Ứng xử văn hóa của người Hà Nội đối với thiên nhiên, cảnh quan môi trường
Khi xác định vị trí kinh đô, Lý Công Uẩn đã thấy được Hà Nội xưa là vùng đất “có thế rồng cuộn, hổ ngồi…”. Hình thế núi sông được thiên nhiên ban cho Hà Nội là vùng đồng bằng rộng rãi, cao ráo, tiện lợi cho việc xây dựng; là dải đất nhiều sông hồ, đường bộ, từ bắc vào nam, từ đông sang tây thuận lợi cho giao thông, thương mại; là một vùng đất màu mỡ, nhiều tài năng và đa ngành nghề. Điểm trọng tâm, điểm nhấn cảnh quan môi trường của Hà Nội đó là: hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; quảng trường Ba Đình, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực Hồ Tây… Đó là những cảnh quan mà thiên nhiên tạo dựng cho con người. Chính vì vậy mà con người ở thời đại nào cũng cần có ứng xử văn hóa đối với thiên nhiên, làm gia tăng vẻ đẹp của thiên nhiên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một hệ thống ý niệm sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Ngay từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc vào tháng 9 năm 1959, Người nói: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước, có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc… Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.506, 535). Từ rất sớm Người đã thấy và đã sớm giáo dục cho cán bộ, nhân dân thấy được mối quan hệ biện chứng giữa việc khai thác tự nhiên và nuôi dưỡng tự nhiên. Đối với sản xuất nông nghiệp thì công tác thủy lợi là biện pháp hàng đầu, đối với ngư nghiệp thì “đánh cá phải chú ý nuôi cá”; đối với lâm nghiệp thì đốn gỗ chặt cây phải đặc biệt quan tâm “trồng cây, gây rừng”… Tư tưởng biện chứng đó của Hồ Chí Minh mang đậm ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa triết học và ý nghĩa văn hóa. Ngày nay kế thừa xuất sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, chúng ta mới có những dự án trồng rừng ở các tỉnh trung du và miền núi, chủ trương “sống chung với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long, cải tạo môi trường sinh thái ở vùng cát ven biển miền trung để trồng cây ăn quả…
Con người không chỉ khai thác thiên nhiên mà phải có thái độ, hành động ứng xử có văn hóa đối với thiên nhiên, môi trường thiên nhiên, không chỉ bảo tồn, giữ gìn tự nhiên mà còn phải biết phát triển tự nhiên. Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động, phong trào “xây dựng con người mới, nếp sống mới ở Thủ đô”, “Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa” không chỉ có lợi ích trước mắt, đem lại màu xanh cho đất nước, có gỗ làm nhà, đi đường có cây cao bóng mát để nghỉ ngơi, mà xa hơn là cây cối sẽ ảnh hưởng đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân, ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của người Hà Nội được nâng lên. Đó chính là ý nghĩa nhân văn, là biểu tượng văn hóa ứng xử ở trong phong trào bảo vệ thiên nhiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra.
Bảo vệ môi trường thiên nhiên ở các đô thị nhiều triệu dân như ở Hà Nội không chỉ dùng lời răn đe của những điều luật, không chỉ là công việc của chính quyền và các cơ quan quản lý của địa phương mà là sự nghiệp của toàn dân. Ở đâu có con người, ở đâu có cảnh quan thiên nhiên thì ở đó phải dấy lên phong trào ứng xử văn hóa đối với môi trường sinh thái và môi trường tự nhiên. Ở Hà Nội, từ nhiều thập kỷ nay đã có phong trào “sạch nhà, gọn phố, đẹp thủ đô” và gần đây là phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo dựng những hành vi ứng xử đẹp đối với môi trường thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo tồn và tôn tạo danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử ở Thủ đô Hà Nội không chỉ là việc của riêng ai mà là của các tổ chức quần chúng, các tổ chức xã hội, các tổ chức tôn giáo, các nhà lãnh đạo Thành phố, các nhà văn hóa, chính trị gia… Nói nâng cao trình độ làm chủ thiên nhiên, chung sống hòa hợp với thiên nhiên, có thái độ và hành vi ứng xử văn minh đối với môi trường tự nhiên và sinh thái, mà không tính đến việc tổ chức giáo dục, tuyên truyền tri thức chuyên ngành môi trường là chuyện “nói không đi đôi với làm”.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội