Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 24/09/2015 03:53
Đôi điều về cơ chế đẳng cấp trong xã hội phong kiến Thăng Long - Hà Nội

Ngay từ buổi đầu thành lập, Thăng Long, do vị trí địa lý thuận lợi “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”, đã là một nơi đông đúc, là “chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương”. Đây cũng là đô thành nằm trong khuôn khổ một chế độ phong kiến nhà nước quan liêu mang tính chất phương Đông và bởi thế cơ chế đẳng cấp trong kết cấu dân cư chính là một trong những nét đặc thù của nơi đây.

 
Trong cơ chế đẳng cấp, tầng lớp thống trị là đẳng cấp vua quan bao gồm vua chúa, quý tộc quan liêu với công cụ là các quân sĩ. Tầng lớp nho sĩ xuất thân bình dân nhưng lại gắn bó với khối thống trị chủ yếu về mặt tư tưởng, ý thức hệ. Khối bị trị là đẳng cấp thứ dân, bao gồm các tầng lớp bình dân như thợ thủ công, nông dân, thương nhân và một số tầng lớp hạ đẳng khác. Trong sự phân tầng xã hội mang tính chất đẳng cấp, sự khác biệt ban đầu giữa các giai tầng cư dân chủ yếu xuất phát từ mặt chính trị - xã hội, quyền lực, uy thế.
 
Qua các thời kỳ lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách để củng cố cơ chế đẳng cấp trong xã hội nhằm tạo nên địa vị vững chắc, đảm bảo những quyền lợi về vật chất và vị thế chính trị cho giai tầng thống trị. Nhà nước phong kiến Lê - Trịnh ở Thăng Long - Hà Nội đã đề ra hàng loạt những luật lệ, biện pháp, quy chế với mục đích xác định vai trò và uy thế thống trị của đẳng cấp quan liêu cũng như địa vị, vị trí của đẳng cấp thứ dân trong xã hội. Chế độ miễn thuế, miễn lao dịch và binh dịch, chế độ giảm tội và chuộc tội bằng tiền đối với tầng lớp quý tộc quan liêu là những đặc quyền pháp lý dành cho đẳng cấp này. Cùng với đó, tầng lớp quan liêu còn được hưởng một đời sống sinh hoạt xa xỉ và bất cứ ai trong tầng lớp bình dân cũng không thể tiếm vượt. Cụ thể, nhà nước phong kiến đề ra tỷ mỷ về tiêu chuẩn sinh hoạt hợp thức của các bậc quan lại và thứ dân, về kích thước nhà cửa, màu sắc quần áo, ngựa xe, đồ dùng hàng ngày và có những hình phạt cụ thể cho việc vi phạm. Như điều 142 của Lê triều hình luật ghi rõ: “Những lễ tang, tế tự, cho đến nhà cửa xe thuyền, áo mũ, đồ dùng, phần mộ, nếu làm quá phép thì phải xử tội phạt hay biếm, và phải hủy bỏ những đồ quá phép ấy”.
 
Là đối tượng được quyền sống xa xỉ nhưng quan lại lại bị ràng buộc bởi quy định không được phép dính líu đến hoạt động kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế, mọi thu nhập và cung đốn đều xuất phát từ lương bổng có hạn định của triều đình. Thế nên để làm giàu và sắm sửa đồ vật sang quý họ phải đánh đổi bằng các “thủ pháp” ngoại đạo khác. Song song với đó, theo quy luật phát triển của xã hội, nền kinh tế hàng hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội đã đưa một số thương nhân chủ hiệu trở thành những gia đình giàu có, tiền của dư thừa, đủ đáp ứng những nhu cầu vật chất xa hoa, vương giả như những người thuộc tầng lớp trên. Nhưng nghịch lý là theo quy định của chế độ phong kiến, họ vẫn thuộc tầng lớp dưới với địa vị xã hội thấp kém. Những điều này dẫn đến hệ quả là sự giao lưu đẳng cấp và cuối cùng là sự tiếm vượt và chuyển dịch đẳng cấp.
 
Hình thức sơ khai của sự giao lưu, tiếm vượt và chuyển giao đẳng cấp là việc quan lại dùng thủ đoạn đi cướp bóc đồ quý của nhà giàu hoặc tham ô hối lộ, và nhiều khi là mượn họ hàng để tiến hành hoạt động buôn bán lén lút. Còn những gia đình có tiền của thì thực hiện việc mua quan bán tước, phát chẩn để được ban phẩm hàm, hoặc học tập lối sống giàu sang, đài các của tầng lớp quý tộc. Sau này, những hình thức trên đã chuyển hóa thành các cuộc hôn nhân giữa các quan nghè tân khoa với con gái một số nhà buôn giàu có. Đó cũng là cuộc hôn nhân chính trị - kinh tế giữa hai tầng lớp quan liêu và thị dân lớp trên của Thăng Long - Hà Nội.
 
Nền kinh tế hàng hóa không chỉ làm thay đổi bộ mặt đô thị chốn Kinh thành mà còn làm mờ dần những ranh giới đẳng cấp, những phân biệt đối xử và tiêu chuẩn sinh hoạt cũng vì thế mà loãng nhạt dần.
 
Dưới triều Nguyễn, bất chấp sự nỗ lực của nhà nước nhằm khôi phục lại lễ giáo phong kiến, trật tự đẳng cấp bằng một loạt các biện pháp hành chính, pháp chế và những quy định bắt buộc, hiện tượng giao du và tiếm vượt đẳng cấp đã thực sự trở thành một xu thế lịch sử, nhất là trong điều kiện Hà Nội ở xa kinh đô Huế và vẫn có một nền kinh tế hàng hóa phát triển. Bởi vậy những cuộc kết giao và hôn nhân có tính toán giữa tầng lớp quan liêu và thương nhân giàu có vẫn là nét sinh hoạt quen thuộc của chốn phồn hoa đô hội.
 
Mặc dù đã có những lúc ranh giới quý tộc - thương nhân được xóa mờ khi hai giới này tìm được điểm chung về thỏa mãn quyền lợi, song, nhìn chung cơ chế đẳng cấp trong xã hội Thăng Long - Hà Nội suốt những năm tháng quân chủ chuyên chế không hề bị đảo lộn. Bởi về gốc rễ, giới quan liêu theo chính thống vẫn không thể công khai tiến hành hoạt động kinh doanh kinh tế, các tầng lớp bên trên của đẳng cấp thứ dân dù có sinh hoạt xa hoa, vương giả đến đâu thì cũng chưa khi nào vượt thoát khỏi thân phận của những kẻ thần dân bị cai trị để vươn tới địa vị thống trị trong nền kinh tế - xã hội đô thị đất Thăng Long.
 
 
Phong Kiều
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)