Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 02/10/2015 11:19
Chăm sóc, giáo dục thiếu nhi Thủ đô từ những hành vi giao tiếp có văn hóa

Để bảo tồn và phát huy bản sắc thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, điều quan trọng hiện nay là phải chăm chút, giáo dục cho lớp mầm non của Thủ đô những hành vi thanh lịch, có văn hoá trong giao tiếp, ứng xử. Để làm được việc này, trước hết cần phải có sự định hướng nội dung và biện pháp giáo dục cho lứa tuổi thiếu nhi từ những hành vi giao tiếp cụ thể, trong gia đình, đến nhà trường và  ngoài xã hội.

 
Một lối sống văn minh, thanh lịch bao giờ cũng dung chứa những hành vi ứng xử giao tiếp có văn hóa. Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng ta đã xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong việc phát triển con người, Đảng ta cũng xác định: “Phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị tư tưởng, về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội”.

Người Hà Nội xưa và nay vẫn được nhìn nhận như một mẫu hình về tính có văn hóa trong lối sống, trong giao tiếp ứng xử. Cùng với các truyền thống: yêu nước, thương người, giàu nhân nghĩa, hiếu học, tài hoa, tinh tế…, truyền thống văn minh, thanh lịch cũng là một trong những nét truyền thống quý báu vốn có của người Hà Nội. Để giữ gìn và phát huy được những nét đẹp truyền thống đó, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục thế hệ công dân tương lai của Thủ đô - đó chính là lứa tuổi thiếu nhi.

Giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho thiếu nhi Thủ đô là một quá trình giáo dục có mục tiêu, theo những nguyên tắc và yêu cầu của giáo dục thể hiện qua việc xác định các nội dung giáo dục, hệ thống các phương pháp giáo dục, các hình thức tổ chức giáo dục, các phương tiện điều kiện và các yếu tố chi phối việc giáo dục đặc điểm việc hình thành một nhân cách giao tiếp có văn hoá đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

Trước hết chúng ta cần xác định những nguyên tắc xây dựng nội dung giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho thiếu nhi Thủ đô. Đó là đảm bảo kế thừa, phát triển những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và của người Hà Nội; tiếp thu những chuẩn mực đạo đức của dân tộc và của thời đại; coi trọng sự kết hợp những chuẩn mực đạo đức với hành vi pháp luật trong quá trình hình thành nhân cách ngay ở tuổi nhỏ. Giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho thế hệ trẻ phải là một quá trình lâu dài, hệ thống, là nhiệm vụ của toàn xã hội, song quan trọng là thống nhất giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Muốn hình thành hành vi giao tiếp có văn hoá phải tăng cường giáo dục cảm xúc, tình cảm, thẩm mĩ đạo đức cho lứa tuổi này; tăng cường giao lưu, tăng cường hoạt động xã hội, văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao... là phương tiện cơ bản để hình thành hành vi giao tiếp có văn hoá.

Với việc xác định những nguyên tắc trên, chúng ta mới có thể xây dựng những nội dung cơ bản trong giáo dục thiếu nhi Thủ đô nhằm hình thành những hành vi, hoạt động giao tiếp văn hóa. Một trong những nội dung quan trọng cần giáo dục ở lứa tuổi thiếu nhi chính là giáo dục các giá trị thể hiện thái độ ứng xử với bản thân. Các em cần được nhận thức về lòng tự trọng, biểu hiện ở cách ăn mặc, cử chỉ, hành động ở nhà, ở lớp, ở nơi công cộng... luôn gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp. Các em còn phải rèn luyện tính tự giác khi thực hiện kế hoạch học tập, rèn luyện của bản thân, không phải ai nhắc nhở, kiểm tra giám sát.

Đối với lứa tuổi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, trong quá trình hình thành nhân cách, các em cần được hướng dẫn cách tự xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện, lao động hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, cả năm… của cá nhân. Đây là bước quan trọng nhằm phát triển năng lực tự rèn luyện bản thân ở lứa tuổi này. Đồng thời, gia đình và nhà trường còn cần định hướng giáo dục các em hình thành kĩ năng điều chỉnh hành vi. Biết tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh hành vi là những kĩ năng ban đầu và xuyên suốt mọi hoạt động với các mức độ khác nhau. Ngay từ tuổi thiếu nhi đã đòi hỏi các em có kĩ năng kiểm tra, đánh giá công việc, thực hiện kế hoạch hàng ngày và điều chỉnh kế hoạch hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm để đạt mục tiêu phấn đấu. Các em phải biết tự kiểm tra đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của cá nhân trên những nội dung học tập, lao động. Biết kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh hoạt động của bản thân là những kĩ năng rất quan trọng giúp các em tự hoàn thiện bản thân, hình thành các kĩ năng sống như: tự tin, sống tiết kiệm, trung thực, siêng năng, hướng thiện, biết kiềm chế, tránh những cám dỗ không chính đáng.

Đối với Hà Nội - một Thủ đô văn hiến, nơi hội tụ và lan toả tinh hoa văn hóa của cả nước, càng không thể coi nhẹ việc giáo dục thế hệ trẻ của Thủ đô. Giáo dục, rèn luyện và định hướng cho thiếu nhi một phong cách thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa, từ trong gia đình, đến nhà trường và ngoài xã hội. Khi học sinh Hà Nội nhận thức được vai trò, vị thế, trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm tuổi, thì chính các em mới nỗ lực rèn luyện, học tập để trở thành một nhân cách có văn hóa của Thủ đô thời đại mới - thời đại hội nhập, giao lưu với văn hóa thế giới song vẫn giữ được bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Mai An

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)