Hà Nội cần đẩy mạnh công tác an sinh xã hội để hướng đến phát triển bền vững
Có thể nói, kể từ mốc năm 2008 khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính đến nay, mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động xấu của việc suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, song cần đánh giá khách quan rằng Hà Nội đã mạnh dạn triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm phát huy cao nhất những điều kiện cho việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Thủ đô.
Ngay sau thời điểm ngày 01/8/2008, việc tăng đột biến cả về diện tích, dân số, việc đầu tiên trong công tác đảm bảo an sinh xã hội là Thành phố đã rà soát và điều chỉnh kế hoạch bảo hiểm xã hội các quận, huyện. Việc xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của bảo hiểm xã hội Thành phố đã được tăng cường, những vấn đề vướng mắc, phát sinh ở các huyện và các đơn vị đã được kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã phê duyệt đề án về cơ chế chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với đối tượng chính sách xã hội giai đoạn 2010 - 2015. Đồng thời để nâng cao chất lượng lao động sau đào tạo và ổn định việc làm, Thành phố đã triển khai các giải pháp hỗ trợ lao động mất việc do suy giảm kinh tế; cho người lao động bị mất việc vay vốn để tự tạo việc làm tại chỗ. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2014 các quận, huyện đã duyệt cho vay 108,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Chính quyền Thành phố cũng dành một phần ngân sách khá lớn cho chính sách an sinh xã hội. Trong tổng ngân sách chi thường xuyên, chi đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội có xu hướng tăng mạnh trong thời kỳ 2008- 2012, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực y tế và đảm bảo xã hội. Cùng với việc ban hành các chính sách và hỗ trợ người dân trong vấn đề an sinh, Thành phố còn chủ động tuyên truyền vận động người dân tự an sinh, nhờ vậy năng lực “tự an sinh” của người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn được những mặt còn hạn chế của công tác an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố những năm qua. Đó là hệ thống chính sách an sinh xã hội của Hà Nội nhìn chung còn phân tán, chồng chéo, hiệu quả chưa cao, mức trợ cấp xã hội còn thấp. Công tác giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân còn nhiều hạn chế; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn thấp.
Bên cạnh đó, các chính sách về đảm bảo an sinh xã hội chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời ở một số địa phương. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác lao động việc làm còn hạn chế, vẫn xảy ra tình trạng “hành chính quan liêu”, gây tâm lý bức xúc và mệt mỏi cho người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến về các chính sách an sinh xã hội của Thành phố chưa đầy đủ, kịp thời và rõ ràng với những đối tượng liên quan…
Để hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế quốc gia, trong thời gian tới Chính quyền Thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đổi mới và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội; từng bước hình thành khung chính sách năng động phù hợp với xu hướng mà các nước có nền an sinh xã hội tiến bộ đang hướng tới. Ngoài ra, Thành phố cần tập trung phát triển dịch vụ xã hội bền vững và dễ tiếp cận đến với người dân, tăng cường các biện pháp phòng tránh và hỗ trợ việc làm hướng đến xã hội an toàn và hiệu quả.
Hai là, phát triển hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân; xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, nhiều tầng lớp, hướng tới bao phủ toàn bộ người dân, trong đó có chú trọng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân. Thành phố cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực của Nhà nước đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng dễ bị tổn thương, người dân nghèo...
Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.Bộ máy chính quyền cầnđẩy mạnh “xã hội hóa” các nguồn thu tài chính đảm bảo an sinh xã hội; có chính sách thúc đẩy sự tham gia, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và đông đảo người dân tham gia công tác đảm bảo an sinh xã hội. Muốn vậy, chúng ta phải có chính sách, cơ chế mang tính chất đặc thù nhằm thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, đông đảo người dân tham gia.
Bốn là, tăng cường khả năng tự “an sinh” của người dân. Cùng với việc tăng cường vai trò của Nhà nước, Thành phố, cộng đồng xã hội thì bản thân các đối tượng thụ hưởng chế độ an sinh xã hội cũng cần nâng cao trách nhiệm và năng lực tự “an sinh” của mình. Đây chính là biện pháp mang tính chất bền vững để đối tượng thụ hưởng vươn lên khẳng định vị thế, vai trò của bản thân trong xã hội.
Với những định hướng và giải pháp cụ thể, chúng ta có thể khẳng định công tác an sinh xã hội của Thành phố Hà Nội sẽ khởi sắc trong giai đoạn 2016-2020; để Hà Nội giữ vững vị thế là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước; góp phần cùng cả nước nhanh chóng đạt đến mục tiêu phát triển bền vững, tiến nhanh, tiến mạnh trong xu thế hội nhập quốc tế.
An Nam
Nhà xuất bản Hà Nội