Vài nét về đời sống tín ngưỡng và phong tục tập quán Thăng Long - Kẻ Chợ thời Nguyễn
Có thể thấy Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Chùa có ở tất cả các tổng và hầu hết các thôn, phường thuộc 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Tư liệu đương đại và di tích còn lại đến ngày nay cho biết phần lớn các ngôi chùa này có niên đại trước thế kỷ XIX. Cũng có một số lượng đáng kể chùa chiền đã bị phá huỷ vì nhiều nguyên nhân khác nhau vào những thập kỷ cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX (trong sổ địa bạ các thôn, phường thuộc hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận nhắc đến rất nhiều trường hợp như vậy). Chùa có tài sản đất đai (thổ) là nơi toạ lạc, cũng có thể là ruộng canh tác (điền), thường là ruộng hậu. Có những nơi diện tích đất đai chùa chiền miếu mạo chiếm một tỷ lệ đáng kể so với tổng diện tích, như ở tổng Đông Thọ (7,34%), tổng Đồng Xuân (9,31%), tổng Yên Hoà (7,74%) thuộc huyện Thọ Xương hay tổng Trung (8,04%) thuộc huyện Vĩnh Thuận. Một số ngôi chùa lớn được xây dựng dưới thời Nguyễn, tiêu biểu nhất trong số đó là chùa Báo Ân - một trung tâm sinh hoạt Phật giáo lớn ở Thăng Long – Hà Nội từ những thập niên giữa thế kỷ XIX.
Cùng với Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng ở Thăng Long – Hà Nội. Các đạo quán nổi tiếng như Trấn Vũ, Bích Câu vẫn là các trung tâm Đạo giáo lớn, không chỉ của Thăng Long – Hà Nội mà là của cả nước. Các tín ngưỡng dân gian, trong đó nổi bật là tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ tổ nghề rất phát triển. Bước sang thế kỷ XIX, quá trình “nông thôn hoá” về cơ cấu tổ chức hành chính cùng sự phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề thủ công nghiệp là cơ sở thúc đẩy sự mở rộng hơn nữa của sinh hoạt tín ngưỡng dân gian.
Với vị thế là đô thị đã hơn tám thế kỷ đóng vai trò kinh đô – trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, cư dân Kẻ Chợ - đất kinh kỳ đã tạo lập một sắc thái riêng, hào hoa phong nhã: “Con trai chuộng thi lễ, con gái siêng canh cửi. Thợ thuyền thì tinh thông kỹ nghệ. Nông phu thì chăm chỉ ruộng vườn. Bạn hữu lấy lời văn thơ tặng đáp. Xóm thôn cũng dùng lễ nghĩa nhường nhau. Cầu cúng thì hay cúng Phật, hát ca hay hát ả đào”. “Đêm giao thừa dựng cây nêu, đốt pháo, trẻ con sang nhà khác chúc phúc (đêm ấy trẻ con sang nhà hàng xóm chúc phúc chúc thọ, các gia chủ đều thưởng tiền, tục gọi là “sash”). Ngày mồng một Tết cúng thần và cúng tổ tiên. Con cháu trong nhà chúc tết các bậc bề trên. Tiết Đoan ngọ thì nghỉ làm đồng, tiết Trung thu thì treo đèn thưởng nguyệt, lễ Thượng điền là để cầu thần. Sau khi thu hoạch mùa màng có lễ tế Đinh cúng tiên hiền. Tiết Trùng cửu cúng cơm mới, cuối năm cúng Táo thần. Lúc đón dâu có tục chặn đường để mua vui. Thử trẻ bằng tối bàn vui vẻ. Còn như bánh ngọt chuộng nhất bánh Phục Linh ở Đồng Xuân (tên phường thuộc huyện Thọ Xương), rượu ngon quý nhất rượu sen, rượu cúc ở Thuỵ Chương (tên phường thuộc huyện Vĩnh Thuận)”. (theo Hà Nội sơn xuyên phong vực, in trong Nguyễn Thuý Nga - Nguyễn Văn Nguyên (Đồng chủ biên), Địa chí Thăng Long – Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm, tr. 175-176). Có thể thấy, với nhận xét này, những đặc trưng căn bản của người Thăng Long - Kẻ Chợ được lột tả tương đối rõ nét.
Từ 1802-1873 cho thấy một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội, khi đô thị này không còn giữ vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước. Tuy nhiên, vốn là kinh đô của quốc gia Đại Việt trong suốt 8 thế kỷ trước đó, Thăng Long – Hà Nội đến thời Nguyễn đã trở thành nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hoá dân tộc. Tuy giai đoạn này, trên phương diện chính trị - hành chính, Thăng Long – Hà Nội chỉ đứng sau kinh thành Huế. Nhưng trên phương diện kinh tế, Thăng Long – Hà Nội vẫn là trung tâm số một của cả vùng Bắc Thành – hay rộng ra là toàn xứ Đàng Ngoài cũ. Trên phương diện văn hoá, Thăng Long – Hà Nội vẫn là điểm kết tinh văn hoá dân tộc. Mặc dù có giảm sút vị thế về mặt chính trị - hành chính nhưng vẫn phát triển mạnh ở mặt kinh tế, xã hội và văn hoá, Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn vẫn là đô thị hàng đầu của đất nước, có gián đoạn về vai trò chính trị nhưng không đứt đoạn trong quá tình kinh tế - xã hội – văn hoá.
Văn Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội