Nhớ Tết Trung thu Hà Nội xưa
Ngày còn nhỏ, cứ tới đầu tháng Tám âm lịch là bắt đầu thấy rộn rã. Bà nội chuẩn bị sẵn bột để làm bánh dẻo. Bà ngoại cắt sẵn những tờ giấy pơ luya mỏng tang, trắng ngần thành những hình vuông và nhuộm bằng màu của hoa tươi để đến Trung thu làm một bình hoa giấy. Lũ trẻ hàng phố thì thi nhau “tích trữ“ những hạt bưởi, bóc vỏ và xiên vào những sợi dây thép, phơi khô từ 2 - 3 tuần để đến đêm Rằm mang những dây hạt bưởi ấy ra đốt sáng. Càng gần tới Rằm, không khí càng rộn rã. Bố đi tìm nan tre và giấy kính màu đỏ để hướng dẫn lũ trẻ trong phố vót nan, dán giấy, làm đèn ông sao, đèn con thỏ. Đèn của bố cánh thẳng, nan đều tăm tắp. Đèn của con méo mó, vẹo vọ, ông sao như đang ngủ gật. Chẳng hề gì, con vẫn hớn hở đem khoe “chiến tích” thủ công đầu đời với lũ bạn trong phố. Một cuộc thi đèn bất phân thắng bại diễn ra ngay trên hè phố với dãy đèn đủ loại: đèn quả dưa, đèn quả trám, đèn con cá, đèn ông sao, đèn xếp xe đẩy, đèn lồng toòng teng..., ngõ nhỏ rực sáng, những cây bàng rực sáng. Đèn nhấp nháy và mắt lấp lánh. Tất cả đã sẵn sàng cho một đêm rước đèn đầy ấn tượng.
Dù cho Trung Thu nào, phố Hàng Mã cũng bán đủ mọi loại đèn và kỹ thuật của những chiếc đèn “Made-in-người lớn” ấy mỗi năm một hoàn hảo hơn, tinh xảo hơn, nhưng cứ mỗi độ Trung Thu về, những chiếc đèn vẹo vọ của tuổi thơ, những con thỏ tai dài, tai ngắn, những ánh nến chập chờn trong chiếc đèn xe kéo như những ánh sao theo từng bước chân, luôn trở lại mạnh mẽ nhất trong ký ức của người – lớn – ngày - nay.
Tết Trung Thu ở Hà Nội xưa kia còn có nhiều phong tục như thi đèn; thi cỗ, thi múa sư tử, với đủ loại thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, người cầm côn hộ vệ đầu sư tử; thi hát trống quân, vừa hát vừa đánh nhịp vào một sợi dây căng trên một chiếc thùng rỗng, tiếng kêu “thùng thình” đặc trưng của tiếng trống mùa Trung thu. Ngày nay những phong tục này đã bị mai một đi quá nhiều và Trung thu đã bị thương mại hóa quá mức, khiến không còn nhiều người hiểu về ý nghĩa của Tết Trung thu mà chỉ coi đó là một dịp để biếu xén hay đơn thuần chỉ là một dịp vui cho trẻ.
Tết Trung thu rước đèn đi chơi,
Em rước đèn đi đón chị Hằng...”
Không phải vô cớ người ta gọi Trung thu là Tết. Không biết ở mọi miền xưa kia Trung thu thế nào, chứ Hà Nội thời tôi còn nhỏ, Trung thu đích thực là Tết. Không chỉ là Tết của trẻ em như ngày nay người ta vẫn nghĩ. Không mang không khí linh thiêng, cổ truyền như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu vẫn là một cái Tết đoàn viên. Trong ký ức của tôi, đó là một lễ hội thật vui vẻ và tràn đầy màu sắc và âm thanh.
