Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 30/09/2015 11:00
Văn hoá nghệ thuật ở Thăng Long thời Lê - Trịnh

Loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống được mọi tầng lớp xã hội Thăng Long - Kẻ Chợ ưa thích phải kể đến đó là ca múa nhạc. Loại hình này đặc biệt được phổ biến trong các thế kỷ XVII – XVIII ở một môi trường xã hội đô thị có nền kinh tế hàng hoá và một tầng lớp thị dân phát triển với những nhu cầu giải trí như kinh kỳ và thu hút cả tầng lớp thượng lưu quý tộc đến quần chúng bình dân.

 
Trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ cho biết tuồng chèo đã được diễn thường xuyên nơi cung vua phủ chúa, cũng như trong dân gian nhiều gia đình khá giả đã mời các gánh hát về nhà biểu diễn trong các dịp vui như cưới xin, lễ tết…

Thời Lê sơ ở Thăng Long - Kẻ Chợ đã có sự phân biệt đối xử giữa 2 dòng ca múa nhạc. Nhã nhạc (nhạc quý tộc) chịu ảnh hưởng nhạc Trung Hoa, chỉ dành riêng cho chốn cung đình, dinh thự, còn tục nhạc (nhạc giáo phường) dành riêng cho quần chúng bình dân, thường bị giới thượng lưu khinh rẻ. Đến thế kỷ XVII – XVIII, tình hình đã đổi khác đó là việc 2 dòng ca múa nhạc đối lập có khuynh hướng hoà nhập cùng nhau. Ca múa nhạc dân gian được đem vào biểu diễn nơi cung đình. Con em các nhà quyền quý đi kết thân với giới giáo phường, có khi mời họ về nhà dạy tập luyện. Điều này cho thấy sự giao hoà văn hoá tâm lý phản ánh sự giao lưu đẳng cấp xã hội.

Khi đó, các đội giáo phường đã cùng nhau tụ họp lập thành một thôn giáo phường, có đình Giáo Phường (di tích còn lại ở nhà số 83B Phố Huế) ở Kinh thành. Theo Văn bia đình Đông Tác (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) còn ghi lại cảnh sinh hoạt ca múa nhạc tại kinh thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII (theo Địa chí văn hoá dân gian Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, Hà Nội, 1991, tr.138): “Những lúc mở đám trò vui theo tục ngày hội, thì khoe lục phô hồng, lụa là óng ánh, hát hay múa dẻo, kèn sáo chen nhau… Ả đào ngâm khúc hát thái bình, ca câu dân yên vật thịnh… Kép hát ngợi khen đời thịnh trị, chúc câu biển lặng sông trong”.

Nơi cung vua phủ chúa, người ta thường hay biểu diễn những làn điệu của loại hình hát Cửa quyền và đội Bả Lệnh (quân nhạc). Hát Cửa quyền là biến tấu của nhạc giáo phường được cung đình hoá, với các nhạc cụ như trúc sinh để cầm nhịp, đàn cầm, đàn cửu huyền, đàn tranh… Quân nhạc có trống phong yên cổ (trống tầm bông), kèn xuý quản…

Ở Thăng Long - Kẻ Chợ, ca múa nhạc dân gian có nhiều thể loại phong phú. Nhiều làn điệu dân ca được phổ biến như hát ru, cò lả, hát ví, hát đượm, trống quân, hát sẩm, các điệu hò.

Giáo phường Lỗ Khê (Đông Anh) có tổ nghề là Đinh Dự (con tướng Đinh Lễ của nghĩa quân Lam Sơn) và vợ là Đường hoa nổi tiếng với các làn điệu hát Cửa đình và các điệu múa đặc sắc, trong đó có điệu múa Bài bông truyền thống tương truyền do Trần Nhật Duật đặt ra, ca ngợi chiến tháng chống Mông – Nguyên. Hát ca trù đã được phổ biến ở Kẻ Chợ với xóm giáo phường Hàng Giấy. Các điệu hát múa hội làng nổi tiếng chung quanh kinh thành Thăng Long như múa đèn đền Hai Bà Trưng, hát múa ải lao (Phù Đổng – Gia Lâm) mô phỏng hội Thánh Gióng.

