Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 24/09/2015 04:20
Di tích Gò Cây Táo – một trong 10 di tích Văn hoá Phùng Nguyên ở Hà Nội

Di tích Gò Cây Táo là một trong 10 di tích Văn hoá Phùng Nguyên thuộc Hà Nội với hiện vật thu lượm được khá phong phú. Di tích này thuộc bên hữu ngạn sông Hồng. Theo tên một di chỉ khảo cổ thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ Văn hoá Phùng Nguyên được phát hiện và khai quật đầu tiên có tính chất tiêu biều mở đầu cho quá trình dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam (mở đầu vào khoảng 4.000 năm trước và kéo dài khoảng 600-700 năm). Ở lưu vực sông Hồng, lớp cư dân nông nghiệp lần đầu tiên biết đến kỹ thuật luyện kim đã tạo nên bộ mặt văn hoá khá thống nhất cho cả một vùng rộng lớn, gồm trung du và một phần đồng bằng Bắc Bộ.

 
Vào khoảng 4.000 năm trước, cùng với sự hình thành vùng châu thổ sông Hồng và sự xuất hiện của kỹ thuật luyện đúc đồng, con người đã từng bước từ vùng núi cao và trung du tiến xuống chiếm cứ, khai phá đồng bằng châu thổ và các thung lũng sông suối. Đến lúc này, còn người đã có mặt trên hầu khắp các vùng, từ rừng núi, trung du đến đồng bằng. Cũng từ đây, cư dân sinh sống trên đất Hà Nội đã đoạn tuyệt với thời đại đá để bước vào thời đại đồng thau, tuy lúc này công cụ đá vẫn tiếp tục được sử dụng.
 
Đến nay, theo thống kê, chúng ta đã phát hiện được khoảng 70 di tích Văn hoá Phùng Nguyên được phân bố trên lưu vực sông Hồng, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phủ Thọ và Vĩnh Phúc. Ở Hà Nội, chúng ta cũng đã phát hiện và khai quật một số di tích Văn hoá Phùng Nguyên. Di tích Gò Cây Táo là một trong số những di tích đó.
 
Di tích Gò Cây Táo thuộc bên hữu ngạn sông Hồng, nằm trên cánh đồng Miễn, thuộc thôn Triều Khúc, xã tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, nên cũng có tên là di tích Triều Khúc. Di tích nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 8,5km, cách quận Hà Đông khoảng 2,6km về phía tây nam, cách Quốc lộ 6 khoảng 1,7km, cách sông Hồng khoảng 7,5km về phía đông bắc. Di tích nằm trên một gò đất cao giữa triền sông Tô và sông Nhuệ, có độ cao hơn mặt nước biển khoảng 3,6m và cao hơn đồng ruộng xung quanh khoảng 0,85m. Trong một vòng bán kính khoảng vài kilômét có các di tích khảo cổ Đàn Xã Tắc, Văn Điển, Gò Chùa Thông, Chùa Gio, Phú Lương.
 
Di tích có chiều dài đông – tây khoảng 225m, chiều rộng bắc – nam khoảng 115m, diện tích ước tính khoảng 28.000 – 30.000m2, bao gồm Gò Cây Táo và những thửa ruộng bên cạnh.
 
Di tích Gò Cây Táo được nhân dân phát hiện từ năm 1956, nhưng đến năm 1971, Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Tổng hợp Hà Nội mới chính thức tổ chức điều tra nghiên cứu và tiến hành khai quật vào đầu năm 1972 với diện tích 150m2. Tầng văn hoá tương đối mỏng, chỉ dày trung bình khoảng 20 - 35cm, nằm dưới lớp đất phù sa sông canh tác, có cấu tạo từ đất sét pha cát mịn màu nâu hoặc xám đen, trong chứa nhiều hiện vật đá và mảnh gốm. Trên mặt sinh thổ phát hiện được nhiều hố đất đen không có hình thù nhất định, sâu khoảng 10 - 40cm. Riêng ở hố 1, trong diện tích 35m2 đã có tới 25 hố đất đen. Tầng văn hoá có vài chỗ bị xáo trộn do hoạt động của cư dân cận hiện đại, nên có một số mảnh gốm và gạch sau này lẫn vào.
 
Theo kết quả nghiên cứu, khai quật, điều tra cho thấy những hiện vật thu được ở di tích Gò Cây Táo tương đối phong phú. Tổng cộng có tới 153 hiện vật thu được trong hố khai quật lẫn thu được trong nhân dân, trong đó chủ yếu là đồ đá, gồm 140 chiếc, chiếm tới 92,9% hiện vật thu được, với một ít đồ gốm và xương động vật.
Đồ đá thu được có kích thước tương đối nhỏ, mài toàn thân nhẵn bóng, phần lớn được làm từ đá nêphơrit. Về loại hình, có 35 rìu bôn tứ giác, 2 đục vũm, 20 bàn mài gồm loại đá ráp để mài thô và loại đá màu để mài mịn, 1 mũi nhọn tái chế từ mảnh vòng gãy. Đồ trang sức gồm 51 mảnh vòm có màu sắc khác nhau với mặt cắt ngang hình tam giác, hình chữa T và hình chữ nhật dẹt, 1 hạt chuỗi hình ống. Ngoài ra, còn có 1 lõi vòng và 29 hòn đá có vết gia công cưa, khoan mài. Những đồ đá ở đây cho thấy người thợ đá đã sử dụng thành thạo các kỹ thuật cưa, khoan mài, phay, tiện, đưa nghề chế tác đá lên đến đỉnh cao.
 
Đồ gốm ở đây gồm 2 dọi xe sợi, 3 bi gốm, 3 mảnh chân chạc và 2.421 mảnh gốm vỡ. Đây là mảnh vỡ của các loại đồ đựng, đồ đun nấu và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như nồi, vò, bình, bát… Trong đó, đáng chú ý là các loại bình, bát có chân đế hình vành khăn hơi choãi và tương đối cao. Phần lớn đồ gốm Gò Cây Táo là đồ gốm thô pha cát mịn, mặt ngoài có phủ một lớp áo mỏng mịn, thành mỏng, độ nung thấp. Hoa văn trang trí chủ yếu là văn thừng mịn, có một số văn khắc vạch chấm dải, văn in cuống rạ, văn đắp nổi quanh miệng. Phần lớn gốm ở đây có màu đỏ nhạt và được chế tạo bằng phương pháp bàn xoay.
 
Đồ đá cũng như đồ gốm ở đây khá giống với di tích Văn Điển. Ở đây cũng chưa phát hiện được dấu vết đồng, tuy nhiên có thể xếp di tích Gò Cây Táo vào Văn hoá Phùng Nguyên, cùng một trình độ phát triển như di tích Phùng Nguyên, Văn Điển, cách ngày nay khoảng 3.500 – 4.000 năm.
 
Xuân Hoàng
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)