Hà Nội cần xây dựng định hướng phát triển xứng tầm Thủ đô
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, Hà Nội có những cơ hội lớn, đó là được mở rộng các quan hệ kinh tế đa dạng và đẩy nhanh quá trình đổi mới thể chế, tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ khoa học - công nghệ của thế giới trong phát triển kinh tế đô thị, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, lấy sự phát triển khoa học - công nghệ và giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển cơ bản.
Tuy nhiên, xu thế toàn cầu hóa không phải không có những thách thức. Những áp lực đối với sự phát triển của Hà Nội là tụt hậu về năng lực cạnh tranh so với thủ đô của các nước khác. Các sản phẩm và dịch vụ của Hà Nội có thể bị mất thị trường vào đối tác nước ngoài. Các cơ sở kinh tế quan trọng của Hà Nội nếu quản lý thiếu hiệu quả, có thể bị mua lại và bị thôn tính bởi các tập đoàn xuyên quốc gia. Cạnh tranh trên thị trường lao động; áp lực về sức ép gia tăng đáng kể dân số cơ học như nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, đi lại, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng thông tin…
Trong những năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong đó có hội nhập kinh tế khu vực ASEAN cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Với định hướng xây dựng thủ đô Hà Nội tương xứng với thủ đô của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, chính quyền Thành phố cần khai thác các tác động nhiều chiều của tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế theo các định hướng cơ bản sau:
Thứ nhất, định hướng về chính trị - an ninh, cần bảo đảm sự ổn định chính trị - an ninh của thủ đô Hà Nội để bảo đảm lòng tin đối với các nước. Việc kiên định mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô là cần thiết để giữ vững an ninh chính trị của Thủ đô trước các tác động nhiều chiều của tiến trình hội nhập quốc tế. Thành phố cần tập trung vào các vấn đề an ninh phi truyền thống, chống tình trạng tội phạm xuyên quốc gia, tệ nạn xã hội, chống các thế lực phản động có âm mưu bạo loạn, lật đổ hay gây bất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các chủ trương, chính sách của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị và an ninh cũng cần phù hợp với các nội dung được đề cập trong Cộng đồng chính trị - an ninh để tiếp nhận được sự ủng hộ và hợp tác cao nhất của các quốc gia trong cùng khu vực cũng như trong các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, định hướng về kinh tế, Hà Nội cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thích nghi với hiệu quả cao nhất các nội dung của Cộng đồng kinh tế khu vực, gồm xây dựng một thị trường hàng hóa và dịch vụ thống nhất, việc di chuyển tự do vốn. đầu tư, lao động có kỹ năng để hình thành một cơ sở sản xuất thống nhất, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Những yếu tố đó đòi hỏi Hà Nội phải điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh trong khu vực như các ngành sử dụng nhiều nguồn lực tại chỗ, ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ cao, kỹ thuật tinh xảo và dịch vụ chất lượng cao có khả năng tạo giá trị gia tăng lớn..
Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế Thủ đô cần bảo đảm tính bền vững, bảo đảm các tiêu chuẩn chặt chẽ về môi trường để giảm thiểu việc di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào Thủ đô. Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp công nghệ cao để vừa có cơ hội tiếp cận công nghệ cao vừa đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao. Đồng thời, Thành phố cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hệ thống nhà ở, dịch vụ ngân hàng, tài chính, giáo dục, y tế… Các yếu tố cơ sở hạ tầng này cần được xây dựng và phát triển theo những tiêu chuẩn quốc tế để tạo khả năng tiếp cận nhanh chóng với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới.
Thứ ba, định hướng về văn hóa - xã hội, cần coi trọng việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm của Thủ đô để giữ bản sắc riêng trong tiến trình hội nhập văn hóa khu vực và quốc tế; song cũng cần biết chắt lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; hài hòa giữa bản sắc riêng của Việt Nam với cộng đồng văn hóa chung của khu vực và thế giới. Do đó, chúng ta cần tích cực tham gia các sự kiện văn hóa - xã hội của cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội không chỉ của Hà Nội mà còn của cộng đồng quốc tế, để bảo đảm Hà Nội là bạn, là đối tác tin cậy với mọi quốc gia.
Với các lợi thế sẵn có về điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội, với định hướng phát triển tổng thể và bền vững, Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là Thủ đô của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo như mục tiêu của Đảng đã đề ra.
Nguyễn Anh
Nhà xuất bản Hà Nội