Các nhạc cụ truyền thống dùng cho các đội giáo phường cũng rất phong phú, kết hợp các bộ gõ, bộ dây như các loại trống, cồng chiêng, thanh la, chuông mõ, sênh tiền, kèn, sáo, tù và, các loại đàn nhị.

Nghệ thuật sân khấu:

Tuồng, chèo, múa rối nước là những loại hình nghệ thuật sân khấu được ưa thích ở Thăng Long - Kẻ Chợ, trong cung điện cũng như ngoài dân gian. Nhìn chung sân khấu bài trí đơn giản, hoá trang và động tác của các diễn viên (đào, kép) mang nhiều tính ước lệ, nhưng nhiều lúc đã đạt tới một trình độ nghệ thuật điêu luyện. Theo S. Baron, người phương Tây sống ở Kẻ Chợ trong nửa sau thế kỷ XVII, mô tả: “Phần lớn, các vở đã được diễn thâu đêm đến sáng. Diễn viên trên sân khấu thường có độ 3, 4, 5 người. Thù lao của họ không quá một nghìn đồng (một quan: 600 đồng) tương đương chừng 1 đô la cho suốt cả đêm diễn. Nhưng những khán giả hào phóng đã tặng cho họ những đồng tiền thưởng mỗi khi họ diễn kháo, hay… Những cô đào ăn vận lụa là vừa múa vừa hát… Lúc nghỉ ở giữa vở, một chú hề ra làm điệu bộ khôi hài, làm cho mọi người cười rộ. Những nhạc cụ của họ có trống, chiêng, kèn, đàn, nhị… Lại có những phụ nữ, vừa đội đèn trên đầu vừa múa hát, uốn mình trong hàng nửa giờ liền, mà không hề để rớt ra một giọt dầu nào ra ngoài, trước sự thán phục của mọi người.

Trong cung vua (điển hình là thời Lê Hiển Tông, một vị vua thích vui chơi giải trí) người ta thường diễn các vở tuồng chèo theo các tích lấy ra từ lịch sử Trung Hoa. Vua quan bắt các đào kép hát tuồng diễn tích Tam Quốc chia ra ba phe Nguỵ, Thục, Ngô, vừa hát theo truyện vừa làm điệu bộ đâm chém nhau. Trong dân gian, tuồng còn có tên là hát bội, diễn những vở có nhiều tình huống mang tính mâu thuẫn, bi kịch gọi là tuồng nho (Sơn Hậu – Tam Nữ đồ vương) hoặc một số tuồng hài tương tự như chèo (Nghêu, sò, ốc, hến).

Lễ hội cũng là một sinh hoạt văn hoá phổ biến ở Thăng Long thời Lê - Trịnh, vừa mang tính chất cung đình, tâm linh, vừa mang tính dân gian, giải trí. Những lễ thức cung đình như các dịp tế Giao, tế Tôn Miếu, tế Giám, về nguyên tác bao giờ vua Lê cũng đứng vai trò chủ tế, chúa Trịnh chỉ là bồi tế. Nhưng về sau, Trịnh Giang, Trịnh Sâm đã phá bỏ lệ này.

Trong xã hội Việt Nam truyền thống chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp, các lễ thức cầu mong cho một mùa màng tươi tốt là rất quan trọng, đặc biệt là lễ tế Tiên nông, Khuyến nông trong những ngày đầu năm. Vào dịp này, quan Phủ doãn đã long trọng tổ chức lễ tế Xuân ngưu, rước một con trâu nặn bằng đất có nhuộm màu tương ứng với can chi của từng năm (tượng trưng cho việc canh nông) đến đền Bạch Mã (phường Hà Khẩu), cầm một cành dâu (tượng trưng cho việc tầm tang đánh vào con trâu đất đó. Hôm sau, con trâu đất được đưa vào sân điện Hoàng thành, vua quan tề tựu đông đủ làm lễ tiến Xuân ngưu. Cũng vào dịp Lập xuân, quan khâm sai hoặc đích thân nhà vua đi đến đền Xã Tắc (phường Xã Đàn, quận Đống Đa) làm lễ tế Thần Nông, cầu mong mùa màng tươi tốt. Để khuyến khích nông nghiệp, nhà vua tự thân bước xuống thửa ruộng tịch điền, cày vài đường cày để nêu gương.

