Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 22/09/2015 10:04
Con người Hà Nội thể hiện qua văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Con người gắn với văn hóa. Con người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời đời sống con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người.

 
Thăng Long - Hà Nội là một trong những Thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, lại là thành phố duy nhất hầu như liên tục trong một ngàn năm qua đã giữ vững vị trí là đầu mối chính trị, là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước. Với vị thế đó, từ lâu Thăng Long - Hà Nội đã thu hút người từ mọi miền đất nước về đây sinh sống và lập nghiệp. Sự tập hợp ngày càng đông cư dân từ mọi miền đất nước đã biến Thăng Long - Hà Nội thành nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước.
 
Thăng Long - Hà Nội nằm ở châu thổ sông Hồng, nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Chính nơi đây là địa bàn sinh sống của người Việt cổ, rất đậm đặc các thần thoại, truyền thuyết, đền đài, miếu mạo, phản ánh sâu sắc quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các truyền thuyết về vua Hùng, về Thánh Gióng, về Chử Đồng Tử, về các vị thành hoàng đã có công khai phá bờ cõi và các làng nghề truyền thống… hầu như có mặt khắp nơi trên đất Thăng Long - Hà Nội. Chính cái kho tàng văn hóa dân gian đó đã tạo nên một động lực quan trọng, một sức sống lớn để Thăng Long - Hà Nội vượt qua mọi thách thức của lịch sử, trở thành chỗ dựa vững chắc về trí tuệ, ý chí, nghị lực và niềm tự hào của cả dân tộc. Có thể nói, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Đại Việt được khởi đầu từ Thăng Long. Các vương triều Việt Nam ở thời cường thịnh, rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức trong nhân dân và luôn chăm lo, chỉnh đốn việc học hành thi cử: thời nhà Lý lập Văn Miếu, mở khoa thi đầu tiên gọi là Minh Kinh bác học vào năm 1075, lập Quốc Tử Giám năm 1076, sau đó mở tiếp các khoa thi vào các năm 1086, 1152, 1193, 1195; nhà Trần lập Quốc Học viện, mở các khoa thi đều đặn hơn và còn bổ dụng các quan xuống các phủ để trông coi việc học tập; thời Lê Thánh Tông, số sĩ tử rất đông. Quốc Tử Giám có giảng đường học tập, có ký túc xá cho học sinh, có kho lưu trữ sách; Nhà Lê đặt ra lễ đọc tên người đỗ, lễ đón rước người đỗ về làng, lễ khắc tên tuổi tiến sĩ vào bia đá ở Văn Miếu. Cũng ở thời này triều đình đã ban hành 24 điều giáo huấn nhằm đưa Nho giáo vào văn hóa làng xã, đề cập các vấn đề đạo đức về gia đình, dòng tộc, thôn xóm theo lễ, nghĩa, hiếu, trung… Chính trên nền tảng giáo dục đó một nền văn hóa bác học đã ra đời, và trung tâm, đỉnh cao của nó vẫn là Thăng Long - Hà Nội.
 
Điểm đáng chú ý là giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học thời kỳ này đã có sự giao thoa chặt chẽ. Văn hóa dân gian đã trở thành mạch ngầm nuôi dưỡng dòng văn hóa bác học. Nhiều giá trị văn hóa dân gian đã thấm sâu vào văn hóa bác học dưới nhiều hình thức (dù đó là công trình kiến trúc đền chùa, cung đình, hay các tác phẩm văn học…). Ngược lại, thông qua văn hóa bác học, mà đại diện là các tầng lớp trí thức, nho sĩ thời bấy giờ, các giá trị văn hóa dân gian của từng vùng, miền đã được nâng lên thành các giá trị tinh thần có ý nghĩa toàn dân tộc. Đó là nét đặc thù của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
 
Sự xuất hiện dòng văn học bác học ở Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ XI, đặc biệt từ thế kỷ XIII, XIV đã làm rạng rỡ nền văn hóa Thăng Long. Bản lĩnh, trí tuệ, tài hoa của người Thăng Long - Hà Nội được thể hiện khá rõ nét. Nếu ta coi văn học là nhân học - văn học là con người, thì chính dòng văn học Thăng Long - Hà Nội một ngàn năm qua là tấm gương soi rõ nhất con người Thăng Long - Hà Nội. Chính trên mảnh đất này đã vang lên khúc ca hùng tráng của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo… và cả tiếng khóc bi hùng của Hoàng Diệu khi Thăng Long bị thất thủ trong Biểu trần tình. Hàng loạt thơ văn mang triết lý sâu sắc về cuộc đời đã xuất hiện trên đất Thăng Long. Việc xuất hiện các vương triều cực thịnh suốt mấy trăm năm (Lý, Trần, Lê) với chính sách thân dân, quan tâm thực sự đến đời sống của người dân, với chính sách đào tạo và trọng dụng người tài… đã biến Thăng Long - Hà Nội sớm trở thành điểm sáng của phong trào phục hưng dân tộc. Tinh hoa của người Thăng Long - Hà Nội được hình thành từ điểm sáng đó.
 
Các thế hệ người dân Thăng Long - Hà Nội được giáo dục ngay từ nhỏ những cảm nhận sâu sắc, những rung động tinh tế trước cuộc đời, trước con người và thiên nhiên tạo vật. Những nhân tố đó đã góp phần hình thành nét thanh lịch của người Tràng An: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Nét thanh lịch duyên dáng đó được nảy sinh bên cạnh hào khí Thăng Long đã làm tăng vẻ đẹp của người Hà Nội, tạo nên ở họ cái chất anh hùng và nghệ sĩ. Chất anh hùng và nghệ sĩ đó được biểu hiện một cách tập trung trong nhân cách và tác phẩm của những danh nhân văn hóa tiêu biểu nhất của Thăng Long - Hà Nội, kể từ Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông… và ở thời đại chúng ta, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay tại Thủ đô Hà Nội.
 
Cho đến nay dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao biến động về kinh tế xã hội, đặc biệt xu thế hội nhập quốc tế hôm nay, xu thế đô thị hóa và nền kinh tế thị trường gây ra, nhưng đại đa số người Hà Nội vẫn bảo lưu được các giá trị truyền thống của ngàn năm văn hiến. Tinh thần tự hào và ý thức bảo vệ các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội vẫn là nguồn nhựa sống trong tâm hồn các thế hệ công dân Thủ đô. Tinh thần hiếu học, ý thức vươn lên làm chủ khoa học công nghệ đang hình thành khá phổ biến trong thế hệ trẻ. Sự gắn bó của người dân với nơi chôn rau cắt rốn của mình, và nói rộng ra, với nông thôn vẫn được thế hệ cha anh lưu giữ và giao truyền lại cho thế hệ trẻ Thủ đô.
 
Trần Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)