nối liền một dải với vùng nông thôn rộng lớn bao quanh, trong đó có những làng thủ công nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng ở bên kia sông Nhị. Cho đến nay chưa thể xác định được thời điểm cụ thể của sự ra đời lò gốm Bát Tràng. Theo gia phả ông Trần Văn Tiêm ở Bát Tràng thì dân Bồ Bát di cư từ Ninh Bình xưa ra vùng đông nam Thăng Long từ thời Lý. Lúc đầu chỉ có bốn gia đình thuộc bốn dòng họ Trần, Bùi, Vũ, Phùng. Bốn dòng họ trên cùng với họ Nguyễn sở tại lập thành phường sản xuất đồ gốm gọi là Bạch Thổ phường, Bá Tràng phường, rồi đến Bát Tràng.
Như vậy, vào thời Lý sau khi định đô Thăng Long, khu vực thị của kinh thành đã phát triển một đô thị - thương cảng bên bờ sông Nhị, sông Tô. Tại đây có chợ bến, phố phường buôn bán, có cả xóm làng nông nghiệp, thủ công nghiệp. Năm 1084, nhà Lý đã cho phép dân chúng nung ngói lợp nhà, nhưng phố phường phần lớn vẫn là nhà tranh, không khác vùng quê là mấy. Kinh thành đã có đê bao quanh nhưng vẫn nhiều năm bị lụt, phố phường kinh sư phần nhiều đi lại bằng thuyền vào mùa lũ.
Phan Lê
Nhà xuất bản Hà Nội