Từ đầu tháng 8 âm lịch, khu phố cổ Hà Nội như được khoác một chiếc áo mới sinh động và tươi tắn hơn hẳn ngày thường. Khu hàng “đồ chơi tháng Tám” tập trung ở Hàng Mã, nhưng cũng gồm các phố Hàng Gai, Hàng Hòm, Lương Văn Can... Những đèn kéo quân, đầu sư tử, Lã Vọng, mặt nạ các kiểu, những tổ chim bằng bông trắng muốt xinh xắn, các loại con giống bằng bột xanh đỏ, các loại đèn, người mua, người bán, người lớn, trẻ con... tất cả làm đường phố trở nên tấp nập, đông vui và một không khí… như Tết. Trên những con phố gần Hồ Hoàn Kiếm như Hai Bà Trưng, Tràng Thi, Hàng Bài là nơi bán các loại bánh nướng và bánh dẻo. Tôi rất thích theo mẹ đi chợ vào mùa Trung thu. Chợ Hôm, chợ Đức Viên ngồn ngộn hoa trái, những gánh hàng rong bán các loại quả không thể thiếu vào mùa Trung thu như bưởi, cam, quýt, na, đặc biệt là hồng và cốm. Các loại bánh được bày trên mẹt: bánh dẻo, bánh nướng, bánh đậu xanh, bánh chữ, bánh Tô Châu, những đàn lợn mẹ con, những con cá chép bánh bột, luôn khiến lũ trẻ chúng tôi thèm thuồng. Sự mua bán, chuẩn bị, sự mong chờ, nôn nao, cũng không khác gì Tết.
Tết Trung thu ở Hà Nội xưa kia quan trọng nhất vẫn là mâm cỗ trông trăng, bắt đầu được bày từ chiều 15 tháng Tám âm lịch. Mâm cỗ bao giờ cũng được bày trước cửa nhà dưới ánh trăng. Một mâm cỗ đẹp và đầy đủ phải có đủ màu sắc của các loại quả theo quan niệm âm dương, có quả xanh và có quả chín. Người xưa quan niệm tháng Tám là thời gian bừng nở của đất trời, nước sinh sôi và hoa kết trái, âm dương hòa hợp. Bánh Trung thu là tên gọi chung cho bánh nướng và bánh dẻo, là sự hội tụ của những tinh hoa ấy, cốm xanh là tinh túy của đất, quả hồng đỏ là sự hy vọng, quả na sinh lộc biểu tượng của sự sinh sôi, quả bưởi tượng trưng cho sự tốt lành và quả lựu mang lại những điều may mắn.
Mâm cỗ Trung thu xưa kia cũng là dịp để những người phụ nữ phô diễn sự khéo tay. Bà nội tôi hay làm hai con chó với cốt là quả cam và quả quýt, tùy theo tư thế nằm của chó, lông xù ra là những tép bưởi được chọn lựa kỹ càng với 2 hạt nhãn làm mắt. Cùi trắng của trái bưởi lại được bà ngoại tết thành hai con thỏ tai dài, đặt bên chiếc lư trầm đã được đánh sáng bóng. Chính giữa mâm cỗ là một hàng chữ “Trung thu nguyệt bính” bằng gạo được nhuộm bằng các loại lá màu xanh đỏ tím vàng và một cái bánh dẻo ngoại cỡ trắng muốt như mặt trăng, trên có đặt một con thạch sùng bằng bột (tại sao lại thế thì đến giờ tôi không còn nhớ nữa). Các loại trái cây khác và con giống bằng bột cùng bình hoa hồng bạch và cúc vàng bằng giấy được bày xung quanh. Có năm, mẹ tôi và hai bà còn cầu kỳ làm một con chim phượng từ các loại trái cây và cả một đàn lợn bánh nướng đến mấy chục con múp míp. Khu vực xung quanh bàn thờ thường được treo những chiếc đèn lồng do trẻ trong nhà làm và cũng có năm, bố làm một chiếc đèn kéo quân khiến cả phố mê mẩn.
Khi trăng đã lên cao, bố pha một bình trà sen thơm ngát. Bà luôn là người đầu tiên đốt nén nhang trên bàn thờ Phật, rồi thắp nến và đèn hạt bưởi lễ trời, lễ trăng. Mùi thơm hăng hắc của hạt bưởi cùng mùi nhang, mùi thơm thanh tao của cốm cùng mùi ngọt ngào của trái hồng như bay, như lượn trong không gian thanh khiết của trăng đêm rằm. Sau màn phá cỗ và cùng nhau thưởng thức hương vị các loại bánh trái, thì không chỉ đám trẻ con trong nhà, mà cả người lớn cũng ham vui, nhập vào đám rước đèn. Dưới ánh trăng dát bạc của đêm rằm, những ngọn nến lung linh trên từng góc phố, từng hàng cây. Những câu hát đồng dao về Trung thu văng vẳng trong đêm, đi vào bầu trời ký ức tuổi thơ tôi.
Cho tới giờ, tôi vẫn thấy mâm cỗ trông trăng nhà mình ngày xưa là đẹp nhất. Và cũng phải nhiều năm sau, tôi mới hiểu tại sao người xưa gọi thứ bánh có hình mặt trăng ấy là “bánh đoàn viên” và Trung thu là “Tết”.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội