Hà Nội với đổi mới cơ chế kinh tế
Xuất phát từ quan điểm chủ đạo của Đại hội X Đảng bộ Thành phố Hà Nội là việc làm và đời sống, phải bằng chính sách mới, giải pháp mới để tạo ra nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập của người lao động, thoát nhanh khỏi tình trạng trì trệ và đói nghèo. Đầu năm 1987, Thành ủy đã quyết định chuyển nhanh sang nền kinh tế nhiều thành phần và mở cửa thị trường, khuyến khích giao lưu hàng hóa, dịch vụ giữa Thủ đô với các địa phương trong nước và với nước ngoài. Uỷ ban nhân dân Thành phố đã chủ động đề ra các quyết định để hướng dẫn người dân Thủ đô yên tâm và mạnh dạn bỏ vốn, lập doanh nghiệp, tìm cách liên kết với các địa phương khác và với quốc tế.
Trong quá trình chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, Thủ đô đã nghiêm chỉnh và chủ động thực hiện thể chế, chính sách chung, đồng thời sáng tạo trong việc đề ra nhiều chủ trương có giá trị về cơ chế kinh tế, ví dụ “đấu giá quyền sử dụng đất” là chủ trương được áp dụng rộng rãi trong việc giao đất xây dựng khu đô thị đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.
Từ 1991 đến nay, kinh tế Thủ đô đã có nhiều biến đổi quan trọng: tốc độ phát triển kinh tế cao hơn 1,2 đến 1,5 lần của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; từng ngành kinh tế đã diễn ra quá trình hiện đại hóa, trong công nghiệp là cơ - kim khí có tốc độ tăng trưởng cao 25,23%/năm, điện tử tăng 21,67%/năm; trong dịch vụ là việc ra đời các loại dịch vụ mới về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bán hàng online, sở giao dịch chứng khoán, siêu thị, cung ứng nhà, môi giới nhà đất, du học, xuất khẩu lao động; trong nông nghiệp là việc hình thành các trang trại quy mô lớn, thay đổi cơ cấu cây trồng để tăng doanh thu và thực lãi trên một ha, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề mới.
Phát triển kinh tế tư nhân được coi là thành quả quan trọng trong thập niên đầu của thế kỷ XXI khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2000. Hà Nội là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về việc ra đời các doanh nghiệp mới và về vốn đăng ký kinh doanh.
Hà Nội đã phát huy tác dụng lan tỏa của trung tâm thương mại lớn đối với các tỉnh miền Bắc với 270 siêu thị, trong đó có những siêu thị lớn như Metro, Big C, 600 văn phòng đại diện nước ngoài. Hà Nội đã chủ động mở rộng hội nhập quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA, xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, cơ chế kinh tế của Hà Nội chưa đáp ứng kịp yêu cầu, chưa tạo ra đột phá về thể chế, còn nhiều bất cập, bộ máy công quyền khá cồng kềnh, sách nhiễu, kém hiệu năng, trong nhiều năm Hà Nội được cho rằng xếp hàng trung bình trong cải cách thủ tục hành chính.
Ba vấn đề lớn đối với cơ chế kinh tế Thủ đô, đó là:
1. Chưa hình thành cơ chế tự quản của chính quyền đô thị lớn có khoảng 7 triệu dân, là trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước mặc dù đã có Luật Thủ đô. Kinh nghiệm thế giới cho thấy rằng, thủ đô cần có cơ chế đặc thù theo hướng chính quyền đô thị tự chịu trách nhiệm, có đủ thẩm quyền huy động và sử dụng mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển theo hướng bền vững.
2. Tập quán vẫn là trở ngại chính trong việc đổi mới cơ chế kinh tế Hà Nội. Thủ đô có thể và cần phải hướng đến thể chế kinh tế hiện đại với công nghệ thông tin và đội ngũ công chức chuyên nghiệp. Chương trình “chính phủ điện tử” đã được bắt đầu từ hơn một thập niên nhưng vẫn còn khá xa đến mục tiêu đã xác định. Công khai, minh bạch, dân chủ từ quy hoạch đất đai, công trình xây dựng đến xây dựng đường giao thông thôn xóm là đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp, nhưng rất ít khi được thực hiện, gây ra phản kháng đôi khi khá quyết liệt của nhân dân, nhất là trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Tập quán của đội ngũ công chức nhà nước của “cơ chế xin - cho” còn ngự trị ở nhiều công sở.
3. Cơ cấu tổ chức của Hà Nội kém hiệu năng. Từ khi mở rộng địa giới Thủ đô thì việc sát nhập các cơ quan chính quyền đã làm cho bộ máy chính quyền trở nên cồng kềnh và đến nay hình như vẫn chưa thật ổn định. Cơ chế kinh tế do những con người trong bộ máy hành chính đẻ ra và chính họ lại vận hành nó để điều chỉnh các hành vi kinh tế. Khi mà bộ máy, con người không đáp ứng được yêu cầu thì việc hình thành và thực hiện cơ chế kinh tế khó mà có hiệu quả cao.
Cuộc ganh đua với thủ đô các nước theo hướng văn minh, hiện đại đòi hỏi Hà Nội phải nhận thức đúng tầm quan trọng của thể chế, một nguồn lực vô hạn có thể khai thác lâu dài nếu được bồi dưỡng thường xuyên bằng đầu tư nâng cao năng lực của việc xây dựng và thực thi thể chế, bằng tổng kết thực tiễn, học hỏi bè bạn và nghiên cứu lý thuyết của thế giới, để có cách tiếp cận khoa học hình thành thể chế ngày càng tốt hơn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Trần Duy (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội