Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 30/09/2015 10:44
Đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Thủ đô thông qua tiêu chí phát triển văn hóa - xã hội

Thủ đô Hà Nội có đủ tiềm lực và điều kiện để có thể đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, thực sự trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Để làm được điều này, chúng ta cần có sự đánh giá một cách cụ thể và toàn diện về chất lượng tăng trưởng kinh tế Thủ đô những năm vừa qua thông qua nhiều tiêu chí, trong đó có một tiêu chí quan trọng là tiêu chí phát triển văn hóa - xã hội.

 
Với truyền thống văn hóa của Thủ đô nghìn năm tuổi, Hà Nội luôn tự hào là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tập trung nguồn lực phát triển văn hóa - xã hội. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong những năm trở lại đây Chính quyền Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về nâng cao đời sống văn hóa - xã hội cho người dân Thủ đô, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; lấy phát triển văn hóa - xã hội là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
 
Một là, Hà Nội tiếp tục phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh, ngăn chặn, đẩy lùi hủ tục và các tệ nạn xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển văn hóa được triển khai tích cực, từng bước tạo chuyển biến trong suy nghĩ, hành động của các cấp, các ngành, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Hệ thống các thiết chế văn hóa từ Thành phố tới cơ sở từng bước được hoàn thiện; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội được quan tâm, triển khai tích cực. Hoạt động văn học, nghệ thuật có tiến bộ đáng khích lệ, nhiều tác phẩm có giá trị được công chúng Thủ đô ghi nhận.
 
Bên cạnh đó, mạng lưới thông tin, truyền thông, tuyên truyền từng bước được hiện đại hóa, hoạt động có hiệu quả; công tác quản lý hoạt động báo chí, xuất bản được đẩy mạnh, theo sát định hướng của Đảng, Nhà nước và thực tiễn cuộc sống. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa lớn được tổ chức tốt, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô ở trong nước và trên thế giới. Công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước được tổ chức chu đáo, thành công.
 
Hai là, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Thủ đô tiếp tục phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Công tác đổi mới giáo dục phổ thông có nhiều tiến bộ. Chính sách thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng. Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục được nâng cao. Quy mô, số lượng và chất lượng giáo dục được giữ vững, thực hiện vai trò là lá cờ đầu của cả nước về giáo dục và đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo được tăng cường. Thành phố đã bố trí tăng kinh phí hàng năm để xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp; xây dựng nhà trường từng bước theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa.
 
Ba là, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai với nhiều chương trình, giải pháp đồng bộ, có hiệu quả. Quy mô và chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ và công nhân kỹ thuật cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Nhờ thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề, toàn Thành phố hiện có hàng trăm cơ sở dạy nghề với đa dạng hình thức sở hữu và cấp độ đào tạo, để đào tạo được lực lượng công nhân kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Với hệ thống cơ sở dạy nghề ngày càng được tăng cường cả số lượng và chất lượng, số lao động được dạy nghề cũng ngày một tăng lên, đáp ứng yêu cầu cung lao động cho sản xuất.
 
Bốn là, Hà Nội đã và đang khẳng định là trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước. Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội là nơi tập trung đông nhất các nhà khoa học đầu ngành đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng, các viện, cơ quan nghiên cứu khoa học, vì vậy Hà Nội có được một nền tảng vững chắc phục vụ cho công tác nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ. Bên cạnh kinh phí từ nguồn ngân sách, Thành phố chủ trương tăng cường thu hút các nguồn vốn khác ngoài ngân sách, khuyến khích động viên các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bỏ kinh phí ra nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.
 
Ngoài những kết quả cụ thể trên, cần nhận định khách quan là trong những năm trở lại đây, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô, đặc biệt là khu vực nông thôn được nâng cao rõ rệt. Thành phố đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, kiến trúc tiêu biểu các vùng miền; nâng cao chất lượng hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được quan tâm và có nhiều tiến bộ...
 
Có thể nói, với những kết quả đáng ghi nhận thông qua tiêu chí phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn, chúng ta có thể đánh giá một cách tích cực, lạc quan về chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội những năm gần đây. Đây sẽ là một lợi thế, một tiền đề cơ bản để Hà Nội vươn lên nấc thang phát triển mới, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước trong giai đoạn hiện nay.
 
 
Gia Lâm
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)