Du lịch Hà Nội - Khai thác tối đa lợi thế để thành công
Hội nhập quốc tế đa phương diện, tham gia các cộng đồng kinh tế khu vực và thế giới sẽ giúp chúng ta nhận thức đúng được vai trò, vị trí của mình trong mặt bằng chung các quốc gia cùng khu vực hay trên thế giới. Tuy nhiên, khi một cơ hội mới mở ra cũng thường đi kèm với những thách thức, đòi hỏi chúng ta phải xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó mới có thể hoạch định chiến lược phát triển đúng hướng. Du lịch của Hà Nội nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung, cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Trước hết cần nghiên cứu kỹ các điểm mạnh của du lịch Hà Nội trong bối cảnh chung của khu vực và quốc tế. Ngay từ thế kỉ XI, vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấy thế đất “rồng bay” của một vùng đất địa linh nhân kiệt. Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm và là thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật lớn bậc nhất cả nước, các nguồn lực tập trung cho du lịch Hà Nội rất phong phú và đa dạng. Phải khẳng định rằng, thủ đô Hà Nội từ lâu đã là một điểm đến du lịch ưa thích của nhiều khách du lịch quốc tế. Nhiều năm liền Hà Nội được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch.
Là một thành phố có nền kinh tế phát triển thuộc tốp đầu của cả nước, Hà Nội có tiềm lực và điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng, về giao thông, xây dựng... Hà Nội là nơi tập trung với mật độ cao những cơ sở phục vụ khách du lịch chất lượng hiện đại. Theo thống kê mới đây, hiện Hà Nội có 14 khách sạn 5 sao, 14 khách sạn 4 sao và gần 50 khách sạn 3 sao. Một điểm mạnh nữa của du lịch Hà Nội là chất lượng nguồn nhân lực. Các khách sạn 4-5 sao, các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của Việt Nam tập trung tại Hà Nội là nơi làm việc của hàng ngàn lao động có tay nghề cao, có kinh nghiệm tốt của ngành du lịch Việt Nam. Tỷ lệ lao động du lịch qua đào tạo chuyên ngành và có ngoại ngữ làm việc tại Hà Nội tương đương Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong hai đơn vị dẫn đầu cả nước. Bên cạnh tiếng Anh là chủ đạo, người làm du lịch ở Hà Nội còn có thể nói các thứ tiếng khác như Trung, Pháp, Nga… Tỷ lệ người có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ với khách du lịch trong cộng đồng dân cư cũng khá cao. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ít bị lúng túng hơn đến các nơi khác vì họ có thể giao tiếp trực tiếp với người dân. Hà Nội cũng là địa bàn có nhiều cơ sở có uy tín hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
Là thủ đô của cả nước, Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng nhất ở phía Bắc. Hầu hết, khách du lịch nước ngoài đến các tỉnh phía bắc và bắc miền Trung đều đi qua sân bay Nội Bài của Hà Nội. Với mạng lưới đường bộ và đường sắt tỏa đi khắp cả nước, Hà Nội là đầu mối giao thông kết nối với tất cả các điểm du lịch ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Giao thông nội đô cũng góp thêm một thế mạnh cho du lịch Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được hệ thống giao thông công cộng hoạt động khá hiệu quả, với sự xuất hiện của hàng chục ngàn xe buýt trên mọi tuyến đường của Thủ đô. Bởi vậy, khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến đây khá dễ dàng để tham quan các địa điểm du lịch hấp dẫn chỉ với phương tiện công cộng này.
Xét về góc độ chính trị, ngoại giao, Hà Nội là nơi đặt trụ sở của các đại sứ quán, nhiều tổ chức đại diện ngoại giao và đa số các tổ chức quốc tế. Do vậy, mọi vấn đề liên quan đến phát triển du lịch có yếu tố nước ngoài, đến khách du lịch quốc tế đều được giải quyết thuận lợi và nhanh chóng. Du khách đến với Hà Nội sẽ cảm thấy an tâm, an toàn hơn khi các cơ quan ngoại giao, các tổ chức của quốc gia mình đang hoạt động trên địa bàn Thành phố.
Chúng ta cùng tin tưởng và hy vọng rằng, với nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển kinh tế Thủ đô, với việc khai thác tối đa các lợi thế, tiềm lực sẵn có, du lịch Hà Nội chắc chắn sẽ tiến những bước dài trên con đường đưa hình ảnh Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế; góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô nói riêng, kinh tế đất nước nói chung bắt kịp xu thế hội nhập toàn cầu đa phương hóa, đa diện hóa.
Mai Thanh
Nhà xuất bản Hà Nội