Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 24/09/2015 04:06
Cần tạo dựng vị thế của Thủ đô Hà Nội trong hội nhập kinh tế quốc tế

Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển như vị trí địa - chính trị quan trọng trong khu vực, có mối quan hệ và tính kết nối cao với thủ đô và các thành phố trong châu lục cũng như cả thế giới. Bên cạnh đó, Hà Nội có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương khác trong cả nước và là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế và văn hóa - xã hội của cả nước. Bởi vậy, cần khai thác hiệu quả các lợi thế trên để tạo dựng và khẳng định vị thế của Thủ đô trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 
Hà Nội có khả năng thu hút mạnh các nguồn lực về con người, tài chính không chỉ ở trong nước mà còn cả trong khu vực và thế giới. Hà Nội là nơi có nhiều ngân hàng lớn trong nước và quốc tế, nhiều trung tâm tài chính lớn cũng như nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp của Hà Nội sản xuất được các hàng hóa có chất lượng cao, đủ khả năng xuất khẩu. Hà Nội còn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử hào hùng và phản ánh tập trung nhất trang sử của dân tộc cho nên có khả năng thu hút nhiều du khách cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực du lịch.

Thêm vào đó, với cơ sở vật chất và hạ tầng cơ sở phát triển cao nên Thủ đô Hà Nội có khả năng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để sinh sống và kinh doanh lâu dài. Người dân Thành phố, với thu nhập trung bình gần như cao nhất cả nước, sẽ khiến Hà Nội trở thành một thị trường có sức mua lớn với tổng cầu khoảng 1/3 GDP của cả nước.

Xét về lĩnh vực hợp tác đầu tư, Hà Nội là một trong những thành phố đi đầu của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hầu hết các công ty, tập đoàn lớn của cả nước thuộc tất cả các ngành nghề đều có trụ sở hoặc chi nhánh ở Hà Nội. Trước hết, xét về việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ, thể nhân và tự nhiên nhân, Hà Nội là địa phương tiếp nhận đầu tiên và trực tiếp dòng hàng hóa, dịch vụ, du khách, doanh nhân, nhà đầu tư từ các nước trong khu vực và quốc tế. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách hội nhập kinh tế khu vực được Hà Nội thực hiện tiên phong. Các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu ở Việt Nam đều đặt ở Hà Nội cũng như cơ sở hạ tầng có trình độ cao hơn các địa phương khác nên Hà Nội có lợi thế cao hơn các địa phương khác trong cập nhật và tiếp cận thông tin không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và trên thế giới.

Về thương mại, dòng hàng hóa xuất khẩu từ nước ngoài vào Hà Nội có xu hướng tăng lên, đặc biệt hàng nông sản và các măt hàng tiêu dùng không chỉ xuất hiện trong siêu thị mà còn cả trong các cửa hàng tư nhân. Nhiều cơ sở dịch vụ của các nước như ngân hàng, bảo hiểm, khách sạn, dịch vụ ăn uống… được thành lập ở Hà Nội. Ví dụ điển hình, mới đây một đối tác của Thái Lan đã mua lại hệ thống chuỗi siêu thị bán lẻ METRO tại Việt Nam trong đó có nhiều chi nhánh tại Hà Nội. Việc mua lại hệ thống bán lẻ này có thể thấy Hà Nội đã được kết nối với Thái Lan trong việc hình thành mạng lưới phân phối hay chuỗi cung ứng hàng hóa của Thái Lan. Tính tương đồng về nhu cầu và sản phẩm, ưu thế về chất lượng hàng hóa cao hơn hàng tương tự của các quốc gia khác tạo cho Thái Lan lợi thế phát triển sâu thị trường Hà Nội trong thời gian ngắn so với các đối tác khác.

Về đầu tư, nhiều nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế đã đầu tư vào Hà Nội trên các lĩnh vực như bất động sản, lắp ráp ô tô và sản xuất các sản phẩm cơ khí… Về dịch vụ, nhiều nhà kinh doanh dịch vụ quốc tế đã thiết lập các cơ sở cung ứng dịch vụ tại Việt Nam như dịch vụ giáo dục hay bảo hiểm, du lịch… Các doanh nghiệp của Hà Nội chính là đầu mối tiếp cận và kết nối với các nhà cung ứng dịch vụ của quốc tế đến với Việt Nam. Những thành công trên đây cho thấy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Nội diễn ra đúng với cam kết quốc tế.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2025, dân số Hà Nội đạt con số khoảng 12-15 triệu người và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 10.000 đôla Mỹ - là mức thu nhập cơ bản của một nước công nghiệp. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của Hà Nội sẽ đạt trình độ tiên tiến của khu vực. Hà Nội sẽ trở thành một trung tâm dịch vụ quan trọng của khu vực gồm dịch vụ ngân hàng - tài chính, du lịch - dịch vụ và là một trong những trung tâm nghiên cứu - phát triển giáo dục chất lượng cao của cả nước và khu vực.

Bởi vậy, ngay từ bây giờ Hà Nội cần nắm bắt các cơ hội và lợi thế của Thủ đô trong tiến trình hội nhập; tích cực mở rộng các quan hệ kinh tế đa dạng và đẩy nhanh quá trình đổi mới thể chế; tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ khoa học - công nghệ của thế giới trong phát triển kinh tế đô thị, lấy giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển cơ bản... Với chiến lược phát triển đó, Hà Nội sẽ có đầy đủ các nền tảng kinh tế để tham gia hiệu quả vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực nói riêng, kinh tế thế giới nói chung.
 
 
Nguyễn Thương
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)