Dân chúng kinh thành thường coi những ngày tế lễ này như những dịp vui chơi, hoan hỷ, đi theo những đám rước trong phố xá. Ngoài ra, họ còn tham dự nhiều lễ hội khác trong năm. Trước hết phải kể đến những lễ hội lịch sử, thường để gợi nhớ hình ảnh và ca tụng các anh hùng, chiến tích như các hội Gióng ở Sóc Sơn và Gia Lâm, hội đền Cổ Loa, hội đền Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó là những lễ hội quần chúng mang tính vui chơi giải trí, đồng thời cũng phản ánh truyền thống, sinh hoạt, lao động sản xuất của địa phương như các hội vật Mai Động, hội múa rắn Lệ Mật, hội đuổi lợn Thạch Bàn, hội bơi Đăm (Tây Tựu), hội trình nghề Sài Đồng… Cùng với lễ hội, dân chúng Kẻ Chợ cũng rất quan tâm đến các ngày lễ tết, được tổ chức trọng thể cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội.

Tết Nguyên đán (được tổ chức từ 3 ngày đến nửa tháng) là những ngày hội của toàn dân, mọi người đều nghỉ công việc, dành cho việc cúng bái, thăm hỏi chúc tụng nhau, ăn uống và vui chơi giải trí. Từ trước hết, các nha môn đã làm lễ gác ấn, ngừng giải quyết các giấy tờ. Trong tập Lịch sử nước Annam viết tay bằng chữ quốc ngữ (1659), thầy dòng người Việt Bento Thiện có ghi: “Đến nửa đêm Giao thừa, trong vương phủ, ba phát súng đại bác nổ vang, báo hiệu bước sang năm mới”. Rồi trong dịp Trung thu, phủ Chúa Trịnh bày ra rất nhiều những trò vui cực kỳ xa hoa, lộng lẫy.

Trong các dịp lễ tết hội hè, tại các phường thôn Kẻ Chợ, người ta còn tổ chức biểu diễn những trò vui dân gian, thu hút đông đảo khán giả. Người ta lựa chọn những gà chọi giống tốt, nổi tiếng, thường là của các làng Đăm (Tây Tựu), An Phú, Nghi Tàm, Thuỵ Chương, được đem bán nhiều ở chợ Cửa Đông… Ngoài ra, các trò vui giải trí khác của thị dân Kẻ Chợ được ghi nhận là nhảy dây, đánh đu, đấu vật, làm trò hề. Nổi tiếng là các lò vật Mai Động, Quỳnh Đô, trò kéo co (Cự Linh, Gia Lâm), bơi chải đua thuyền (Nghi Tàm, Quảng Bá), đấu cờ người (chùa Vua).

Trong cuốn du khảo của S. Baron, có vẽ tranh về các trò mãi võ, đi cà kheo, tung hứng. Trong các gia đình khá giả, người ta thường tổ chức những thú vui thanh nhã như thả thơ, gọt hoa thuỷ tiên.

Cũng có những trò vui tiêu khiển của người dân Kẻ Chợ biểu thị những tật xấu hoặc mang tính phóng đãng. Mặc dù trong dân gian có câu cảnh báo “Cờ bạc là bác thằng bần” nhưng tệ nạn vẫn khá phổ biến, người chơi còn chơi cá cược cả về hoa lan. Rồi trong dịp tết Nguyên đán, nhiều người ăn chơi, bài bạc trong suốt khoảng thời gian dài đến 10 – 12 ngày.

Xuân Hỷ tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)