Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 02/10/2015 11:31
Cần xác định các quan điểm chỉ đạo trong đầu tư công của Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020

Với vị trí trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của cả nước, Thành phố Hà Nội có trọng trách nặng nề trong việc xác định các quan điểm chỉ đạo để thực hiện thành công quá trình tái cấu trúc đầu tư công. Bởi thành công này sẽ tạo thế và lực mới cho Thủ đô hướng đến mô hình đô thị hiện đại với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, sẵn sàng thích ứng và hội nhập kinh tế toàn cầu trong giai đoạn mới.

 
Trước hết, chúng ta cần nhận thức nguồn gốc sâu xa của đầu tư công chính là hoạt động đầu tư nhằm thể hiện vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Quy mô và lĩnh vực đầu tư công hợp lý thể hiện ở kết quả cuối cùng là Nhà nước hoàn thành đúng và tốt nhất vai trò của mình trong nền kinh tế. Do vậy, việc xác định chính xác vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế có ý nghĩa nền tảng để tiến hành bất cứ hoạt động tái cấu trúc đầu tư công nào. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo đầu tiên trong thực hiện tái cấu trúc đầu tư công của Thành phố Hà Nội. Chúng ta cần xác định rõ vai trò của Nhà nước trong quản lý đầu tư phát triển, theo đó Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò là “cung cấp” chứ không phải là vai trò “nhà đầu tư”, đồng thời tăng cường vai trò “nhà nước phúc lợi”.
 
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cần có quan điểm kết cấu hạ tầng khung phải do chính quyền Thành phố đầu tư. Đó là vì, thực tiễn phát triển của Hà Nội cũng như các thủ đô, thành phố của các quốc gia đang phát triển trên thế giới cho thấy việc xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng cũng rất quan trọng nhưng không thể thay thế được vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực này. Ngoài ra, những công trình nhận đầu tư bằng vốn ngân sách cho xây dựng cơ bản của Hà Nội được thực hiện phải liên quan trực tiếp đến phục vụ con người như giáo dục, y tế, văn hóa… và phục vụ lợi ích chung của đa số người dân Thành phố; còn những công trình phục vụ cho một nhóm dân có thu nhập cao thì không được coi là hàng hóa công cộng và phải được đầu tư - kinh doanh theo cơ chế thị trường.
 
Quan điểm thứ hai mà các cấp chính quyền Thành phố cần xác định đó là quán triệt quan điểm Hiệu quả là mục tiêu hàng đầu trong tái cấu trúc đầu tư công. Đầu tư công của Hà Nội phải tính toán đến hiệu quả và lợi ích chung, không vì lợi ích cục bộ của địa phương, vì lợi ích nhóm mà ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn Thành phố và cũng như của cả nước. Các dự án đầu tư công của Thành phố phải đảm bảo được tính đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí và có nguy cơ làm thất thoát vốn ngân sách.
 
Một quan điểm nữa mà Hà Nội cần nghiên cứu và áp dụng, đó là tái cấu trúc đầu tư công phải đảm bảo tương thích với mô hình tăng trưởng mới, phục vụ tăng trưởng cao và bền vững ở Hà Nội. Thời gian tới Thành phố cần thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng dựa nhiều vào vốn đầu tư sang tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế. Đồng thời, chúng ta cần đảm bảo đầu tư công có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nhưng không tác động tiêu cực đến tăng trưởng trung hạn và dài hạn.
 
Quan điểm thứ tư trong chỉ đạo đầu tư công của Hà Nội là cần gắn chặt trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đã được giao nhiệm vụ với kết quả và hiệu quả của đầu tư công. Việc thực hiện đầu tư công không đúng thẩm quyền, không đúng chức năng của cá nhân và tổ chức ở các khâu trong quản lý dự án đầu tư công sẽ dẫn đến nhiều bất cập trên thực tế. Do đó, để tái cấu trúc đầu tư công của Thành phố theo hướng tăng trưởng cao và bền vững, phải đảm bảo được nguyên tắc cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, đảm bảo được nguyên tắc ai ra quyết định đầu tư, cấp nào ra quyết định đầu tư cấp đó, người đó phải chịu trách nhiệm. Đây là một nguyên tắc gắn trách nhiệm và nhiệm vụ của người ra quyết định.
 
Quan điểm thứ năm là Thành phố phải đảm bảo công khai - minh bạch trong giải trình mọi hoạt động liên quan đến đầu tư công, đồng thời đảm bảo sự tham gia của các tổ chức độc lập trong đánh giá hiệu quả đầu tư công. Mọi thất thoát, lãng phí, tham nhũng có điều kiện nảy sinh và phát triển đều do không công khai, minh bạch hay chỉ công khai nửa vời về thông tin và đặc biệt thiếu trách nhiệm giải trình trước các chất vấn của người dân. Tuy nhiên, chỉ công khai, minh bạch thì chưa đủ mà còn cần đảm bảo cơ chế giám sát và đánh giá độc lập đối với hoạt động đầu tư công nói chung và hiệu quả đầu tư công nói riêng. Áp dụng nguyên tắc chỉ đạo này đòi hỏi sự thay đổi tư duy rất lớn trong quản lý đầu tư công, từ tập trung vào “phân bổ ngân sách đầu tư công” chuyển sang “tập trung đánh giá hiệu quả đầu tư công” và sử dụng hiệu quả đầu tư như là một tiêu chí quan trọng để phân bổ ngân sách đầu tư công trong những thời kỳ tiếp theo.
 
Trên cơ sở kết quả đạt được trong đầu tư công của Hà Nội những năm vừa qua, cần nhận định khách quan rằng Thành phố vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong quản lý và giám sát thực hiện đầu tư công trên địa bàn. Bởi vậy, tuân thủ các quan điểm chỉ đạo trên khi triển khai tái cấu trúc đầu tư công sẽ góp phần đảm bảo cho sự thành công của quá trình tái cấu trúc đầu tư công Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015-2020.
 
 
Quý Châu

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)