Nguồn nhân lực chất lượng cao là tiền đề cho sự phát triển bền vững của Thủ đô
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành công không phải là điều đơn giản; đòi hỏi chúng ta phải hiểu đúng về khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định rõ các loại lao động chất lượng cao cần ưu tiên. Như trên đã nói, hiểu một cách chung nhất, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là những người giỏi về chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị cao trong từng công việc mà họ đảm nhiệm. Theo đó, nhân lực chất lượng cao có thể là những công nhân bình thường, công nhân kỹ thuật, kỹ sư, trưởng phòng ban hoặc thậm chí là một người tạp vụ... Tuy nhiên, về cơ bản có thể nhận định, nguồn nhân lực chất lượng cao cần ưu tiên cho Hà Nội hiện nay bao gồm: đội ngũ doanh nhân giỏi có trình độ cao để hội nhập quốc tế có hiệu quả, đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách có trình độ cao, đội ngũ những người lập trình, chế tạo rô bốt, chế tạo thiết bị tự động hoá; đội ngũ những người nghiên cứu sáng chế công nghệ mới trong những lĩnh vực then chốt, đội ngũ giáo viên phổ thông, giảng viên đại học có chất lượng nhiều mặt ngang với chuẩn mực khu vực trong các trường nằm trong các vùng trọng điểm...
Bên cạnh đó, Hà Nội cần hoạch định chính xác và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiệu quả trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Đây là công việc vô cùng quan trọng, quyết định đến thành công trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Do vậy, trước khi hoạch định, chính quyền Thành phố cần phân tích rất kỹ về mục tiêu và định hướng phát triển của tổ chức, của nền kinh tế, của xã hội và của cả thế giới trong từng giai đoạn cụ thể, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các lĩnh vực mới, hiện đại hoặc các lĩnh vực thế mạnh của chúng ta; đánh giá về những yếu tố bên trong, bên ngoài có tác động liên quan đến việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Để nhanh chóng xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Hà Nội, chúng ta cần nghiên cứu và vận dụng tổng thể nhiều giải pháp. Một là, đa dạng hóa phương thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; coi trọng mở rộng hình thức đào tạo phân tán, kết hợp giữa chính quyền địa phương với các khu công nghiệp để thực hiện đào tạo trực tiếp. Hai là, chúng ta cần đánh giá lại tổng thể hệ thống đào tạo để xem xét những điểm yếu, điểm thiếu và cập nhật, nâng cấp chương trình, đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, phương pháp dạy và học mới mang tính đột phá và phù hợp với xu hướng phát triển, xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu của từng tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, việc đào tạo phải sát thực tế, trên công nghệ mới và hiện đại, có định hướng rõ ràng cho từng nghề cụ thể. Ngoài việc phát triển các trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, Thành phố nên chú trọng phát triển các trung tâm dạy nghề, dạy kỹ năng nhằm giúp họ chuyên môn hóa công việc mà họ đang làm hoặc công việc họ sẽ làm trong tương lai. Một điểm nữa cần lưu ý đó là bên cạnh phát triển hệ thống đào tạo thì việc nâng cấp đội ngũ giảng viên là ưu tiên hàng đầu vì có thầy giỏi mới có những người thợ giỏi. Do vậy, cần xây dựng tiêu chuẩn giảng viên cho từng cấp, xây dựng tiêu chí đánh giá và thực hiện việc đánh giá thành tích của từng giảng viên nhằm tạo động lực, kích thích sự học hỏi và phấn đấu trong tập thể giảng viên, thu hút và đãi ngộ xứng đáng đối với những giảng viên giỏi nghiệp vụ và giàu kinh nghiệm thực tế, giảng viên người nước ngoài...
Ba là, muốn có được một bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả, đòi hỏi Thành phố biết áp dụng nghệ thuật dụng người. Với định hướng phát huy tối đa các lợi thế sẵn có, Hà Nội cần xây dựng một chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vùng: Có cơ chế, chính sách tốt nhằm tạo điều kiện để thu hút các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia khoa học, công nhân có tay nghề cao, lao động có kinh nghiệm... đến sinh sống và lao động trên địa bàn Thành phố; ban hành cụ thể các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và các ưu đãi khác để thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật từ các vùng đến công tác và làm việc lâu dài ở Hà Nội. Ngoài ra, Thành phố cũng cần ban hành một chế độ ưu đãi đối với số cán bộ giỏi, nhất là cán bộ giỏi từ nơi khác đến, số sinh viên giỏi ra trường về công tác ở Hà Nội.
Trong bối cảnh thế giới thay đổi chóng mặt từng ngày với các cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, mỗi quốc gia, mỗi thành phố cần xác định rõ vị thế và tiềm lực, cơ hội và thách thức của mình mới có thể đón bắt kịp xu thế vận động toàn cầu. Thủ đô Hà Nội, với định hướng tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội chắc chắn sẽ có được bước đột phá trong quá trình đô thị hóa hiện tại và tương lai.
Đoàn Minh
Nhà xuất bản Hà Nội