Kết hợp nghiên cứu sự tác động của cuộc sống hiện đại và đặc điểm tâm lý lứa tuổi trong giáo dục, rèn luyện thiếu nhi của Thủ đô
Rõ ràng cuộc sống hiện tại đã tác động vô cùng mạnh mẽ đến từng người, nhất là khi đất nước ta đang chuyển mình, đang đổi mới về nhiều mặt (trong đó sự chuyển biến kinh tế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường đa dạng hóa các thành phần là nhân tố quan trọng nhất). Hơn nữa, quá trình toàn cầu hoá ngày càng làm phai mờ sự khác biệt giữa các quốc gia, đồng thời làm nổi lên nhiều cái phổ cập, nhiều cái chuẩn mực chung của thế giới; trong khi đó không ít giá trị đã hun đúc nên được theo chiều dài lịch sử của đất nước đang bị mai một hoặc đảo lộn. Hoàn cảnh đầy biến động ấy đã tạo ra những điều kiện mới tác động toàn diện đến đời sống nhân dân ta, khiến cho hệ thống giá trị cũng chuyển biến mạnh mẽ theo xu thế: Giá trị kinh tế trội hơn giá trị tinh thần (chính trị, văn hoá, đạo đức); giá trị trước mắt (thực dụng) trội hơn giá trị lâu dài; giá trị hiện đại lấn át giá trị truyền thống; lợi ích cá nhân được coi trọng hơn lợi ích tập thể; chuẩn mực quốc tế lấn át chuẩn mực quốc gia.
Nhiều người trong chúng ta lại chưa thể dứt bỏ được những cái cũ, cái lỗi thời đồng thời lại chưa kế thừa tiếp thu hợp lí cái mới, cái tiến bộ. Điều đó ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ, mà trước hết dễ nhận ra nhất là những biểu hiện trong hành vi giao tiếp. Do đó cung cách giao tiếp cũ đã chuyển dần sang cung cách giao tiếp mới, mang trong mình cả những nét tích cực cũng như những nét tiêu cực. Bởi vậy, giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho lứa tuổi thiếu nhi, nhất là với thiếu nhi Thủ đô - những công dân tương lai của một Thủ đô hiện đại, văn minh, càng cần chúng ta nghiên cứu kỹ những tác động nhiều chiều của các nhân tố, cả nhân tố tích cực trong truyền thống dân tộc (nhất là cách ứng xử của người Hà Nội) và các nhân tố mới, tiến bộ trong cuộc sống hiện đại.
Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về quá trình xây dựng và rèn luyện, giáo dục thiếu nhi, chúng ta cũng cần đánh giá, phân tích những tác động của đặc điểm tâm lý lứa tuổi này. Nhìn chung, có thể chia lứa tuổi thiếu nhi thành hai lứa tuổi: một là lứa tuổi nhi đồng (khoảng từ 6 đến 9 tuổi) và hai là lứa tuổi thiếu niên (khoảng từ 10 đến 15 tuổi). Sự phát triển của trẻ em ở tuổi nhi đồng về tính cách không khác lắm so với trẻ em ở cuối tuổi mẫu giáo, nhưng về trí tuệ thì cao hơn hẳn, vì các em nhi đồng bắt đầu tiếp xúc với các bộ môn khoa học mà hoạt động học tập đang đóng vai trò chủ đạo. Vì vậy, cách ứng xử của nhi đồng đối với những người xung quanh đã có một bước tiến bộ rõ rệt về tính hợp lí trong hành vi giao tiếp. Có thể coi lứa tuổi nhi đồng là một giai đoạn phát triển tương đối êm ả, nhìn chung nhi đồng là những em bé ngoan.
Ở lứa tuổi nhi đồng, tính chất của giai đoạn phát triển này tương đối êm ả, chưa bị xáo động dữ dội nên giáo dục hành vi giao tiếp cho nhi đồng chủ yếu là hình thành động cơ đạo đức tốt đẹp, đồng thời tạo mọi điều kiện để nhi đồng tiếp xúc với những hình ảnh đẹp trong giao tiếp của người xung quanh, đặc biệt là các mẫu hành vi giao tiếp chuẩn mực của cha mẹ, thầy cô, anh chị phụ trách Đội trong nhà trường… và kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong hành vi do bắt chước mà có.
Bước vào lứa tuổi thiếu niên, sự phát triển của trẻ em đã bắt đầu có sự xáo động dữ dội về thể chất cũng như tâm hồn, đó là giai đoạn quá độ từ trẻ con sang người lớn - thiếu niên không còn là trẻ con nhưng cũng chưa phải là người lớn. Đó là tính chất đặc trưng nhất của giai đoạn phát triển đầy mâu thuẫn và thất thường này. Sự phát triển của thiếu niên phức tạp hơn nhiều. Đây là thời kì mà nhân cách của các em dường như được sinh ra lần thứ hai (lần thứ nhất vào tuổi lên ba, khi “cái tôi” (tự ý thức) xuất hiện dẫn đến những cơn khủng hoảng). Các em thiếu niên muốn phá vỡ cái khung chật chội của nhân cách trẻ con, biểu tượng mình là người lớn luôn ám ảnh các em và để tự khẳng định, thiếu niên đòi phải cải tổ quan hệ giữa các em với người lớn vốn là quan hệ giữa trẻ em với người lớn nay thành quan hệ bình đẳng “giữa người lớn với nhau”. Do đó việc giáo dục, rèn luyện cho lứa tuổi này đòi hỏi một phương pháp sư phạm khéo léo, tế nhị song cũng cần có độ cứng rắn, quyết đoán trong những hoàn cảnh cần thiết.
Có thể nói, trong guồng quay của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, sự tiếp biến và giao lưu văn hóa ngoại lai ồ ạt khó kiểm soát; thì công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng càng cần một định hướng, một sự quan tâm đúng mức của cả gia đình, nhà trường và xã hội; để các em có khả năng nhận thức và tự rèn luyện, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về một phong cách thanh lịch, văn minh; nhất là với lứa tuổi thiếu nhi Thủ đô Hà Nội - công dân tương lai của một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Trang Thu
Nhà xuất bản Hà Nội